Thuyết Minh Về Bánh Pía Sóc Trăng

 

Dàn Ý Thuyết Minh Về Bánh Pía Sóc Trăng

  1. Mở bài: Giới thiệu về món bánh Pía Sóc Trăng

  1. Thân bài:
  • Nguồn gốc xuất xứ:

    • Xuất xứ từ Triều Châu, Trung Quốc, ban đầu chúng là những chiếc bánh trung thu đơn giản.

    • Vào những năm của thế kỉ XVII, bánh được mang theo di cư sang nước ta từ những người Minh Hương.

  • Đặc điểm, cấu tạo:

    • Gồm hai phần: phần nhân bánh bên trong và phần vỏ bánh bên ngoài.

    • Bánh có hình vuông tròn, vỏ bánh màu vàng chanh, nhân bánh có thể màu xanh hoặc vàng, tùy thuộc vào nguyên liệu để làm nên nó.

    • Bánh thường được gói trong các túi ni lông, những bao bì của các nhà sản xuất bánh kẹo được thiết kế riêng.

  • Nguyên liệu làm bánh:

    • Bột mì

    • Khoai môn

    • Trứng vịt muối

    • Đậu xanh

    • Gia vị đi kèm

  • Quy trình làm bánh:

    • Chuẩn bị nguyên liệu

    • Rửa sạch đậu xanh, khoai môn, mang chúng bỏ vào nồi rồi đem hấp. Khi đậu xanh và khoai môn đã chín thì vớt ra, tán thật nhuyễn.

    • Khi xong, đem chúng xào với nhân sầu riêng và đường, đảo đều với tỉ lệ phù hợp. Đợi hỗn hợp chín thì tắt bếp, để nguội.

    • Bọc hỗn hợp nhân vừa làm được vào từng lòng đỏ hột vịt muối.

    • Khi phần nhân bánh đã hoàn thành, người thợ cán bột, cuộn bột để làm vỏ bọc nhân bánh.

    • Nhân bánh phải qua hai lần bọc, lần thứ nhất là bộc bột nước, lần thứ hai là bọc bột dầu vừa tạo độ phồng cho bánh vừa bảo vệ nhân bánh bên trong.

    • Khâu cuối của quá trình làm bánh là cho bánh vào lò nướng, để nhiệt độ phù hợp

  • Yêu cầu thành phẩm: Thành phẩm hoàn thành phải đảm bảo đẹp về hình thức và ngon về nội dung.

  • Cách thưởng thức bánh:

    • Ăn riêng

    • Ăn kèm với trà

    • Bánh Pía trên thị trường

    • Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại bánh Pía Sóc Trăng được bày bán.

    • Để phục hợp với sở thích của từng người, các nhà sản xuất luôn chú trọng trong việc làm đa dạng nhiều loại nhân như bánh Pía nhân thập cẩm, bánh Pía nhân thịt, bánh Pía nhân đậu xanh,….

    • Giá cả của một gói bánh Pía không quá cao, trung bình từ 60 nghìn đồng đến 70 nghìn đồng 1 gói 500gr.

    • Bánh có thể giữ được từ 2 đến 3 tháng kể từ ngày sản xuất mà không cần chất bảo quản.

    • Là đặc sản Sóc Trăng cùng với thương hiệu bánh Pía nổi tiếng, nhiều nơi trên cả nước đã nhập loại bánh này để bán.

3. Kết bài: Cảm nghĩ của em về bánh Pía Sóc Trăng.

Thuyết Minh Về Bánh Pía Sóc Trăng Ngắn Gọn

Không những có các công trình kiến trúc Khmer nổi tiếng, Sóc Trăng còn được biết đến bởi những món ăn ngon như cốm dẹp, xá bấu, bún nước lèo, bánh pía… trong đó, bánh pía là đặc sản không thể thiếu trong chuyến đi về Sóc Trăng. Chiếc bánh pía nhìn từ bên ngoài có màu vàng cam. Xẻ chiếc bánh làm đôi, chiếc bánh như vành trăng bán nguyệt ẩn vào bên trong là màu đỏ rực của lòng đỏ trứng gà, mùi sầu riêng dậy lên như mời gọi làm cho chiếc bánh pía trông đã ngon lại càng ngon hơn.

Bánh pía Sóc Trăng không khô cứng như bánh lột da mà mềm, ngọt đậm. Để bánh pía có được mùi vị, mầu sắc hấp dẫn phải qua rất nhiều công đoạn. Trước tiên, bột mì được đưa vào máy, trộn nhuyễn với đường cát trắng trên bếp lửa. Sau đó thêm vào các phụ gia, rồi chia làm hai phần. Phần bột dai được cán mỏng như bánh tráng, cuốn tròn lại, kéo dài ra làm vỏ ngoài cùng. Phần bột xốp được xắt thành khối hình vuông, có kích cỡ vừa lòng bàn tay, được dùng làm vỏ bánh bên trong.

Nhân bánh có nhiều loại, phổ biến nhất là nhân khoai môn, nhân đậu xanh, sầu riêng. Đậu xanh và khoai môn sau khi hấp chín được trộn đường, xay nhuyễn, chế thêm mỡ nước tạo nên mùi vị bùi bùi, beo béo khá hấp dẫn. Mỡ làm nhân được xắt sợi ướp đường cho săn, để nhằm giữ được lâu. Hột vịt muối đặt giữa nhân, người ta chỉ chọn lấy lòng đỏ.

Do có nguồn gốc từ Trung Hoa được du nhập vào Việt Nam theo chân các Hoa kiều nên bánh pía cũng có ít nhiều những thay đổi cho phù hợp với điều kiện bản địa. Ví như Người dân Nam Bộ có đặc tính thích mùi thơm nặng của sầu riêng do vậy bánh được bổ sung thêm mùi vị của loại trái cây này và từ đó đã trở thành đặc sản nổi tiếng. Nhắc đến bánh pía Sóc Trăng ai cũng thích nhất bánh pía đậu xanh sầu riêng. Sầu riêng khi tách hạt lấy thịt trộn mỡ heo xắt sợi làm nên những mùi vị tuyệt vời của bánh pía Sóc Trăng.

Sau các bước chuẩn bị đầy công phu, bánh được đưa vào lò và nướng ở nhiệt độ trung bình khoảng 2700C. Sau từ 5-7 phút, thợ đứng lò sẽ lấy bánh ra, lật ngược mặt bánh rồi thoa lên một lớp lòng đỏ trứng và đưa vào lò trở lại. 15 phút sau, khi chiếc bánh chuyển sang màu vàng ươm, quyện mùi sầu riêng thơm hấp dẫn cũng là lúc chiếc bánh đã được hoàn thành và chuẩn bị đến tay thực khách.

Bánh pía có hai loại chay và mặn. Ăn bánh không thể thiếu tách trà thơm. Vị đăng đắng, thanh thanh trong trà giúp bánh đỡ ngấy. Điều lạ của bánh là ở chỗ không thể ăn một lúc được nhiều nhưng có thể nếm lai rai không biết ngán. Người Sóc Trăng có thói quen biếu tặng bánh pía nhân dịp cúng trăng (rằm tháng 8) hoặc lễ Tết như cách bày tỏ tình thân ái.

Người phương xa đến thăm Sóc Trăng bao giờ cũng mua vài phong bánh pía (mỗi phong bốn cái) làm quà cho người ở nhà, như mang theo hương vị ngọt ngào đậm đà, chân chất của một vùng quê Nam Bộ. Để rồi cứ mỗi độ lễ hội Oc om boc đến, trên dòng sông Đinh rộn vang tiếng hò, khắp nơi vang lên điệu lâm thôn thì cũng là lúc chiếc bánh pía lại quay về với câu chuyện lễ nghĩa, của tình chòm xóm như câu hát mượt mà, da diết không thể nào quên.

Thuyết Minh Về Đặc Sản Bánh Pía Sóc Trăng

Việt Nam có nhiều loại bánh trở thành đặc sản riêng của từng vùng miền. Nếu nhắc đến Huế người ta nghĩ ngay đến những gói mè xửng thơm ngon, nhắc đến Hà Tĩnh thì nói về kẹo Cu đơ giòn, béo ngậy thì nhắc đến Sóc Trăng không thể quên được món bánh Pía đặc sản. Nhiều người khắp nơi biết đến, truyền tai nhau ca ngợi hương vị độc đáo của bánh Pía Sóc Trăng.

Bánh Pía vồn có nguồn gốc xuất xứ từ Triều Châu, Trung Quốc, ban đầu chúng là những chiếc bánh trung thu đơn giản. Vào những năm của thế kỉ XVII, bánh được mang theo di cư sang nước ta từ những người Minh Hương.

Bánh Pía được cấu tạo gồm hai phần: phần nhân bánh bên trong và phần vỏ bánh bên ngoài. Bánh có hình vuông tròn, vỏ bánh màu vàng chanh, nhân bánh có thể màu xanh hoặc vàng, tùy thuộc vào nguyên liệu để làm nên nó. Bánh thường được gói trong các túi ni lông, những bao bì của các nhà sản xuất bánh kẹo được thiết kế riêng. Trên bao bì thường in tên và địa chỉ sản xuất bánh.

Để làm được một chiếc bánh Pía ngon và đảm bảo chất lượng, giàu dinh dưỡng không thể thiếu những nguyên liệu như bột mì, sầu riêng, khoai môn, trứng vịt muối, đậu xanh. Khi đã chuẩn bị nguyên liệu đầy đủ, người thợ bước vào công đoạn làm bánh. Trước tiên cần rửa sạch đậu xanh, khoai môn, mang chúng bỏ vào nồi rồi đem hấp.

Khi đậu xanh và khoai môn đã chín thì vớt ra, tán thật nhuyễn. Khi xong, đem chúng xào với nhân sầu riêng và đường, đảo đều với tỉ lệ phù hợp. Khi hỗn hợp đã chín thì tắt bếp, để nguội. Sau đó, người thợ làm bánh tiến hành bọc hỗn hợp nhân vừa làm được vào từng lòng đỏ hột vịt muối. Nếu người thưởng thức muốn tăng độ béo cho bánh có thể thêm thịt heo vào nhân bánh. Bánh Pía Sóc Trăng chay cũng làm tương tự nhưng thay vì nhân thịt hay hột vịt muối thì người ta chỉ dùng nhân đậu xanh hoặc sầu riêng, khoai môn mà thôi.

Khi phần nhân bánh đã hoàn thành, người thợ tiếp tục cán bột, cuộn bột để làm vỏ bọc nhân bánh. Nhân bánh phải qua hai lần bọc, lần thứ nhất là bộc bột nước, lần thứ hai là bọc bột dầu vừa tạo độ phồng cho bánh vừa bảo vệ nhân bánh bên trong. Khâu cuối của quá trình làm bánh là cho bánh vào lò nướng.

Đây là khâu quan trọng vì nếu để nhiệt độ không phù hợp hoặc nướng bánh quá lâu sẽ khiến chất lượng bánh giảm. Vì vậy khi nướng bánh cần cẩn thận, điều chỉnh nhiệt độ phù hợp. Thành phẩm hoàn thành phải đảm bảo đẹp về hình thức và ngon về nội dung. Bánh phải có vị đậm đà của trứng muối, vị thơm của sầu riêng, vị thanh thanh của đậu vàng cùng với béo ngậy của khoai, của bột và vị ngọt ngào mang đậm dấu ấn con người Sóc Trăng.

Những chiếc bánh Pía nhỏ xinh có thể ăn riêng hoặc ăn kèm với trà đều được. Vị bánh ngon, dễ ăn, dẻo, mềm và thơm vô cùng. Bánh không tan trong miệng ngay lần đầu chạm lưỡi mà từ từ thấm dần giúp người thưởng thức cảm nhận hết thứ hương vị tuyệt vời của nó.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại bánh Pía Sóc Trăng được bày bán. Để phục hợp với sở thích của từng người, các nhà sản xuất luôn chú trọng trong việc làm đa dạng nhiều loại nhân như bánh pía nhân thập cẩm, bánh pía nhân thịt, bánh pía nhân đậu xanh,…. Giá cả của một gói bánh Pía không quá cao, trung bình từ 60 nghìn đồng đến 70 nghìn đồng 1 gói 500gr. Bánh có thể giữ được từ 2 đến 3 tháng kể từ ngày sản xuất mà không cần chất bảo quản. Điều đó rất tốt, mang lại sự an tâm cho người tiêu dùng khi lựa chọn loại bánh này.

Là đặc sản Sóc Trăng cùng với thương hiệu bánh Pía nổi tiếng, nhiều nơi trên cả nước đã nhập loại bánh này để bán. Tại các siêu thị, hay những cửa hàng bách hoá, không khó để tìm thấy bánh Pía Sóc Trăng được chủ cửa hàng bày bán.

Bánh Pía Sóc Trăng có một hương vị độc đáo riêng mà không một loại bánh nào có thể thay thế được. Đây là món ẩm thực được người Sóc Trăng tự hào mỗi khi nhắc đến. Bởi thế mà ai đã từng về vùng miền Tây sông nước cũ không quên ghé vùng đất này, mua vài ba gói bánh Pía về làm quà. Cả người bán và người mua đều nhận được điều gì đó thật gần gũi mà trân quý biết bao.

 Thuyết Minh Về Bánh Pía Sóc Trăng

Về với quê hương Sóc Trăng, du khách không chỉ được mục kích những ngôi chùa cổ kính của đồng bào Khmer Nam bộ hay hòa mình vào các lễ hội vui tươi hào hứng, mà còn được thưởng thức những sản vật địa phương mang đậm bản sắc giao thoa giữa ba nền văn hóa Kinh, Hoa, Khmer như bún nước lèo, lạp xưởng, bánh pía, mè láo, bánh cóng…, trong đó có món bánh pía đã vượt khỏi biên giới quốc gia để có mặt tại một số nơi trên thế giới…

Nguyên vào thế kỷ XVII, một số người Minh Hương khi di cư sang Việt Nam lánh nạn tranh bá đồ vương, đã mang theo cả những sản vật địa phương làm lương thực đi đường – một trong số đó là loại bánh “pía” khá quen thuộc với chúng ta ngày nay. “Pía” theo nguyên ngữ là âm đọc từ “bính” của người Triều Châu (Tiều), có nghĩa là “bánh”. Trong sinh hoạt thường nhật, những người Minh Hương vẫn làm món bánh pía cho nhu cầu gia đình và cũng là cách gìn vàng giữ ngọc để nguôi ngoai niềm hoài vọng về cố hương.

Đến đầu thế kỷ XIX, ông Đặng Thuận sinh sống ở làng Vũng Thơm (nay thuộc xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) đã là người đầu tiên nghĩ đến việc truyền nghề cho con cháu và đưa món bánh pía vào kinh doanh. Vậy là từ một món lương thực “lận lưng” trong những ngày thiên di gian khổ, vận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương, món bánh pía đã đàng hoàng có mặt để trở thành món ngon thơm thảo phù hợp với cả cộng đồng Kinh, Khmer.

Cho đến nay, các lò bánh pía vẫn tập trung nhiều ở xã Phú Tâm, một xã khá sầm uất với nhiều người Hoa sinh sống, trở thành một làng nghề truyền thống mang nhiều hơi hướm của những ngày đi khai hoang mở cõi…

Nếu trước kia chiếc bánh pía khá đơn giản với vỏ ngoài làm bằng bột mì, có lớp da ngoài dày dùng để in chữ, bên trong nhiều lớp da mỏng hơn bao lấy phần nhân làm bằng đậu xanh và mỡ heo thì ngày nay do thị hiếu của người tiêu dùng, bánh pía đã ngày càng đa dạng hơn khi có thêm loại nhân làm bằng khoai môn, trong nhân còn có thêm cả lòng đỏ trứng muối, sầu riêng, hạt sen, xá xíu, củ cải, thơm (dứa), bơ… làm cho chiếc bánh trở nên bùi béo và hấp dẫn hơn, chưa kể còn phân biệt cả nhân chay và nhân mặn.

Hiện nay không phải chỉ có Sóc Trăng mới sản xuất món bánh pía, nhưng bánh pía Sóc Trăng vẫn nổi trội so với nhiều địa phương khác. Với sự cần cù nghiêm cẩn, những người thợ bánh Sóc Trăng đã tạo nên những chiếc bánh pía có hương vị rất riêng, không quá ngọt cũng không quá béo khiến người thưởng thức có thể ăn hoài mà không cảm thấy ngán…

Tuy nguyên liệu dùng để làm bánh pía không phải là cao lương hay mỹ vị, mà chỉ là bột mì, đậu xanh và ngày nay còn có thêm cả khoai môn, sầu riêng, trứng muối… nhưng công đoạn làm bánh khá nhiêu khê đòi hỏi nhiều sự tỷ mẫn.

Bột mì được nhồi với dung dịch gồm nước, đường cát trắng, muối, dầu ăn, mỡ thành hai loại bột vỏ và bột ruột – bột nhồi thành khối dẻo, nắm chắc lại được là vừa. Sau chừng 30 phút để bột nghỉ, từng loại bột sẽ được chia ra vừa đủ cho việc bắt nắn một chiếc bánh. Lấy bột vỏ cán mỏng vừa đủ gói kín phần bột ruột, cho bột ruột vào giữa miếng bột vỏ, túm kín rồi cán mỏng ra tám hướng.

Tiếp đến cuốn tròn tấm bột vừa cán, ấn dẹp rồi gấp làm ba hoặc bốn trước khi cán lần nữa thành miếng tròn đủ gói kín một viên nhân. Có thể nói đây là khâu kỹ thuật then chốt làm cho hai phần bột ép lên nhau thành nhiều lớp mỏng nhưng không trộn lẫn vào nhau, nhờ vậy sau khi nướng, vỏ bánh sẽ tạo thành nhiều lớp có thể bóc ra dễ dàng.

Tùy theo từng loại bánh mà nhân sẽ được chế biến với những công thức khác nhau. Nhân sau khi hấp chín sẽ được trộn chung với đường rồi quậy hoặc xay nhuyễn, thêm vào một ít mỡ nước tạo vị bùi béo – mỡ làm nhân phải được xắt sợi rồi ướp đường cho săn lại để giữ được lâu; sầu riêng tách lấy thịt, trộn mỡ, xắt sợi; lòng đỏ hột vịt muối đặt giữa nhân, vừa vặn vào trong lớp vỏ bánh…

Ở khâu bắt bánh, người thợ sẽ đặt nhân vào giữa miếng bột, túm và miết cho kín mí, rồi lật phần xếp mí xuống dưới đặt lên miếng giấy nến hoặc silpat. Ấn cho khối bánh hơi dẹp, dùng độ rộng và tròn của miếng giấy làm chuẩn định hình cỡ bánh. Tiếp đến là in mộc lên mặt bánh. Nướng bánh là công đoạn cuối cùng đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, thông thường bánh được nướng ở nhiệt độ từ 170 – 220º.

Bánh được xếp ngay ngắn vào khay, mỗi bánh cách nhau ít nhất 3cm. Sau khi nướng trong lò chừng 5 – 7 phút, thấy vỏ bánh hơi đục lại và bắt đầu nở xốp thì lấy ra, xâm vài lỗ lên mặt bánh để thoát khí rồi quét lên mặt bánh một lớp lòng đỏ trứng gà pha loãng để có mùi thơm và màu vàng đẹp. Đặt bánh vào lò nướng tiếp chừng 15 phút cho đến khi vỏ bánh chuyển sang màu vàng ươm, dậy mùi cũng là lúc mẻ bánh đạt độ chín tới.

Bài đăng

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Thuyết Minh Về Một Danh Lam Thắng Cảnh Ở Huế

Thuyết Minh Về Biển Mỹ Khê Quảng Ngãi

Thuyết Trình Về Gia Đình

Thuyết Trình Về Ô Nhiễm Môi Trường Nước Hiện Nay

Thuyết Minh Về Bài Thơ Tiểu Đội Xe Không Kính

Ngữ văn 6 - Bài 9: Tóm tắt bằng sơ đồ nội dung của một văn bản đơn giản - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 – Bài 10 : Trái Đất - Mẹ của muôn loài - Chân trời sáng tạo

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Viết Đoạn Văn 200 Chữ Về Suy Nghĩ Tích Cực

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức