Thuyết Minh Về Vĩnh Phúc

 

Thuyết Minh Về Tỉnh Vĩnh Phúc Ngắn Gọn

Vĩnh Phúc – cửa ngõ Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, thuộc vùng Châu thổ sông Hồng là một trong 8 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Tây Bắc giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Đông Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên, phía Đông Nam giáp Thủ đô Hà Nội, phía Nam giáp tỉnh Hà Tây, phía Tây giáp tỉnh Phú Thọ.

Vĩnh Phúc nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình hàng năm 24,20C, diện tích tự nhiên khoảng 1.371 km2, dân số gần 1, 2 triệu người. Tỉnh có 152 xã, phường, thị trấn thuộc 9 đơn vị hành chính gồm: thành phố Vĩnh Yên (là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh), thị xã Phúc Yên và 7 huyện là Mê Linh, Bình Xuyên, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Tam Dương, Tam Đảo, Lập Thạch.

Do đặc điểm vị trí địa lý nên nơi đây hình thành 3 vùng sinh thái rõ rệt: đồng bằng, trung du và miền núi, cùng với nguồn tài nguyên nước mặt, nước dưới đất tương đối rồi rào, do vậy hết sức thuận tiện cho phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và du lịch – dịch vụ. Một trong những ưu thế của Vĩnh Phúc so với các tỉnh xung quanh Hà Nội là có diện tích đất đồi khá lớn của vùng trung du, có đặc tính cơ lý tốt thuận tiện cho việc xây dựng và phát triển công nghiệp.

Là tỉnh được thiên nhiên ưu đãi, có vị trí phát triển kinh tế thuận lợi, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, Vĩnh Phúc có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế – xã hội. Với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, trong những năm qua, tình hình kinh tế – xã hội của Vĩnh Phúc đã đạt được những thành tựu nổi bật, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao.

Vĩnh Phúc có tiềm năng lớn về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. Tại đây có một quần thể danh lam, thắng cảnh tự nhiên nổi tiếng: rừng Quốc gia Tam Đảo, thác Bản Long, hồ Đại Lải, hồ Làng Hà… Nhiều lễ hội dân gian đậm đà bản sắc dân tộc và rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử và giá trị tâm linh như danh thắng Tây Thiên, Tháp Bình Sơn, Đền thờ Hai Bà Trưng, Đền thờ Trần Nguyên Hãn, Di chỉ Đồng Đậu…

Người dân Vĩnh Phúc luôn mang trong mình niềm tự hào về truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước và một nền văn hóa rực rỡ. Cho đến nay, đất Vĩnh Phúc vẫn mang đậm dấu ấn của văn hóa Hùng Vương và Kinh Bắc, Thăng Long, của nền văn hóa dân gian đặc sắc, của khoa bảng, với lối sống xã hội và chuẩn mực đạo đức luôn được giữ gìn và phát huy.

Giới Thiệu Về Du Lịch Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 55km về phía Bắc. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều danh thắng tuyệt đẹp. Nhắc đến Vĩnh Phúc, người ta thường nhớ đến một Tam Đảo lãng đãng sương mờ, một hồ Đại Lải với non nước xanh ngát, hữu tình cùng nhiều điểm đến nổi tiếng như Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, khu nghỉ dưỡng các điểm tham quan, làng nghề truyền thống…Không chỉ vậy, với bầu không khí trong lành, mát mẻ quanh năm, Vĩnh Phúc chính là một nơi nghỉ ngơi, thư giãn lý tưởng vào dịp cuối tuần.

Sở dĩ là Tam Đảo là vì nơi đây được hình thành từ 3 ngọn núi cao trên 1000m so với mực nước biển là Thiên Thị, Thạch Bàn và Phù Nghĩa. Nơi đây chính là điểm đến hấp dẫn nhất Vĩnh Phúc, là vùng đất tuyệt đẹp với khung cảnh thơ mộng, mây mù bao phủ quanh năm được ví như “Đà Lạt của miền Bắc” ”, là “Sapa thứ hai” của Việt Nam.

Không chỉ sở hữu vẻ hoang sơ hùng vĩ, huyền ảo giữa mây trời, Tam Đảo còn trải trên mình một thảm thực vật rộng lớn, phong phú là lá phổi xanh điều hòa khí hậu cho Thủ đô và các khu vực lân cận. Từ thời Pháp thuộc, Tam Đảo đã được quy hoạch để được xây dựng thành khu du lịch nghỉ dưỡng với nhiều resort, khách sạn sang trọng. Những ngôi biệt thự cổ nằm rải rác trên các sườn núi tạo nên một cảnh quan vô cùng đặc biệt.

Hòa quyện với vẻ đẹp huyền bí giữa mây trời Tam Đảo, nơi đây còn là điểm du lịch tâm linh gắn với địa danh Đền Bà Chúa Thượng Ngàn. Cách đó không xa là đền thờ Quốc Mẫu Âu Cơ, chùa Vàng tạo thành một cụm tâm linh Phật – Thánh đầy linh thiêng giữa chốn núi rừng đầy mộng mơ, quanh năm sương trắng.

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên chính là một trong các điểm du lịch Vĩnh Phúc không thể bỏ qua cho những ai muốn tìm về sự yên tĩnh và thanh tịnh. Nơi đây thuộc khu vực xã Đại Đình, huyện Tam Đảo được biết đến như nơi khởi thủy của Phật giáo Việt Nam và cũng là một trong ba ngôi chùa lớn nhất Việt Nam. Thiền viện tọa lạc giữa sườn núi cao, được bao quanh bới bốn bề núi non mây trời cây cỏ. Từ trên cao nhìn xuống là chính toàn cảnh sương mù che khuất trong núi rừng, bên dưới là từng lớp ngôi nhà, kế bên là những cánh đồng bạt ngàn vô cùng đẹp và thơ mộng.

Du khách đến đây không chỉ để thưởng lãm cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, hít thở thiên nhiên trong lành, chiêm ngưỡng lối kiến trúc độc đáo mà còn tìm về với sự thanh tịnh, tịch lạc vào tâm hồn. Đứng giữa chốn thần tiên thoát tục, sẽ khiến cho lòng bạn nhẹ nhõm và được thoát khỏi những điều lo toan ben chen của đời thường.

Trong các hồ nước của tỉnh Vĩnh Phúc, hồ Đại Lải được xem là hồ nước đẹp và nổi tiếng hơn cả. Đây là một hồ nước rộng, có diện tích lên tới 525 ha, nằm giữa khung cảnh đồi núi nên thơ tạo nên một không gian khoáng đạt, thơ mộng, sơn thủy hữu tình làm say đắm bất cứ ai đặt chân đến nơi đây.

Dù là hồ nhân tạo nhưng lượng nước của hồ Đại Lải luôn được đảm bảo. Lượng nước vào mùa mưa và mùa khô rất khác nhau. Mùa mưa nước ở các con sông dồn về làm cho mực nước hồ lên đến 21 m. Trong khi đó mùa khô nước lại giảm khá mạnh. Mực nước trong hồ được các gò đồi hình bát úp giữ tương đối chắc chắn khiến cho nước của hồ dù vào mùa khô cũng không bao giờ cạn.

Hồ Đại Lải là một trong số ít địa danh có khí hậu ôn hòa vào tất cả các mùa trong năm. Du khách có thể tới thăm hồ vào mùa đông hay mùa hè đều được. Dù là mùa nào, khí hậu nơi đây vẫn luôn ôn hòa, mát mẻ, trong lành. Có một điều hết sức kỳ thú và đặc biệt mà du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi lần đầu đặt chân đến nơi đây, đó là ngay giữa hồ lại mọc lên một đảo chim rộng tới 4,8 ha với cây cối um tùm. Đảo này là nơi trú ngụ của hàng trăm loài chim với đủ màu sắc, chủng loại. Mùa đông, các loài chim từ khắp nơi hội tụ về đây tạo thành một bức tranh thiên nhiên phong phú và sống động.

Đầm Vạc là một đầm tự nhiên xanh mênh mông đã được hình thành từ ngàn năm trước, vốn là 1 phần của dòng sông Cánh. Đầm Vạc có diện tích lên tới gần 500ha và có đến 23 nhánh chính tỏa ra, từ trên cao nhìn xuống như một chú bạch tuộc khổng lồ. Đầm có diện tích lớn, lại nhiều cây cối, nước trong xanh nhiều tôm cá nên là nơi trú ngụ của vô số loài thủy cầm như cò, le le, bồ nông, mòng, két… và nhất là vạc, nên có thể đó là nguyên cớ người dân gọi luôn tên đầm là Đầm Vạc.

Khu du lịch Đầm Vạc vừa có sự kết hợp hài hòa giữa các công trình kiến trúc hiện đại và quang cảnh thiên nhiên thơ mộng, lại có dịch vụ tốt, chi phí thấp, gần thủ đô nên rất thích hợp cho những chuyến đi nghỉ ngắn ngày thể nghỉ ngơi, thư giãn, về với thiên nhiên, tạm rời xa chốn đô thị ồn ào đông đúc.

Cũng giống như hồ Đại Lải, hồ Xạ Hương là một hồ nước nhân tạo được tạo ra từ năm 1984 với diện tích 80 hecta, là nơi cung cấp nước sạch cho toàn khu vực. Tuy là hồ nước nhân tạo nhưng cảnh sắc của hồ thực sự khiến cho mọi người đều choáng ngợp. Cảnh sắc thiên nhiên thay đổi qua các mùa càng góp phần tô điểm vẻ đẹp trữ tình, nên thơ và lãng mạn của hồ. Ngắm nhìn hồ Xạ Hương từ trên cao, bạn hẳn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp trữ tình, mộng mơ của hồ nước trong xanh này. Khi ấy, hồ Xạ Hương tựa như một tấm gương thần kỳ khổng lồ soi bóng cảnh vật lung linh đang hiện hữu xung quanh – đẹp đến mê hồn.

Đến đây, du khách sẽ không khỏi ngẩn ngơ và sững sờ trước vẻ đẹp nao lòng của Hồ Xạ Hương, của núi rừng xung quanh. Không chỉ được thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình, nên thơ mà đến đây bạn còn có thể lênh đênh giữa dòng nước miên man trên những chiếc thuyền khám phá những ngóc ngách, cho bản thân một cơ hội để được trải nghiệm cảm giác thú vị từ những điều giản đơn, bình dị và mộc mạc nhất trong cuộc sống.

