Thuyết Minh Về Bài Thơ Tức Cảnh Pác Bó

 

Dàn Ý Thuyết Minh Về Bài Thơ Tức Cảnh Pác Bó

I. Mở bài: Giới thiệu tác giả Hồ Chí Minh và bài thơ Tức cảnh Pác Bó.

II. Thân bài:

“Sáng ra bờ suối, tối vào hang”: hành động lặp đi lặp lại, thường xuyên liên tục hằng ngày của Bác như một vòng tuần hoàn tự nhiên. Câu thơ cho ta thấy nơi ở gắn với hành động ra vào của Bác là chiếc hang. Điều kiện sống vô cùng vất vả, khó khăn, gian khổ, vì sự nghiệp cách mạng của nước nhà mà Người phải ở trong hang với nhiều mối đe dọa nguy hiểm.

“Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”: vị lãnh tụ của chúng ta không ăn sơn hào hải vi, hàng ngày Bác gắn bó với cháo, măng. Đây là những món ăn giản dị, mộc mạc gắn liền với miền quê cách mạng. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nhưng Người vẫn luôn lạc quan, vui vẻ đón nhận.

“Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”: giữa núi rừng Pác Bó có một vị lãnh tụ ngồi nghiên cứu con đường cứu nước bên bàn đá chông chênh. Chúng ta thường biết đến các cuộc họp Đảng, bàn luận chiến thuật ở nơi mặt trận hoặc ở trung tâm hội nghị, nghiêm trang, lộng lẫy. Nhưng đối với Bác Hồ, việc nghiên cứu con đường cứu nước của người được thực hiện ở nơi rừng núi, vách đá cho thấy sự khác biệt đáng trân trọng của vị lãnh tụ này.

“Cuộc đời cách mạng thật là sang”: cả cuộc đời Bác gắn liền với cách mạng, với con đường cứu nước. Dù cho điều kiện ngoại cảnh, điều kiện kháng chiến có vất vả, gian khổ, khó khăn thế nào thì lí tưởng, suy nghĩ cao đẹp của Người cũng khiến cho cuộc đời Bác trở nên cao đẹp và “sang” hơn bất cứ khi nào hết.

→ Bài thơ cho ta cách nhìn rõ nét hơn về cuộc đời, con người cũng như những khó khăn mà Bác phải trải qua để thêm yêu thương, ngưỡng mộ Bác và trân tọng nền độc lập, tự do mà ta đang được hưởng.

III. Kết bài: Khái quát lại giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm đồng thời rút ra bài học, liên hệ bản thân.

Thuyết Minh Về Bài Thơ Tức Cảnh Pác Bó Ngắn Gọn – Bài 1

Tức cảnh Pác Bó là một trong những bài thơ tứ tuyệt tiêu biểu cho phong cách thơ Hồ Chí Minh. Bài thơ thể hiện niềm vui, niềm tin mãnh liệt và nghị lực phi thường của Bác trong hoàn cảnh sống và làm việc giữa núi rừng Việt Bắc, sau mấy chục năm trời xa cách đất nước và dân tộc.

Tháng 6 – 1940, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn. Thực dân Pháp đầu hàng phát xít Đức. Lúc này, Bác đang hoạt động bí mật ở Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc). Tháng 2 năm 1941, Bác về nước và chọn Pác Bó làm căn cứ để từ đây trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng dân tộc.

Hoàn cảnh sống của Bác lúc này vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Trời rét, sức khỏe yếu nhưng Bác phải ở trong cái hang nhỏ ẩm ướt, tối tăm. Ăn uống hết sức kham khổ, thức ăn hằng ngày phần lớn là cháo bột ngô và măng rừng. Bàn làm việc của Bác là một phiến đá ven suối.

Nhưng thiếu thốn, gian khổ không làm Bác bận lòng. Bác dành trọn tâm huyết để lãnh đạo phong trào cách mạng nên quên hết mọi gian nan; một mực phấn chấn, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước.

Ba câu đầu của bài thơ tả cảnh sống và làm việc của Bác. Câu thứ nhất nói về nơi ở, câu thứ hai nói về cái ăn, câu thứ ba nói về phương tiện làm việc. Câu thứ tư đậm chất trữ tình, nêu cảm tưởng của Bác về cuộc sống của mình lúc bấy giờ. Trong hiện thực gian khổ, khó khăn, tâm hồn Bác vẫn ngời sáng một tinh thần cách mạng.

Cái hang Bác ở có tên là hang Cốc Bó, chỉ khoảng hơn một mét vuông dưới đáy là tương đối bằng phẳng, đủ kê một tấm ván thay cho giường. Vách hang chỗ lồi cao, chỗ lõm sâu, không khí lạnh lẽo, ẩm thấp. Trước cửa hang là dòng suối nhỏ chảy sát chân ngọn núi. Bác đặt tên là suối Lênin và núi Mác. Bàn làm việc của Bác là phiến đá kê trên hai hòn đá và một hòn đá thấp hơn làm ghế cũng ở gần bờ suối.

Không gian sinh hoạt của Bác chia làm hai phần: một là hang, hai là suối. Hành động cũng chia hai: ra suối, vào hang. Thời gian biểu hằng ngày đều đặn: sáng ra, tối vào. Sáng ra bờ suối là để làm việc, tối vào hang là để nghỉ ngơi. Sự thật gần như chỉ có thế. Thực ra chất thơ giấu trong âm điệu, vẫn là nhịp 4/3 hay 2/2/1 /2 của câu thơ Đường luật bảy chữ, nhưng lồng vào trong đó là cái đều đặn, khoan thai như nhịp tuần hoàn của trời đất. Sáng rồi tối, tối rồi sáng; ra rồi vào, vào rồi ra… đơn giản, quen thuộc mà bền vững, ung dung.

Bữa cơm đơn sơ, đạm bạc, quanh quẩn chỉ có cháo ngô và măng đắng, măng nứa, rau rừng… hết ngày này sang ngày khác, vẫn sẵn sàng nghĩa là các thứ đó luôn luôn có sẵn xung quanh. Mặt khác, cháo bẹ, rau măng còn gợi nhớ tới cảnh sống an bần lạc đạo của người xưa:

Sự thiếu thốn đã được thi vị hóa thành phong lưu. Xưa là ước lệ, tượng trưng, nay hoàn toàn là sự thật. Chỉ phớt qua một chút xưa là câu thơ đậm đà thêm ý vị.

Nhưng ý vị nhất vẫn là giọng điệu thơ. Cháo bẹ, rau măng cũng như Sáng ra, tối vào là nhịp điệu an nhiên, khoan hòa bên trong. Ba chữ vẫn sẵn sàng nâng câu thơ lên thành một lời bình phẩm với giọng điệu lạc quan, gần như tự hào, nghĩa là an nhiên, tự tại ở mức cao hơn.

Nhớ lại thời gian đó, cả thế giới đang đứng trước nguy cơ chìm đắm trong thảm họa phát xít. Vậy mà Hội nghị Trung ương Đảng ta lần thứ VIII (tháng 5 – 1941) vẫn khẳng định rằng cách mạng trong nước sẽ thắng lợi. Đó chẳng phải là trong chông chênh tình thế mà Bác vẫn khẳng định thắng lợi chắc chắn của sự nghiệp giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc hay sao? Đó là tầm nhìn chiến lược, tầm suy nghĩ sáng suốt của một lãnh tụ tài ba.

Lắng nghe giọng điệu câu thơ mới thấy thật rõ. Ở nhịp bốn (Bàn đá chông chênh) âm thanh tuy có phần trúc trắc (ba thanh bằng, một thanh trắc), gợi liên tưởng đến tình thế nguy hiểm; nhưng ở nhịp ba, trái lại, âm thanh rắn, khỏe, (ba thanh trắc) tỏ rõ ý chí kiên quyết chiến đấu và tin tưởng. Câu thơ toát lên một tư thế chủ động, vững vàng trước mọi nguy nan của Bác, điểm thêm một nụ cười thanh thoát, cao vời.

Người xưa khi bất đắc chí thường lánh về chốn núi rừng để vui thú lâm tuyền cho khuây khỏa tâm hồn, nhưng Bác lại khác. Bác đến với núi rừng không phải với mục đích ở ẩn mà là để mưu tính cho từng bước đi của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc.

Thuyết Minh Về Bài Thơ Tức Cảnh Pác Bó Hay – Bài 2

Bác Hồ chính là vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân VN. Khắp cuộc đời truân chuyên của Người, Người đã tìm ra con đường đi đến độc lập tự do của dân tộc VN, lãnh đạo nhân dân ta trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược. Người không chỉ là vị lãnh tụ, người chiến sỹ mà còn là nhà thơ, nhà văn với khối lượng tác phẩm đồ sộ.

Trong đó có bài thơ Tức cảnh Pác Bó, được Người sáng tác trong thời gian hoạt động cách mạng tại chiến khu Việt Bắc sau ba mươi năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài. Tháng 2-1942 Bác Hồ trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở trong nước. Khi đó, Người sống và làm việc trong một điều kiện hết sức gian khổ nhưng Bác vẫn vui vẻ lạc quan. Bài thơ Tức cảnh Pác Bó là một trong những tác phẩm Người sáng tác trong thời gian này.

Bài thơ Tức cảnh Pác Bó đã thể hiện được thú lâm tuyền của vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh Người sống và chiến đấu tại rừng Việt Bắc. Thật vậy, thú lâm tuyền là thú vui sống giữa núi rừng thiên nhiên và yêu thiên nhiên; đây chính là chủ đề xuyên suốt trong thơ của Bác mà bài thơ Tức cảnh Pác Bó chính là ví dụ điển hình. Trong bài thơ, thú lâm tuyền của Bác được thể hiện ở nếp sống sinh hoạt hàng ngày của Bác.

“Sáng ra bờ suối, tối vào hang” cho thấy một cuộc sống dân dã, bình yên, gần gũi với thiên nhiên trong thời gian biểu hàng ngày. Không những vậy, thức ăn của Bác cũng vô cùng giản dị và mộc mạc, chủ yếu là những đồ sẵn có trong rừng như: cháo bẹ, rau măng. Nếp sống của Bác giản dị và Bác trân trọng những điều đó, thích thú những vật chất mà thiên nhiên mang lại, được thể hiện qua “vẫn sẵn sàng”. Câu thơ như thể hiện được sự biết ơn của Người trước những thứ mà thiên nhiên mang lại.

Trong những tháng ngày hoạt động cách mạng tại Việt Bắc, Bác sống giản dị và hòa mình với thiên nhiên nhưng điều lớn lao hơn chính là phong thái ung dung cùng tinh thần thép của Người trước những khó khăn của đất nước, của dân tộc đang cận kề trước mắt.

Hai câu thơ cuối bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” đã thể hiện được tâm thế hiên ngang, phong thái ung dung cùng tinh thần lạc quan của người chiến sỹ cách mạng Hồ Chí Minh. Thật vậy, hai câu thơ vô cùng ngắn gọn, súc tích đã thể hiện được hình tượng của 1 vị lãnh tụ vĩ đại trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh gian khó:”Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/Cuộc đời cách mạng thật là sang”. Câu thơ thứ nhất đã thể hiện được hoàn cảnh và làm việc của Bác.

Người đọc có thể hình dung đó là điều kiện làm việc khó khăn được thể hiện qua từ láy tượng hình đặc sắc “chông chênh”. Từ láy này có 2 tầng nghĩa. Tầng nghĩa thứ nhất là nghĩa gốc: bàn làm việc của Bác bằng đá nên gồ ghề và chênh vênh. Tầng nghĩa thứ hai là Bác ngụ ý cho con đường giải phóng dân tộc của đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách phía trước. Tuy nhiên dù là nghĩa nào thì hình ảnh Bác làm việc vẫn hiện lên ung dung, điềm tĩnh.

Đây chính là phong thái của người chiến sỹ cách mạng lạc quan và dành trọn cho đất nước, non sông. Câu thơ kết thúc bài thơ “Cuộc đời cách mạng thật là sang” giống như một câu cảm thán khép lại bài thơ và có yếu tố bất ngờ. “Sang” ở đây có thể hiểu là sang trọng, nhưng ý nghĩa đúng hơn vẫn là lòng tự hào của Bác về cuộc đời cách mạng của mình. Vì tình yêu Bác dành hết cho nhân dân, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc nên Bác yêu biết bao cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của mình.

Dù cho cuộc đời hoạt động cách mạng có gian khổ nhưng đối với Bác thì đó là chặng đường đầy tự hào vì Bác đang gánh vác trọng trách lớn lao của cả 1 dân tộc. Từ đây, người đọc thấy được tư thế hiên ngang vượt qua mọi khó khăn của người chiến sỹ cách mạng cùng phong thái ung dung, tình yêu cách mạng, yêu đất nước của Bác.

Bài thơ Tức cảnh Pác Bó của tác giả Hồ Chí Minh chính là sự kết hợp hòa quyện giữa chất cổ điển và chất hiện đại đặc trưng trong thơ Bác. Thật vậy, bằng những vần thơ mềm mại, giàu cảm xúc mà vẫn mang chất chiến đấu của mình trong hoàn cảnh chiến khu Việt Bắc, bài thơ chính là phong thái lạc quan cùng tư thế chiến đấu của Bác trong hoàn cảnh chiến tranh. Chất cổ điển trong bài thơ thể hiện ở hình ảnh “sáng ra bờ suối, tối vào hang/ Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng”.

Bác giống như một thi nhân với thú vui gần gũi với nếp sống thiên nhiên, sống bên suối, trong hang. Thức ăn trong những năm tháng chiến đấu là cháo bẹ, rau măng không chỉ thể hiện được lối sống giản dị của Bác mà còn thể hiện được phong thái lạc quan của Bác, tinh thần chiến đấu của Bác. Cuộc sống dân dã và thức ăn bình dị như những thi nhân xưa làm nên chất cổ điển và lãng mạn trong thơ Bác.

“Vẫn sẵn sàng” cho thấy phong thái lạc quan như chẳng hề thấy khổ của Bác mà vui vì được hòa mình vào với thiên nhiên. Tuy nhiên, chất hiện đại cũng hòa với chất cổ điển khi Bác sống hòa mình vào thiên nhiên nhưng chằng hề ẩn dật mà đời sống của Bác gắn liền với đời sống chiến đấu của nhân dân.

Chất hiện đại thể hiện ở việc Bác làm việc trên những bàn đá chông chênh một cách vô cùng thoải mái, vô tư, chẳng ngại khó, ngại khó để phục vụ cho kháng chiến, cho nhân dân. Và quan trọng nhất, Bác thấy yêu cuộc đời cách mạng của mình và tự hào về cuộc kháng chiến của toàn dân “thật là sang”.

Nghệ thuật của bài thơ vô cùng ấn tượng ở cách dùng từ độc đáo và thể thơ thất ngôn tứ tuyệt đặc trưng của thơ xưa. Bằng những vần thơ giản dị của mình, bài thơ chính là bài thơ xuất sắc của Bác viết về cách mạng.

Tóm lại, bài thơ chính là phong thái ung dung cùng tình yêu thiên nhiên của người chiến sĩ cách mạng hết lòng vì dân vì nước. Bài thơ với sức sống lâu bền mãi mãi sống trong lòng người đọc.

Thuyết Minh Về Bài Thơ Tức Cảnh Pác Bó Đặc Sắc – Bài 3

Bác đã từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, một ham muốn tột bậc là làm sao cho dân ta ai cũng được cơm ăn áo mặc ai cũng được học hành”. Chính bởi hoài bão ấy mà trong khoảng thời gian hoạt động cách mạng, cho dù gian khổ đến đâu Bác cũng vượt qua. Bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” chính là một minh chứng như vậy.

Tác phẩm không chỉ nói lên cuộc sống khó khăn vất vả mà còn cho người đọc cảm nhận được tinh thần lạc quan, yêu đời. Tuy thiếu thốn về vật chất nhưng tâm hồn Bác vẫn tràn đầy tình yêu thiên nhiên và lòng tin vào tương lai tươi sáng.

“Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông chênh, dịch sử Đảng,
Cuộc đời cách mạng thật là sang.”

Sau gần ba mươi năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, tháng 2 năm 1941, Bác trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc. Khi đó Bác đã sống và làm việc trong hoàn cảnh vô cùng gian khổ: trong hang Pác Bó – một hang núi nhỏ thuộc huyện Hà Giang, tỉnh Cao Bằng. Vậy mà đối với Bác đó dường như chẳng hề chi, vẫn phong thái ung dung, ẩn sâu bên trong đó là một ý chí và lòng yêu nước mãnh liệt:

“Sáng ra bờ suối, tối vào hang”

Câu thơ mang âm hưởng nhịp nhàng mà hài hòa, nề nếp. Giống như một thói quen thường ngày của Bác vậy, phong cách sống và làm việc của Bác được diễn ra chỉ với 1 câu thơ: cứ như thường lệ, vào mỗi buổi sáng Bác lại ra bờ suối làm việc cùng với tiếng suối róc rách chảy, với phiến đá gần đó, Người giao hòa tâm hồn mình với thiên nhiên, không giống như những vị hiền triết ngày xưa mà Người luôn tập trung suy nghĩ lo cho dân cho nước.

Và đến tối là quãng thời gian mà người được nghỉ ngơi. Mọi thứ đều rất dung dị bình yên không có chuyện gì vậy, nhưng đâu ai biết rằng tiết trời miền núi, rét mướt như vậy mà Bác phải làm việc trong cái hang nhỏ ẩm ướt vậy mà Bác đâu có quan tâm đến chúng. Câu thơ đầu thể hiện thái độ hào hứng, hòa mình cùng khung cảnh thiên nhiên đất trời.

Đến câu thơ tiếp theo, câu thơ thứ hai, miêu tả bữa ăn thiếu thốn mà đạm bạc của Người:

“Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng”

Đây là những món ăn có sẵn và dễ kiếm nơi núi rừng Pác Bó. Chẳng phải những món ăn sơn hào hải vị mà chỉ là “cháo bẹ, rau măng”, Người đều hài lòng với cuộc sống nơi đây. Từ “sẵn sàng” phải chăng thể hiện tinh thần cách mạng của Người hay cũng chính là để nói lên những món ăn thanh đạm nơi núi rừng luôn sẵn có để phục vụ Bác? Dù là gì đi nữa, câu thơ cũng mang đến cho người đọc cảm giác hóm hỉnh của vị cha già dân tộc. Người không than vãn mà chấp nhận cuộc sống như một lẽ tự nhiên.

Nếu như câu thơ thứ nhất về thói quen sinh hoạt, câu thơ thứ hai miêu tả những bữa ăn hàng ngày thì đến câu thơ thứ ba là hình ảnh Người đang làm việc:

“Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”

Chẳng phải là một chiếc bàn ghế nghiêm chỉnh, thoải mái mà là hình ảnh vị lãnh tụ đặt cuốn sử lên trên một phiến đá, ngồi tập trung nghiên cứu đường lối cách mạng. Cách gieo vần bằng “ang” gợi cảm giác mở ra và vang xa, đồng thời mang đến cảm giác vững vàng và khoáng đạt cho bài thơ.

Hai chữ “chông chênh” là từ láy tạo hình kết hợp với những từ mang vần chắc “dịch sử Đảng” thật khỏe như mang đến sự cân bằng cho câu thơ. Thật thú vị chủ thể giữa bức tranh chính là nhà thơ chứ không phải thiên nhiên. Nhà thơ sống hoà hợp với thiên nhiên chính là một chiến sĩ cách mạng vĩ đại. Đằng sau hình ảnh Bác đang ngồi dịch sử Đảng còn là hình tượng của vị lãnh tụ vĩ đại, của dân tộc Việt Nam.

Tuy nơi đây, điều kiện vật chất còn khó khăn, thiếu thốn, cuộc sống còn vất vả cực khổ nhưng tinh thần ý chí của Bác luôn vững vàng:

“Cuộc đời cách mạng thật là sang”

Chẳng cần đến những vật chất xa hoa, đủ đầy tiện nghi, Bác chỉ cần có vậy cuộc sống giản dị mà đôi phần khắc khổ. Nhưng mọi việc đó đâu ngăn cản được một tinh thần thép, một ý chí kiên cường và tình yêu thương cho dân cho nước.

Ba câu thơ đầu là hình ảnh nơi Pác Bó – nơi Bác đã sống để hoạt động cách mạng, với bao điều cực khổ nhưng đối với Người như vậy đã đủ đầy lắm rồi. Từ “sang” cuối bài thơ đã làm nổi bật ý nghĩa của toàn bài. Đó chính là một nhãn tự của bài thơ thất ngôn này. Không chỉ mang đến cho người đọc niềm tin niềm tự hào về tương lai phía trước mà còn cho thấy sự tích cực lạc quan của Người.

Thơ của Bác vừa giản dị song vô cùng hàm súc, vừa hoà hợp với thiên nhiên nhưng luôn gắn liền với nhiệm vụ cách mạng. Bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” vừa mang màu sắc cổ điển lại vừa thể hiện tinh thần thời đại mang đầy ý chí, niềm tin và sự lạc quan của Người. Chính nó đã khiến chúng ta càng cảm phục hơn về Bác và hiểu rõ hơn vị Cha già của dân tộc.

Bài đăng

Ngữ văn 6 - Bài 8: Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng mà em quan tâm - Kết nối tri thức

Thuyết Minh Về Bài Thơ Đoàn Thuyền Đánh Cá

Ngữ văn 6 - Bài 9: Lẵng quả thông - Chân trời sáng tạo

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 - Bài 8: Hai loại khác biệt - Kết nối tri thức

Thuyết Trình Về Gia Đình

Em hãy đóng vai là mầm non kể lại cuộc đời mình khi bị một số bạn học sinh cố tình giẫm đạp lên

Bài thuyết trình về đất nước Việt Nam

Thuyết Minh Về Bài Thơ Tiểu Đội Xe Không Kính

Ngữ văn 6 - Bài 8: Xem người ta kìa - Kết nối tri thức

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Tuổi thơ tôi (Nguyễn Nhật Ánh) - Chân trời sáng tạo