Vườn cò Hải Lựu là một khu du lịch sinh thái phát triển trên nền rừng còn sót lại, là vùng đất lành với rất nhiều chim, cò về làm tổ sinh sống từ những năm 1958 và trở thành điểm du lịch nổi tiếng rất lý thú để du khách tham quan khám phá. Vườn cò tập trung nhiều loài chim, cò quý hiếm sở hữu diện tích rộng lên tới 15 ha, trong đó có đến 7ha là nơi sinh sống của chim, cò. Mỗi khi chiều về, từng đàn cò trắng cả ngàn con bay rợp kín cả vùng trời, í ới gọi nhau tìm về tổ tạo lên một âm thanh vô cùng sinh động.

Khu du lịch sinh thái vườn cò Hải Lựu còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị về khoa học trong hệ sinh thái rừng. Đến với danh thắng cảnh này du khách không chỉ được hít thở một bầu không khí trong lành, mà còn được tận mắt quan sát tập tính sinh hoạt của những loài cò quý hiếm, mang đến cho bạn có cảm giác như được hòa mình cùng thiên nhiên và quên đi cái mệt mỏi trong công việc hàng ngày.

Làng gốm Hương Canh không được nổi tiếng bằng gốm sứ Bát Tràng nhưng gốm sứ Hương Canh mang theo sự độc đáo. Những sản phẩm đều vô cùng đặc sắc. Người xưa đã có câu “Sứ Móng Cái, vại Hương Canh” để nói về sự nổi tiếng của nghệ thuật gốm ở làng nghề truyền thống này.

Hấp dẫn nhất khi tới với làng gốm Hương Canh Vĩnh Phúc là nghệ thuật gốm sứ. Khách du lịch hầu như tới với Hương Canh bởi nghệ thuật làm gốm đã có từ rất lâu đời. Gốm sứ với những nét độc đáo và cách làm được lưu truyền từ xa xưa. Gốm sứ Hương Canh có thể ngăn được ánh sáng, chống được sự thẩm thấu. Đặc biệt là giữ bền được hương vị của món ăn ở bên trong. Bình trà Hương Canh giữ được nhiệt độ rất lâu và không bị mất hơi. Bạn có biết lý do vì sao lại như vậy không? Bởi lẽ gốm sứ nơi đây được làm từ đất sét xanh với phần thịt khá nhiều và dày. Sản phẩm gốm khá cứng và mang màu sắc đặc trưng, độc đáo.

Đến với làng gốm Hương Canh du khách sẽ được ngắm và tìm hiểu rất nhiều những loại đồ gốm như : chậu, lọ, vại, chĩnh, tiểu, sành. Gốm sứ không được phát triển theo hướng đồ sứ mà là sành hóa. Với kiểu dáng ngày càng đẹp, đa dạng cùng khả năng chống thấm nước. Gốm sứ nơi đây ngày càng được ưa chuộng. Đặc biệt phù hợp với những nhu cầu sử dụng hàng ngày.

Tam Đảo với nhiều tiềm năng, thế mạnh đột phá, hội tụ đầy đủ các loại hình du lịch – lịch sử, văn hóa, tâm linh, mạo hiểm, sinh thái, nghỉ dưỡng… là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.

Thuyết Minh Về Danh Lam Thắng Cảnh Vĩnh Phúc 

Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên được xây dựng trên nền móng cũ của Thiên ân Thiền Tự, một đại danh lam thời Lý Trần, ở độ cao từ 250m đến 300m so với mặt biển, thuộc vùng núi Tam Đảo – Tây Thiên.

Ngày 4/4/2004, tức ngày 15/2 nhuận, năm Giáp Thân, lễ đặt đá xây dựng Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên diễn ra tại thôn Đền Thõng, xã Đại Đình huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Qua 15 tháng xây dựng, một đại danh lam mới được khánh thành và trở thành một điểm đến của du khách, phật tử từ mọi miền của đất nước. Toà chính điện cao 17m, với diện tích 673,2m2 (20,4 x 33m). Bên trong chỉ có 4 cây cột đỡ mái, nên rộng thoáng như một hội trường, có không gian cao rộng, sáng sủa, trang nghiêm.

Trong chính điện, trên bệ thờ chỉ có 3 bức tượng, nói lên đường lối tu hành của Thiền viện: Phật tại tâm, cứu cánh của sự tu hành là khai mở tuệ giác, phát triển tâm tư, đi đến giác ngộ giải thoát. Hai bên chính điện, ở phía trước có lầu chuông, lầu trống. Phía sau là nhà trưng bày, nhà tổ, nhà khách tăng, trai đường. Xa về phía tả là nhà khách Ni, nhà vệ sinh công cộng bố trí cạnh bãi đỗ xe.

Ô tô đi thẳng từ thành phố Vĩnh Yên đến chân núi Tam Đảo. Rồi từ chân núi đi theo đường bê tông men sườn núi dẫn tới sân đỗ của Thiền viện. Đến đây, khách hành hương theo từng bậc tam cấp đá, tới cổng Tam Quan đồ sộ. Đạo hữu Nguyễn Quốc Toản đã thực hiện các đại tự ở Tam Quan và đỉnh hương đặt trước chính điện bằng đá Thanh Hóa. Qua Tam Quan, du khách còn phải bước lên vài chục bậc đá nữa, tới một sân hẹp, rồi mới lên chính điện.

Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên là một công trình kiến trúc hoành tráng, nguy nga, mang dấu ấn về kiến trúc, thẩm mỹ học Phật giáo. Tránh được sự sao chép một cách máy móc theo những ngôi chùa cổ Việt Nam ở thế kỷ 16 – 17 mà mang tính truyền thống hài hoà với hiện đại, giữ được nét đặc thù của ngôi chùa phật giáo, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tâm linh của phật tử ngày nay, bảo vệ được cảnh quan và môi trường sinh thái phong phú và hấp dẫn của khu vực vườn Quốc gia Tam Đảo.

Giới Thiệu Về Danh Lam Thắng Cảnh Ở Vĩnh Phúc Học Sinh Giỏi

Khu danh thắng Tây Thiên là một quần thể kiến trúc cổ xưa với chùa, đền, miếu, bia đá… mang đậm dấu ấn lịch sử văn hóa, nằm giữa khung cảnh núi cao rừng thẳm, suối thác hữu tình. Tây Thiên còn là trung tâm thờ Mẫu và Phật giáo lâu đời ở Việt Nam, thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 65 km về phía Tây Bắc, Khu danh thắng Tây Thiên (thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) là một quần thể văn hóa du lịch tổng hợp, đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1991.

Khu danh thắng Tây Thiên có diện tích khoảng 148ha, nằm trên sườn ngọn núi Thạch Bàn thuộc dãy Tam Đảo. Khu danh thắng Tây Thiên được tọa lạc trong lòng chảo rừng nguyên sinh Tam đảo, tại trung sơn điểm giữa các huyệt mạch quốc gia gồm Đền Hùng của nhà nước Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước, Hoa Lư của cố đô nước Đại Việt, núi Tản- Sông Đà, các trụ xứ phật giáo thâm uy như Chùa Hương, Yên Tử; tất cả tạo nên một thế phong thủy vững chãi dựa vào mạch núi thiêng tỏa ra đồng bằng rộng mở và tràn xuống phương Nam, hướng về biển lớn.

Tương truyền từ xa xưa, Ngài Khương Tăng Hội – một nhà tu hành Ấn Độ trong chuyến viễn du sang phía Đông, thấy cảnh núi rừng u tịch và trang nhã đã chọn nơi đây dựng lều làm chốn nghỉ chân và truyền bá đạo Phật. Đời vua Hùng thứ 6 tên là Hùng Chiêu Vương lên chùa Thiên Ân (trên đỉnh núi Tam Đảo) để cầu tự khi trở về đã gặp bà Lăng Thị Tiêu – (Bà được sinh ra từ khí thiêng của núi rừng Tam Đảo, chuyên trừ bạo cứu dân, phổ độ dân chúng) đã rước bà về làm vợ.

Bước vào khu di tích du khách bắt gặp cây đa chín cội ngả bóng mát xuống Hữu Huyền Cung (nhân dân vẫn quen gọi là đền Thõng). Phía sau là dòng suối Giải Oan (còn gọi là Bát Nhã Tuyền). Ngược lên phía trên là Thác Bạc – dòng nước thơm của núi rừng Tây Thiên, với độ cao hơn 40m nước đổ xuống trắng xoá như giát bạc, chảy ra hợp lưu với suối vàng ở Hồ Sen rồi chảy ra khe Giải Oan.

Ngược lên Đầm Sen, Ao Dứa, núi Rùng Rình, nơi đây còn lưu giữ một hệ động thực vật rất có giá trị. Từ đây ngược lên khoảng 3 cây số nữa sẽ tới chùa Đồng Cổ, đúc toàn bằng đồng tốt. Trong chùa thờ hai tượng Phật, cho tới nay niên đại và lai lịch về hai pho tượng này vẫn là một bí ẩn mà các nhà khảo cổ học vẫn chưa tìm ra lời giải.

Từ xa, du khách đã nhìn thấy Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử là một trong những thiền viện lớn nhất của Việt Nam. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên xây dựng ngay bên cạnh Khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự. Đây là nơi đào tạo về Phật giáo một cách có hệ thống, tạo điều kiện để Phật giáo Việt Nam phát triển cả về bề rộng cũng như chiều sâu và đẩy mạnh giao lưu với các dòng phật giáo của các nước khác và là một trong những nơi phát tích sớm nhất của Phật giáo Việt Nam.

Nằm phía bên tay trái cổng Tam Quan dẫn vào Khu trung tâm lễ hội là Đại Bảo tháp Tây Thiên – một kiệt tác nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Kim Cương Thừa đang dần hoàn thiện để chào đón Phật tử và du khách về thăm quan. Đại Bảo tháp Tây Thiên được thiết kế ba tầng, cao 37m. Trong đạo Phật, bảo tháp có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì là nơi chứa đựng tâm giác ngộ của chư Phật, thể hiện ngũ đại thanh tịnh (đất, nước, gió, lửa, không khí).

Điểm dừng chân tiếp theo của khách hành hương tại Tây Thiên là đền Thỏng, hay còn gọi là đền Trình. Đền Thỏng được coi là “cửa ngõ” dẫn lên khu di tích đền Thượng trên đỉnh núi. Ngôi đền hiện tại được xây dựng vào năm 1998 theo kết cấu chữ đinh trên nền ngôi đền cũ, hướng ra không gian rộng lớn với cây đa chín cội sừng sững trước cửa đền như một chứng nhân lịch sử linh thiêng.

Tại đền còn lưu giữ một bia đá 4 mặt từ năm Bảo Thái thứ 5 (1723) ghi nhận nơi đây là “Tam Đảo linh sơn”, một quả chuông đúc vào năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), một bản thần tích vào năm Bảo Đại thứ 12 (1937), một khánh đồng và một số hoành phi, câu đối. Tất cả là các chứng tích lịch sử – văn hoá rất giá trị, khẳng định sự quan tâm của nhiều triều đại đối với danh thắng Tây Thiên cũng như vị thế “địa linh bậc nhất” cả nước của quần thể di tích này..

Qua đền Thỏng là tới đền Cậu. Đền Cậu khởi nguồn là khe Trường Sinh, tương truyền là nơi “Cậu” ngự lại chiêu mộ và nuôi quân để đi theo phò Quốc Mẫu. Đền vừa được tu sửa lại vào năm 1993. Người ta lên đền Cậu để cầu tài, cầu phúc, lộc, thọ và những nguyện ước tốt đẹp về mặt tình duyên và con cái. Đó chắc chắn sẽ là khởi đầu tốt nhất cho mỗi người khi đến với Tây Thiên.

Từ đền Cậu đi thêm khoảng 2 km nữa sẽ đến đền Cô. Đền Cô cũng có niên đại lâu đời và hiện đang thờ Cô Bé, tương truyền là một vị con nhà Trời đã cùng Quốc Mẫu giúp dân giúp nước. Cảnh sắc nơi đây thanh nhã, khoáng đãng và yên bình với thảm thực vật phong phú cùng khí hậu quanh năm trong lành, mát mẻ. Dòng suối Giải Oan cùng giếng nước cổ sát chân đền tăng thêm vẻ tịch mịch và thanh tĩnh cho không gian nơi đây. Rất nhiều khách hành hương từng đến đền Cô đã thừa nhận rằng “suối và giếng này rất thiêng”. Nếu ai lấy nước từ đó dâng lên cùng lễ vật rồi uống sẽ thấy trong lòng thư thái, thanh thản và tịnh tâm đến lạ lùng.

Men theo một lối rẽ quanh co trong rừng, qua các khe suối nhỏ, các gốc cây bám rễ sâu vào lòng đất từ đền Cô sẽ tới Tịnh thất Tây Thiên. Cảnh vật nơi đây tinh khôi, nguyên sơ và u tịch. Tịnh thất Tây Thiên ban đầu chỉ là một thảo am nhỏ của ba sư cô trẻ ẩn tu, sau đó phát triển rộng rãi theo pháp môn Mật tông Tây Tạng của dòng truyền thừa Drukpa nhưng chỉ nhận sư nữ.

Dòng truyền thừa này đã có lịch sử trên 800 năm, qua 12 đời Pháp vương với vô số hành giả, trải rộng từ Á sang Âu. Đã có 12 vị ni sư Tây Thiên được cử đi cầu pháp, thọ học các nghi quỹ và pháp tu Mật tông ở một ni viện tại Nepal. Mọi sinh hoạt và tu tập của chư ni đều do ba vị chức sự quản lý và điều hành dưới sự lãnh đạo của một sư bà, trong đó, một vị chịu trách nhiệm về nghi lễ và đời sống ni chúng, một vị chịu trách nhiệm về giáo dục và một vị chịu trách nhiệm về ngoại giao.

Rừng Tây Thiên có những cây thông đã sống đến ngàn năm tuổi. Hệ động vật Tây Thiên cũng khá phong phú, có 4 lớp, 26 bộ, 86 họ và 281 loài, trong đó có những loài động vật quý hiếm như rùa vàng, gà lôi trắng, voọc đen má trắng, voọc mũi hếch, cá cóc Tam Đảo… Sự đa dạng sinh học cùng với hệ thống các đình chùa có giá trị văn hóa và khảo cổ khiến Tây Thiên có sức hấp dẫn lớn với khách du lịch và các nhà nghiên cứu. Đến với Tây Thiên, du khách còn được chiêm ngưỡng cảnh đẹp thơ mộng của núi rừng Tam Đảo, được tận hưởng bầu không khí trong lành, được thưởng thức một bản nhạc được phối bởi tiếng nước róc rách, tiếng chim hót líu lo…

Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục” đã nói về Tây Thiên: “…bên dưới sắc nước như chàm, sâu thẳm không thấy đáy; sườn núi có chùa Tây Thiên Cổ Tự, tre xanh, thông tốt, cảnh sắc thanh nhã, rộng rãi, trên đỉnh núi cao lại có chùa Đồng Cổ, vừa lên vừa xuống phải mất hai ngày, từ phía tả khe Giải Oan trèo lên núi đến hồ sen, nước xanh biếc, trong hồ có thứ đá lạ và có sen đỏ, hoa nở bốn mùa”.

Tây Thiên từ lâu đã trở thành một khu di tích, danh lam thắng cảnh có giá trị nhiều mặt, nơi đây vừa được coi như một quần thể di tích kiến trúc, vừa có cảnh quan sơn thủy hữu tình, địa thế “long chầu, hổ phục”… đã biến Tây Thiên thành điểm du lịch tâm linh ít nơi nào sánh kịp. Tây thiên đã và đang được trùng tu tôn tạo hệ thống đền, chùa, thảo am… từng bước khẳng định vị trí của một trung tâm tín ngưỡng giao thoa giữa văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu mà không làm mất đi vẻ đẹp cổ xưa vốn có.

Thuyết Minh Về Di Tích Lịch Sử Ở Vĩnh Phúc

Chùa Hà Tiên (chùa Hà),ở xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Chùa Hà Tiên được xây dựng từ năm Quý Mùi (1703), niên hiệu Chính Hòa thứ 24, đời vua Lê Hy Tông Duy Hiệp. Ngôi chùa trải qua nhiều thăng trầm lịch sử với những câu chuyện cổ xưa được lưu truyền đến mãi về sau.

Truyền thuyết kể rằng, bởi chùa nằm ở thế “sơn chỉ, thủy giao”, hai bên đều có gò đất lớn án ngữ tựa hình thanh long, bạch hổ. Chẳng thế mà thuở đất nước có giặc ngoại xâm, bà Lăng Thị Tiêu trên đường hội quân với vua Hùng Vương thứ 7 đánh giặc thấy thế đất lạ nên đã dừng chân tại đây để chiêu binh đánh giặc. Sau này bà được tôn phong là Quốc Mẫu Tây Thiên, để tưởng niệm bà, người dân lập bài vị thờ Quốc Mẫu tại chùa, gọi là Đức Thánh Đại Vương. Chùa Hà Tiên trở thành nơi đặc biệt khi vừa là điểm kính ngưỡng Phật pháp đồng thời là nơi thờ tự Quốc Mẫu.

Do sự biến động đổi thay, cho đến khoảng giữa thế kỷ XX, chùa Hà bị hủy hoại hoàn toàn, đến khoảng những năm 60,70 của thế kỷ XX, nhân dân địa phương tận dụng những cơ sở công trình công cộng, bài trí tượng Phật, các đồ pháp khí còn lại làm nơi lễ Phật, cố gắng gìn giữ nơi chùa cảnh xưa để phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân trong vùng, vì thế chùa Hà tuy bị hủy hoại nhưng pháp luân vẫn luôn chuyển trong tâm thức của nhân dân, của Phật tử gần xa, luôn kính ngưỡng về suối nguồn đạo đức, tâm linh.

Không gian chùa hiện nay đã được trùng tu xây dựng lại với quy mô lớn, Qua Tam quan từ phía Đông Nam tới tả hữu môn, vòng quanh hành lang tới Tam Bảo, kiến trúc không gian mô phỏng tòa Bảo tháp 3 tầng. Từ sân lên đến chùa, phải bước qua 9 bậc thềm, gọi là “Cửu trùng”. Mái chùa uốn cong 4 góc, trên nóc có “Lưỡng Long Triều Nguyệt”. Phía sau là nhà thờ tổ, đối xứng hai bên có nhà tiếp khách và phòng trưng bày.

Phật đường và nhà Mẫu cao lồng lộng, uy nghi, thể hiện sự vĩnh cửu, thanh tịnh và thiêng liêng. Mặt tiền sảnh là bộ cánh cửa bằng gỗ tứ thiết, chạm trổ công phu, phía trên đặt chấn song con tiện, bên dưới tạc phù điêu tứ quý cách điệu. Ván bưng áp mái, chạy suốt mặt tiền đại điện, có 5 khuôn chữ lớn, nét khắc tinh xảo và mẫu mực. Ba mặt tiền sảnh, tả vu và hữu vu chùa đều có hành lang và dựng cột đá lập phương liền khối, chạm trổ hoa văn uyển chuyển.

Đặc biệt, chùa Hà Tiên còn có một tên khác là “chùa cầu mưa”. Ngày xưa trong vùng thường xuyên hạn hán khiến đất đai cằn cỗi, cây cối tàn lụi. Người dân sống dựa vào nông nghiệp lâm vào cảnh đói khát, phải bỏ làng đi tha hương cầu thực. Tận mắt chứng kiến những khổ nạn đó, vị trụ trì chùa khi ấy là Tịnh Huân đã cho lập đàn tự hóa để cầu mưa. Theo đó, sư Tịnh Huân đã nguyện tự thiêu để cầu mưa cho dân vào ngày 30/5 âm lịch.

Sau khi phát nguyện trước Tam Bảo và đất trời, ngài đã tọa trong tư thế kiết già. Ngọn lửa thiêu đốt báu thân nhưng hai bàn tay ngài thì vẫn còn nguyên hình dáng. Ngài tự thiêu để cúng già chi thiên, cầu đảo cho dân. Ngài thiêu hôm 30/5 thì 1/6 mưa lớn, mưa kéo dài liên tiếp 3 ngày. Người dân địa phương cho hay, đến ngày giỗ của vị sư tổ, trời thường đổ mưa. Dân trong vùng tránh nạn hạn hán, mùa màng tươi tốt, đời sống no ấm quanh năm. Ghi nhận công ơn của bậc chân tu, người dân đã dựng ngôi tháp bảo ba tầng để lưu trữ tro cốt của ngài.

Hiện trong vườn mộ tháp của chùa có tất thảy tới 8 ngôi. Phần lớn những bảo tháp này hiện vẫn còn vẹn nguyên với 3 tầng chính. Tháp cao khoảng 3m, có 4 mặt, được dựng bằng gạch nung đỏ kết dính bằng một loại nguyên liệu tổng hợp từ nhựa cây kết hợp với đất sét nhão. Dù 8 ngôi đều lưu giữ báu thân của các vị cao tăng, tuy nhiên, ở khu vực tồn tại tháp của ngài Tịnh Huân lại đặc biệt hơn do phần lớn khu vực được bao phủ bởi một cây sanh. Cây sanh này có rất nhiều rễ, bao trùm gần trọn 3 mặt phụ của bảo tháp. Trải qua nhiều thế kỷ cùng bao nắng dãi mưa dầm, cây sanh vẫn hiên ngang sừng sững như vậy.

Trong chùa còn có giếng cổ được nhiều người biết đến thường gọi giếng Ngọc nổi tiếng có dòng nước ngọt lành. Trải qua bao năm tháng, hiện giếng đã được sửa sang với thành xây kiên cố. Xưa, vào mùa hạn thì giếng đào cạn, đục không thể dùng được, người dân trong làng lại phải ra giếng cổ múc nước về ăn. Giếng ở chùa Hà Tiên có tiếng “trong xanh, mạch thủy nhiệm màu” nên các cụ xưa vẫn lưu truyền câu ví von:

“Dù ai có xấu như ma
Uống nước chùa Hà lại đẹp như tiên”.

Hàng năm, hễ vào những ngày lễ lớn, khách thập phương ghé chùa lễ Phật xong đều xin nước ở giếng Ngọc, đem về thắp hương và uống.

Sự đan xen hài hoà của cảnh quan, không gian tĩnh mịch kiểu dáng kiến trúc riêng biệt cùng một bề dày lịch sử tạo nên tầm vóc của một di tích lịch sử văn hóa lớn. Chùa Hà Tiên là điểm dừng chân không thể bỏ qua của du khách trong chuyến hành trình: Vĩnh Yên, Tây Thiên, Tam Đảo.

Thuyết Minh Về Tam Đảo Vĩnh Phúc

Trong các khu du lịch nghỉ mát nổi tiếng của Vĩnh Phúc như: Thiền viện trúc lâm Tây Thiên, khu du lịch hồ Đại Lải, khu vui chơi Ao Vua, khu nghỉ mát Đầm Vạc,… Nhưng ấn tượng với em nhất vẫn là dãy núi Tam Đảo uy nghi và hùng vĩ.

Dãy núi Tam Đảo nằm ở trong huyện Tam Đảo. Ở đây có phong cảnh núi non hùng vĩ, bao quát cả một vùng đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn. Khí hậu mát mẻ quanh năm, mùa hè từ tháng 5 đến tháng 9, nhiệt độ tại các tỉnh đồng bằng thường oi bức thì ở Tam Đảo lại là nơi nghỉ mát lý tưởng với sự luân chuyển 4 mùa rõ rệt trong một ngày. Buổi sáng ở Tam Đảo se se gió xuân, buổi trưa nóng ấm mùa hạ, buổi chiều lãng đãng heo may mùa thu, buổi tối và ban đêm lại lạnh giá của mùa đông. Chính vì vậy, Tam Đảo đã trở thành một điểm thu hút tất cả các du khách trong và ngoài nước đến với Vĩnh Phúc.

Khu du lịch Tam Đảo nhỏ bé, xinh xắn với những con dường lên xuống quoằn ngoèo, quanh co, những dòng suối như vệt nước cắt ngang chảy suốt bốn mùa. Nguồn gốc cái tên Tam Đảo có được là do 3 ngọn núi cao: Thạc Bàn, Thiên Nhị và Phù Nghĩa nhô lên trên mấy trười tạo nên.

Không chỉ phong cảnh đẹp và hấp dẫn mà Tam Đảo còn có rất nhiều những địa điểm vui chơi, giải trí và tham quan rất thu hút các khách du lịch. Nhác đến Tam Đảo thì ta phải nhắc đến đầu tiên là: Tháp truyền hình. Tháp truyền hình nằm trên đỉnh núi Thiên Nhị. Đường đi lên Tháp tuy hơi vất vả một chút nhưng rất lãng mạn, nên thơ. Dọc hai bên đường lên là những hàng cây phong lan, cúc quỳ và nhiều loài hoa dại không tên khác. Ở đây cũng có rất nhiều các loài bướm khác nhau, đủ màu sắc bay rập rờn trên hoa lá. Sau khi leo bộ theo những bậc thang lên trên đỉnh Thiên Nhị và đứng dưới chân ngọn tháp truyền hình, ta sẽ cảm thấy rất thoải mái và sảng khoái.

Nổi tiếng của Tam Đảo còn có Thác Bạc ở dưới thung lũng sâu. Lý do vì sao mọi người lại gọi là Thác Bạc là vì: Tháp Bạc giấu mình trong núi, bí ẩn đổ xuống dòng nước trắng bạc, lóng lánh ánh mặt trời phản chiếu sắc cầu vồng. Một dòng suối nhỏ từ trên cao ào ào tuôn nước, thả vào trong gió tiếng suối, tiếng rừng, tiếng lá dội vào vách đá nghe thâm u như tiếng ngàn xưa. Nước ở Thác Bạc rất trong và mát lại thường. Con đường lên xuống thác không quá dài nhưng cheo leo với những bậc đá dựng đứng. Các du khách mặc dù mệt nhoài nhưng vẫn tươi cười đắc ý vì vừa chinh phục được đoạn đường này.

Tam Đảo không chỉ có Tháp truyền hình và Thác Bạc mà còn có rất nhiều các khu vui chơi, giải trí và tham quan khác như: Đền Bà Chúa Thượng Ngàn, đình Rùng Rình, Nhà thờ cổ Tam Đảo, sân Golf, … Tuy mỗi khu vui chơi, giải trí và tham quan này lại có một sắc thái và vẻ đẹp riêng nhưng đều toát lên được vẻ thiêng liêng và hùng vĩ.

Mỗi nơi nổi tiếng, mỗi khu du lịch hoặc danh lam thắng cảnh đều có những đặc sản riêng của mình. Tam Đảo cũng vậy, đặc sản của Tam Đảo đó chính là món rau Susu. Đến với Tam Đảo, chúng ta có thế nhìn thấy loại rau này có mặt ở khắp nơi. Susu mọc thành giàn chênh vênh trên sườn núi, mơn mởn trước cửa nhà, hai bên đường dẫn vào thị trấn cũng bạt ngàn màu xanh của rau susu. Và đặc biệt nhất đó chính là chất lượng của rau: Rau susu của Tam Đảo đã được cấp thương hiệu là rau sạch, an toàn vì thế chúng ta sẽ không phải lo bị ngộ độc thực phẩm khi thưởng thức món ăn này.

Thiên nhiên đã ban tặng cho Tam Đảo một khung cảnh tuyệt vời: vừ thơ mộng, u tịch, vừa hùng vĩ, huyền ảo trong cảnh mấy gió, sương khối vờn trên đỉnh núi rồi sà xuống những thảm cỏ, những ngôi nhà ven sườn núi. Thế nên Tam Đảo là nơi lý tưởng cho chúng ta nghỉ dưỡng cuối tuần sau một tuần làm việc vất vả. Cái cảm nhận đầu tiên khi ta vừa bước chân xuống Tam Đảo là nơi đây dường như có một cái điều hòa thiên nhiên khổng lồ, đang lặng lẽ phun khí lạnh cho toàn khu vực. Không khí trong lành, mát lạnh đến mê hồn.

Giới Thiệu Về Vĩnh Phúc Bằng Tiếng Anh

Tiếng Anh:

Vinh Phuc is a province in the Red River Delta, Vietnam, located in the middle of the geometric center on the Northern map, this place is located in the Red River Delta area with both midland and mountainous topography.

Vinh Phuc has many interesting landscapes and landscapes such as Tay Thien scenic area with Truc Lam Tay Thien Zen Monastery (one of the 3 largest monasteries in Vietnam along with Yen Tu and Da Lat), Tam Dao resort, Binh Son tower, Gia Loan temple – Bien Son pagoda, … are places to develop various types of tourism such as sightseeing, vacation, etc. In addition, there are over 500 historical and cultural relics with 170 listed relics ranking, of which 67 monuments are ranked at the national level. Vinh Phuc also has many lagoons and lakes in beautiful locations that can be developed into an attractive resort destination.

Not only has a rich material culture, but Vinh Phuc also has a diverse and attractive intangible culture with high tourism value, which are customs, traditions, a system of festivals, games and activities. folk games, art culture, poetry, cuisine…

Tiếng Việt:

Vĩnh Phúc là một tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, Việt Nam, nằm ở chính giữa trung tâm hình học trên bản đồ miền Bắc, nơi đây nằm trong khu vực châu thổ sông Hồng có cả dạng địa hình trung du và miền núi.

Vĩnh Phúc có nhiều cảnh quan và danh thắng kỳ thú như khu danh thắng Tây Thiên với Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên (là một trong 3 thiền viện lớn nhất Việt Nam cùng với Yên Tử và Đà Lạt), khu nghỉ mát Tam Đảo, tháp Bình Sơn, đền Gia Loan – chùa Biện Sơn,… là nơi để phát triển các loại hình du lịch như tham quan, nghỉ mát,… Ngoài ra còn có trên 500 di tích lịch sử, văn hoá với 170 di tích được xếp hạng, trong đó 67 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Vĩnh Phúc còn có nhiều đầm hồ ở những địa thế đẹp có thể phát triển thành điểm du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn.

Không chỉ có nền văn hoá vật thể phong phú, Vĩnh Phúc còn có nền văn hoá phi vật thể cũng đa dạng, hấp dẫn có giá trị du lịch cao, đó là các phong tục tập quán, hệ thống các lễ hội, các trò chơi dân gian, văn hoá nghệ thuật, thi ca, ẩm thực…

Bài đăng

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Thuyết Trình Về Gia Đình

Thuyết Minh Về Biển Mỹ Khê Quảng Ngãi

Ngữ văn 6 – Bài 10 : Trái Đất - Mẹ của muôn loài - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 - Bài 9: Tóm tắt bằng sơ đồ nội dung của một văn bản đơn giản - Kết nối tri thức

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Thuyết Minh Về Một Danh Lam Thắng Cảnh Ở Huế

Thuyết Minh Về Bài Thơ Tiểu Đội Xe Không Kính

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Tuổi thơ tôi (Nguyễn Nhật Ánh) - Chân trời sáng tạo

Thuyết Trình Về Ô Nhiễm Môi Trường Nước Hiện Nay

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức