Tưởng Tượng Sau 20 Năm Nữa Em Về Thăm Quê

 Dàn Ý Tưởng Tượng Sau 20 Năm Nữa Em Về Thăm Quê

I. Mở bài: Giới thiệu vài nét về chuyến thăm quê đó của em:

  • Vào dịp nào?, Đi cùng ai?, Đó là quê nội hay quê ngoại?

  • Nêu cảm xúc, suy nghĩ khái quát của bản thân về chuyến đi đó.

II. Thân bài:

  • Kể về tâm trạng, cảm xúc của em trước chuyến đi, trên xe, khi xuống xe.

  • Kể những điều em được tận mắt chứng kiến về những thay đổi về quang cảnh của quê hương.

  • Kể lại cảnh đi thăm mộ tổ tiên; gặp gỡ người thân, họ hàng, làng xóm.

  • Kể về những hoạt động của em trong những ngày về thăm quê.

  • Kể lại những cảm xúc lúc chia tay người thân, trở về thành phố…

3. Kết bài: Nêu suy nghĩ, tình cảm của em đối với chuyến thăm quê đó.

Hãy Tưởng Tượng Sau 20 Năm Nữa Em Về Thăm Quê – Mẫu 1

   Ngót hai mươi năm xa quê, tháng tám vừa qua tôi trở về thăm quê hương. Cái mốc thời gian 20 năm tuy không quá dài nhưng nó cũng đủ khiến lòng tôi nhớ thương ngày đêm da diết mỏi mòn… Ngồi trên máy bay vượt qua cả ngàn km, sau 1h’45 phút tôi đã về tới sân bay Nội Bài Hà Nội… Xuống máy bay tôi và em trai vội đón taxi về Thanh Hóa…

   Khi xe taxi chạy tiến dần vào đất quê hương, tôi đã nhờ bác tài xế chạy chậm dần và bắt đầu ngắm nhìn dòng sông, dãy núi và cánh đồng. Đã lâu lắm rồi tôi thèm được nhìn cây lúa và leo núi. Cái cảm giác bồi hồi, rưng rưng vui mừng tràn ngập trong lòng.

Xe tiến vào con đường làng, lòng tôi nôn nao hơn. Hai bên đường những đứa trẻ chăn trâu đôi mắt tròn xe nhìn thấy tôi ngồi trên xe chúng nhìn xa lạ ngỡ ngàng... Chúng không hề biết tôi là ai, tò mò chúng chạy theo xe cười vui rộn rã… Những cụ già, bà con thôn xóm nhìn thấy tôi, hầu như họ nhận ra tôi nhưng cũng có vẻ không chắc chắn cho tới khi xe taxi dừng ngay trước cổng nhà tôi. Khi bác tài xế vừa mở cánh cửa bước xuống tôi đã nghe bà con làng xóm xôn xao.. “Bà con ơi! Thằng Lâm con bố Sơn về rồi..”

Thế là làng trên xóm dưới, già trẻ, gái trai kéo nhau lại vây quanh chiếc xe. Em trai tôi phải loay hoay chào bà con một hồi mới bế tôi xuống xe lăn ngồi. Nhìn thấy tôi ngồi xe lăn các bà cụ, cô dì rưng rưng khóc ôm lấy tôi. Lúc ấy tôi chỉ biết nén lòng, cảm động trước tình cảm của bà con, anh em, bạn bè dành cho mình…

Thế rồi cả tối hôm đó cả làng lần lượt tới thăm hỏi tôi, những câu chuyện kể hoài không hết chẳng ai muốn về. Lòng tôi ấm áp vui sướng hạnh phúc vô cùng thức trắng đêm không ngủ.

Hai mươi năm rồi tôi xa gia đình, ngày tôi về mẹ mừng rỡ nghẹn ngào. Tôi biết mẹ vẫn buồn nhưng mẹ vẫn nở môi cười giấu nỗi đau trong lòng để tôi vui. Mẹ biết tôi đã lâu rồi không được ăn những món mà tôi thích ăn (xôi đồ đậu xanh, cháo hành, bánh trôi nước, gà xào sả ớt, cháo lươn, canh rau má…). Mẹ bảo mỗi ngày mẹ sẽ nấu từng món khoái khấu của tôi cho tôi ăn. Nhìn mẹ đôi mắt thâm quầng, tóc pha sương, bàn tay chai sơn mà lòng tôi nhói đau như dao cắt.

Và cha nữa nhìn thấy cha thân gầy, mắt hốc, trán nhăn nhúm, vất vả ngược xuôi suốt cả đời vì con cái mà chưa được ngày nghỉ ngơi. Tôi thương cha vô vàn, thấy mình thật có lỗi với cha mẹ.

Món quà tôi mang từ Sài Gòn về quê tặng gia đình, anh em cùng bạn bè là một tập thơ và một CD thơ ngâm của tôi. Mọi người cầm sách đọc miệt mài, mở đĩa nghe chăm chú, có người bật khóc, có người rưng rưng khoé mắt vì cảm động.

Bạn bè tôi bây giờ đã có gia thất, đứa đi làm ăn xa, đứa đi bộ đội, đứa đi lập nghiệp nơi xứ lạ. Thầy cô thì người chuyển công tác, người nghỉ hưu…Tôi chỉ gặp được ít người còn ở lại quê... Chợt nghe lòng man mác lâng lâng…

Sau 20 năm trở lại quê nhà, biết bao sự đổi thay… làng tôi đã có nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên, đường xá cũng đã bê tông hóa… Tôi cảm thấy lòng vui và được an ủi…

Ngày tôi đi chị gái tôi lấy chồng mới có một cu tí 2 tuổi giờ về chị đã ba cháu thật dễ thương. Ban đầu khi gặp tôi chúng lạ lẫm không dám lại gần, thằng em út tôi cũng vậy khi tôi đi nó mới 8 tuổi bây giờ nó đã thành một chàng trai 28 cao to. Nhìn thấy tôi nó cũng có vẻ ngượng ngùng là lạ.. Nhưng rồi những bữa cơm gia đình thân mật, những cuộc tâm sự đã khiến cả nhà thân thuộc gần gũi nhau hơn.

Thật sự tôi không thể cầm được cảm xúc khi thấy mỗi ngày bà con hàng xóm, anh em, bạn bè đến thăm. Họ nói đây là cây nhà lá vườn, rồi người thì bắt lên con gà, người thì mang tặng đôi bồ câu, người mang cho tôi cặp bưởi, nải chuối, người mang cho tôi mấy quả na vừa chín cây…Ôi tình cảm họ dành cho tôi, một đứa con xa quê lâu ngày thật mặn mà tha thiết, ấm cúng…

Mỗi ngày khi hoàng hôn buông xuống tôi lại cùng em trai ra ngắm đồng lúa xanh, cánh cò, ngắm ngọn đồi chàm sau nhà xanh ngát, rồi đi vào thăm từng nhà anh em, bà con lối xóm... Nhà ai cũng đón tiếp tôi niềm nở, chuyện trò ân cần. Tôi vui lắm..

Mười lăm ngày trôi qua thật nhanh, tôi muốn níu thời gian lại mà không thể. Những ngày tôi về với quê hương, gia đình thật ý nghĩa, và thoả lòng mong đợi bao năm ròng rã…Cuộc hội ngộ nào rồi cũng chia ly, rồi cũng đến ngày tôi phải trở vào lại Sài Gòn. Lòng tôi nghẹn ngào quyến luyến, trước giờ lên xe cả làng tập trung ở nhà tôi tạm biệt, họ ôm tôi dặn dò giữ sức khoẻ và hẹn ngày trở lại. Thật lòng tôi không muốn xa quê hương, gia đình, làng xóm thêm nữa nhưng vì cuộc sống tôi đành nén lòng ngậm ngùi ra đi..

Tôi lên xe mọi người vẫy tay chào, trong đám đông tôi nhận ra mắt mẹ, chị tôi đang rơi lệ…. Tôi tự nhủ lòng mình nhất định sẽ sống tốt và sẽ trở về quê hương nhiều lần nữa. Tạm biệt xứ Thanh yêu thương…Hẹn ngày mai ta trở lại bên Người…

Tưởng Tượng Sau 20 Năm Nữa Em Về Thăm Quê Trong Dịp Thanh Minh Kể Lại Với Bạn Về Lần Thăm Quê Đó – Mẫu 2

Phượng thân mến!

Thấm thoát đã 20 năm trôi qua, kể từ cái ngày tớ cùng gia đình sang định cư bên nước ngoài, chúng mình đã không còn liên lạc với nhau nữa nhỉ? Hôm nay, ngày tớ được trở về nước đáp chuyến sân bay Nội Bài, lòng bồi hồi rạo rực và người bạn tớ nghĩ đến đầu tiên chính là cậu. Tớ nhớ tới những kỉ niệm của tuổi thơ, cùng dắt tay cậu đi qua con đường với những cánh đồng bất tận màu lúa chín. Và hôm nay trở về, tớ lại đi trên con đường mòn quen thuộc ấy, được ngắm nhìn quê hương mình trong một dịp lễ thanh minh đầu xuân với nhiều thay đổi.

Chiếc xe taxi lăn bánh trên đường, cảnh quan phố xá Hà Nội thật đẹp, những tầng nhà cao ốc, những cung đường cao tốc trên cao, những dòng người đổ xô tấp nập cũng chẳng khác gì bên Singapo – nơi mình sống là mấy. Tớ còn nhớ, ngày trước, con đường đi tới trường đều là con đường đất đá, gồ ghề, những hôm mưa bụi lầy lội, mặt mũi, quần áo đứa nào đứa lấy đi tới lớp cũng nhọ nhem, dính đầy bùn đất cả.

Hai bên đường là những dãy bằng lăng, phượng vĩ, bạch đàn cao vút, mát rượi nhưng giờ đây nó đã thay đổi, con đường ấy đã được lát nhựa đường nhẵn thín, hai bên đường là những cột đèn và toàn dãy nhà cao ốc sang trọng, các cửa hàng tạp hóa bày bán đủ các thứ trên đời. Đang ngẩn ngơ nhớ lại những kỉ niệm, hồi ức xưa, bỗng bác tài xế kêu:

-Anh ơi, đến nơi rồi ạ!

Tớ bước xuống xe, cảnh vật quê hương mình hôm nay quả thật đã thay đổi rất nhiều. Thời gian đúng là không bỏ xót một ai trên đời mà… Trời đất vạn vật choàng tỉnh sau giấc ngủ đông, khoác tấm áo mùa xuân tươi tắn. Những giọt nắng đầu tiên trải trên nẻo đường làng nâu sậm thành từng vùng ấm dịu. Những bông lau bên đường khẽ đưa mình trong gió, gợn sóng mềm mại. Hương mùa xuân thoảng nhẹ đâu đây…. Đường làng đẹp đến lạ lùng!

Chính vào dịp lễ thanh minh nên tớ và gia đình đến khu nghĩa trang để thăm mộ tổ tiên. Tớ và gia đình bước vào khu yên nghỉ của những người đã khuất. Gió ở đây lạnh, heo hút và hoang vắng. Những nấm mộ trắng nằm lặng yên tưởng chừng như không gian ở đây ngưng lại trong sự vĩnh hằng. Mẹ tớ đã chuẩn bị đầy đủ những thứ cần thiết trong chiếc làn nặng trĩu: nào nhang, hoa và cả đồ lễ nữa. Bà tớ nằm ở đây. Mẹ và chị tớ sửa sang phần mộ bà chu đáo, cẩn thận.

Đưa mấy nén nhang đã đốt sẵn, mẹ bảo chị tớ đi thắp nhang cho các ngôi mộ xung quanh. Mẹ bày đồ lễ, tớ đứng lặng trước mộ bà, trong hương trầm nghi ngút, những kỷ niệm ngày xưa tràn về… Tất cả chỉ như vừa mới hôm qua thôi. Tớ nhớ những ngày bà bế tớ rong chơi khắp làng. Nhớ hơi ấm đặc biệt của bà, hình bóng bà mỗi sớm tinh sương, thổi bếp rạ, nướng củ khoai thơm phức. Tớ thường theo bà dậy sớm, thích ngồi cuộn lại trong lòng bà như một con mèo nhỏ, với tay đun bếp cùng bà.

Thuở bé thơ, hai chị em tớ thường dành nhau chải tóc cho bà. Tóc bà dài, lốm đốm sợi bạc, thoảng mùi sả thơm… Tớ nhớ khôn nguôi mùi hương ấm nồng làm cay sống mũi ấy. Lúc nhỏ, tớ là đứa trẻ hậu đậu, vụng về nhưng bà chẳng bao giờ mắng tớ. Bà dạy tớ mọi thứ, cẩn trọng , rõ ràng như người ta truyền cho nhau kinh nghiệm đã được chắt chiu cả một đời.

Thuở ấy, mỗi lúc đông về, bà thường nhắc tớ mặc áo cho thật ấm, vậy mà giờ đây bà nằm một mình trong lòng đất lạnh ,trống trải và cô đơn… Tớ yêu bà, gắn bó bên bà cả một thời thơ bé. Tâm hồn tớ trong trẻo hơn, trái tim hiểu thế nào là nhân ái từ sự dạy dỗ của bà, từ những câu chuyện cổ tích mà bà đã kể. Bây giờ tớ đã lớn khôn. Đông về biết tự mặc áo ấm, làm việc nhà không còn hậu đậu vụng về, bà tớ lại chẳng còn có dịp nhìn thấy thành quả của mình được nữa.

Trong lòng tớ lúc ấy, không hiểu sao dâng lên một niềm xúc động khó tả, tớ nhớ lại bọn mình cũng từng đến nhà nhau vào mỗi dịp lễ giỗ. Bà tớ cũng rất quý cậu và căn dặn tớ phải biết trân trọng những người bạn của mình. Ánh mặt trời đã ngả về tây, những đám mây ánh hồng như những hòn than sắp tàn, bóng tối đã bắt đầu xuất hiện, phủ lên khắp không gian trước mặt tớ một màu sẫm đen.

Chiều muộn, tớ ra về mà lòng nặng trĩu. Bởi giờ đây, mỗi chúng ta ai cũng đã khôn lớn trưởng thành. Tớ hi vọng, đến một ngày gần nhất, sẽ lại được cùng cậu đi trên con đường mà mình đã từng đi… Nhận được lá thư tớ gửi, cậu nhớ hồi thư lại cho tớ nhé!

Tùng lưu bút! Thân ái.

Tưởng Tượng Sau 20 Năm Nữa Em Về Thăm Quê – Mẫu 3

Chuyến bay hãng hàng không Vietnam Airlines mang số hiệu 345BN sắp hạ cánh…” giọng nói ấm áp của cô tiếp viên hàng không vang lên. Tôi liền bừng tỉnh giấc, vậy là sau hơn 20 năm xa cách, hôm nay tôi đã về Việt Nam, về cho thỏa những nhớ mong da diết của người đã chờ đợi tôi suốt 20 năm qua, tôi sẽ về với vòng tay ấm của bà tôi.

Kết thúc mọi thủ tục hải quan, tôi nhanh chóng ra phía ngoài để gọi taxi về nhà. Ngồi trên xe, tôi nhớ lại ngày sắp rời Việt Nam. Hồi ấy, công ty của bố tôi mở thêm một chi nhánh liên doanh với một tập đoàn lớn của Nga, bố tôi được nhận nhiệm vụ công tác ở đó 7 năm. Bố mẹ tôi đã bàn bạc và quyết định cả gia đình sẽ chuyển đi cùng bố, nhưng bà tôi một mực không đồng ý đi. Bà tôi bảo, bà sẽ ở lại Việt Nam bố mẹ tôi cứ yên tâm công tác và lo việc học cho tôi. Bố mẹ tôi đồng ý đưa bà đến nhà chú út, rồi cả nhà tôi mới sắp xếp công việc để sang Nga.

Ngày tiễn tôi lên máy bay, tôi biết mình đã bỏ lại sau lưng một miền nhớ thương da diết, là ánh mắt bà tôi cứ thẫn thờ đang dõi theo bóng dáng của tôi. Và giờ đây sau 20 năm xa cách, tôi đã trở về Việt Nam, về với bà nội của tôi. Tôi lặng người vì thời gian ấy sao mà trôi qua nhanh đến thế. Tôi đã thay đổi, còn bà nội tôi thì sao? Bà còn khỏe như ngày xưa không? Mắt bà có sáng để nhận ra tôi không? Tôi tự đặt ra cho mình cả ngàn câu hỏi như thế. Và tôi chưa kịp nghĩ câu trả lời cho mình, thì chiếc xe taxi đã dừng trước cửa.

Tôi nhìn xung quanh, tất cả mọi thứ đều xa lạ, nhưng tôi chắc địa chỉ nhà tôi thì không có gì thay đổi. Tôi ấn chuông và chờ một lúc mới có người ra mở cửa. Cánh cửa từ từ mở ra, hình bóng quen thuộc đang xuất hiện trước mắt tôi đây rồi, bà nội tôi. Tôi nghẹn ngào, buông thõng vali xuống rồi tôi ôm chầm lấy bà, nức nở: “Bà ơi Cháu về với bà rồi đây, thằng Phong của bà đây”. Bà tôi xoa đầu tôi, âu yếm nói : “Cho bà nhìn lại thằng cháu của bà nào”.

Tôi quay ra nhìn bà, những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt đầy nếp nhăn của bà, tôi biết bà tôi đã nhớ tôi nhiều lắm. Rồi bà nói trong hàng lệ: “Ừ, lớn tướng rồi đây nhỉ, giống hệt bố mày ngày xưa”. Tôi lặng lẽ nhìn bà, mái đầu bạc trắng, đôi chân chậm chạp hơn ngày xưa, tôi thấy bà đã già đi nhiều lắm. Nhưng trong ánh mắt bà tôi vẫn thấy ánh nhìn trìu mến, yêu thương bà dành cho tôi. Vậy là sau 20 năm, thì nỗi nhớ mong của tháng ngày dài xa cách với tôi cũng được thỏa lòng.

Tôi dắt bà vào trong nhà, bà vẫn nắm chặt tay tôi như muốn giữ tôi mãi bên mình. Tôi nói với bà, lần này trở về Việt Nam tôi sẽ ở lại làm việc để được ở gần bà, nghe tôi nói thế bà tôi vui lắm, nụ cười hạnh phúc của bà làm cho tôi ấm lòng hơn. Tôi kể cho bà nghe về những mùa đông tuyết trắng của Nga, rồi trường học, bạn bè, công việc của tôi, về những năm đầu khi bố tôi trở lại Việt Nam, tôi một mình trên đất nước xa xôi. Bà tôi lặng lẽ đi đến bên chiếc ngăn kéo lấy ra một chiếc hộp nhỏ cho tôi. Tôi mở ra, bên trong là 20 túi lì xì nhỏ nhắn mà bà đã để dành cho tôi vào mỗi dịp Tết.

Vậy là trong 20 năm tôi đi, một phần kí ức của bà vẫn luôn có tôi bên cạnh. Chao ôi! Tôi thấy có những thứ hạnh phúc dù nhỏ nhưng cũng đủ làm người ta ấm lòng khi xa cách nhau. Nhưng có lẽ bây giờ tôi đang hạnh phúc hơn thế bởi vì tôi đã trở về bên bà. Trở về bên bà sau 20 năm xa cách, tôi thấy yêu bà tôi nhiều hơn.

Cuộc gặp gỡ sau 20 năm xa quê như làm tôi thấy thấm thía hơn tình cảm của bà tôi, một sự trìu mến, bao bọc của bà với tôi. Tôi mong rằng, trong những ngày tháng sau này khi tôi ở lại Việt Nam bà tôi sẽ sống thật vui vẻ, hạnh phúc bên tôi.

Tưởng Tượng Sau 20 Năm Nữa Em Về Thăm Quê Văn Mẫu Hay – Mẫu 4

Sau gần 20 năm xa quê, cuối cùng ,em đã có dịp trở về quê hương thăm lại nơi bạn bè cũng như người thân. Và cũng qua dịp này ,em đã được đi và chứng kiến nhiều cảnh đẹp ở quê mình và nổi bật trong số đó chính là bãi biển Hoành Sơn

Đó là một bãi biển tuyệt đẹp nằm ở nơi cuối cùng của tỉnh Hà Tĩnh và là nơi tiếp giáp với tỉnh Quảng Bình. Bãi biển Hoành Sơn được dãy núi bao bọc che chở nên kín đáo và lặng gió, nước biển trong xanh ngắt một màu. Khi ở nơi đây, trong lòng của em lại dậy lên một loại cảm giác đầy sức sống và tươi mới. Ở nơi đây thừa hưởng cả về phong cảnh của núi rừng và biển. Làm cho người xem cảm thấy như đang được hòa mình với thiên nhiên và trở về một nơi đặc biệt.

Nhìn từ bãi biển, ở phía xa xa ta có thể nhìn thấy một dãy núi dài dằng dặc kéo tận ra biển Đông – Đó chính là dãy núi Hoành Sơn. Khi nhìn bãi biển vào buổi sáng, ta sẽ thấp thoáng bóng dáng của những người ngư dân ra đánh bắt cá. Đồng thời là cả những tia nắng ban mai lấp loáng trên mặt biển. Bởi vì bãi biển này còn khá là nhỏ nên hoàn toàn không có các khu du lịch được xây dựng ở đây tạo nên cho em cảm giác hùng vĩ mà lại hoang sơ cũng như ấn tượng hơn về những vẻ đẹp thiên nhiên vốn có của nó mà không chịu tác động của con người.

Làm cho em cảm thấy như được hòa mình cùng với thiên nhiên. Đến xế chiều, khung cảnh trở nên yên ắng và bình dị đến lạ kì. Không còn những tiếng cười nói rôm rả của ngư dân cũng chẳng còn tiếng reo hò khi bắt được mẻ cá lớn nữa. Dường như tất cả thế giới đều ngưng hoạt động chỉ có tiếng gió thổi rào rạt như muốn xua tan đi mọi nỗi phiền lo trong lòng của tất cả mọi người .Tất cả đều chìm trong im lặng mà khi nhìn vẻ đẹp toàn cảnh của bãi biển lúc xế chiều ,trong lòng em mới thẫm đẫm được sự bình yên giản dị ở nơi đây.

Cùng là một cảnh đẹp nơi ấy. Cùng là vị trí ấy, nhưng theo thời gian ,theo những hoạt động của con người và cả ông mặt trời đang chiếu rọi trên kia. Bãi biển Hoành Sơn lại mỗi lúc đẹp một vẻ mà không lẫn đi đâu được. Nhưng sự yên bình, thanh thản khi nhìn khung cảnh đẹp như tranh vẽ của nơi đây, thì quả thật có thể cảm nhận sâu sắc được nét hoang vu và đẹp diệu kì của tự nhiên và cuộc sống thanh bình vô ưu của người dân nơi đây.

Bước chân lên chuyến tàu dẫn em về nhà, cả tâm trí của em vẫn luôn gần gũi về nơi đây, nghĩ về bầu trời trong xanh cùng những đám mây bồng bềnh tựa như bông gòn đang trôi dần theo thời gian, những cánh chim bay lượn quanh bầu trời vô định hay cả những cánh buồm của những ngư dân ra khơi kia. Tất cả đều tạo cho em những kí ức tuyệt đẹp.

Được ngắm nhìn vẻ đẹp theo thời gian trong cả một ngày đi bãi biển Hoành Sơn. Bỗng dưng, lòng em lại trào dâng cảm giác tự hào, tự hào về quê hương mình lại có một cảnh đẹp như vậy, tự hào về nét bình yên và giản dị của những người dân quê nơi đây. Và chắc chắn rằng em sẽ trở lại nơi đây và ngắm nhìn kỹ hơn nữa, nơi xinh đẹp và bình yên này, trở về quê hương của mình.

Tưởng Tượng Sau 20 Năm Nữa Em Về Thăm Quê  – Mẫu 5

Cuộc sống bận rộn với công việc, quay cuồng trong đống bộn bề hàng ngày nên tôi không có thời gian về thăm quê. Lần này nhân một dịp cúng giỗ ở quê, tôi sắp xếp công việc để thăm lại quê cũ. Sau nửa ngày đi tàu và mấy tiếng đi ôtô, quê nội đã hiện ra trước mắt tôi. Đó là một vùng đất trung du có những quả đồi lúp xúp và những rừng cọ có tán xoè rộng như những chiếc ô che đầu.

Nhà nội tôi nằm nép ở chân đồi, muốn vào nhà phải đi trên một cây cầu tre bắc qua một con suối nhỏ. Nhà nội tôi không nhiều tầng như những ngôi nhà ở thành phố mà chỉ là ngôi nhà ngói năm gian, có rất nhiều cửa sổ và xung quanh là vườn cây xanh tốt, đằng trước là vườn rau đủ loại. Tất cả đều được phủ lên bằng một màu xanh mát. Bởi vậy cảm giác đầu tiên khi đặt chân lên nhà nội là một cảm giác mát mẻ thanh bình của một miền quê vùng trung du.

Từ nhà nội nhìn ra phía trước, tôi lại thấy những quả đồi thấp, ở đó có một màu xanh của cây cỏ, và xen lẫn là những thân cọ khẳng khiu cao vút. Buổi chiều, khi ông mặt trời sắp lặn, tôi nghe văng vẳng tiếng mõ của đàn bò no nê trở về, đâu đó còn có tiếng reo hò của lũ trẻ chăn trâu. Trên không trung từng đàn chim ùa bay qua. Buổi chiều ở quê nội thật đẹp và yên bình, tôi ước ao được cùng các bạn nhỏ nơi này dạo chơi ở trên những quả đồi, trên những cánh đồng xanh mát.

Sau một ngày đi đường vất vả mệt nhọc, tôi ngủ thiếp đi trong lòng nội. Đang trong giấc ngủ ngon lành, tôi bỗng nghe thấy tiếng chim hót líu lo như cất lên ngay cạnh nơi tôi ngủ, tôi choàng tỉnh giấc và mải mê nghe, tiếng chim hót nghe trong trẻo, lảng lót như một điệu nhạc cất lên chào buổi sáng. Ngoài sân tiếng mẹ con nhà gà mái cũng lục tục gọi nhau đi kiếm ăn, hai chú cún con đùa rỡn nhau trên sân. Ôi, buổi sáng ở đây thật tuyệt vời.

Tôi chạy ra sân ngắm nhìn cảnh vật, ông mặt trời đã hé mắt nhìn ở phía đằng đông, cây chuối trong vườn đung đưa trong gió, ngoài ao đàn cá tung tăng bơi lội, thỉnh thoảng lại chạy ào xuống đáy ao như chơi chốn tìm. Bữa sáng ở quê được dọn ra thật đơn giản chỉ có khoai lang luộc. Bà biết tôi thích món này nên đã chuẩn bị từ trước, củ khoai của quê nội tôi không to nhưng lại rất bở và ngọt. Tôi thích thú ăn đến no bụng.

Ăn sáng xong hai bà cháu dẫn tôi lên nương hái chè, quê bà tôi chè được xem là món đặc trưng nhất. Quả đồi thoai thoải nằm ngay sau nhà của nội tôi và được trải lên một màu xanh mướt của những búp chè non. Nội tôi tuy đã già nhưng hai tay vẫn thoăn thoắt hái chè. Hai bà cháu vừa làm vừa chuyện trò vui vẻ, cười vang khắp quả đồi.

Đến gần trưa, khi ông mặt trời bắt đầu toả ánh nắng lên khắp nương chè cũng là lúc bà cháu tôi trở về nhà. Bóng bà như cùng nghiêng nghiêng theo bóng nắng, tôi thấy thương bà quá, bà đã già rồi mà vẫn còn vất vả. Bà mủm mỉm cười: Bà vất vả quen rồi, làm lụng cũng giúp con người ta khoẻ mạnh hơn đấy cháu ạ. Buổi chiều, khi cái nắng hè đã dìu dịu, tôi ra cổng đứng trên cầu thả hồn theo dòng nước trong veo, trong đến nỗi tôi có thể nhìn thấy cả sỏi và cát ở dưới đáy. Thỉnh thoảng có đàn cá lững lờ bơi và chỉ nghe thấy một tiếng động nhỏ là tất cả lại biến mất.

Chỉ sau mấy ngày ở quê nội tôi đã có thêm rất nhiều bạn, những người bạn chân chất thật thà và họ rất quý tôi. Họ thường rủ tôi đi chơi, giới thiệu cho tôi nghe những thứ đặc trưng của vùng thôn quê. Và thú nhất là vào buổi trưa, chúng tôi lại leo lên đồi cọ, ở đó cái nắng nóng đâu chẳng thấy mà chỉ thấy gió mát và bóng râm. Chúng tôi ngồi dưới tán cọ, nghe gió thổi xào xạc trên những tàu lá cọ, cả rừng cọ đung đưa theo nhịp gió, nghe như bản nhạc của đồng quê. Giữa không gian thanh bình ấy tôi thấy mình như lạc đến một nơi nào xa lắm. Quê nội tôi thật đẹp phải không các bạn!

Thời gian thấm thoắt trôi đi, đã đến lúc tôi phải rời quê nội trở về thành phố. Ngày chia tay, bà nội nhìn tôi rơm rớm nước mắt, bà chúc tôi học giỏi để sang năm lại về thăm bà. Các bạn trong xóm cũng đến tạm biệt tôi. Bước lên xe, lòng tôi đầy tiếc nuối, quê nội cứ khuất dần ở phía sau. Trong tôi, quê nội thật gần gũi và thân thương đến lạ thường.

Tưởng Tượng Sau 20 Năm Nữa Em Về Thăm Quê Ngắn Gọn – Mẫu 6

Quê tôi thuộc một vùng đồng bằng chiêm trũng miền Trung nơi có nắng lắm mưa nhiều lụt lội triền miên, quanh năm đói khổ, thiếu ăn thiếu mặc. Vậy mà giờ đây, sau 20 năm trở về lại thăm quê, cuộc sống nơi làng quê tôi đã khởi sắc thay da đổi thịt trên nhiều lĩnh vực.

Tôi còn nhớ ngày xưa, ngôi trường mà chúng tôi học là một dãy nhà tranh vách đất ọp ẹp, bàn ghế cũ nát. Thế mà giờ đây, cũng tại địa điểm ngôi trường cũ, hai dãy nhà lầu ba tầng được xây dựng theo chữ L mọc lên khang trang, nổi bật. Bàn ghế hai chỗ ngồi bóng loáng còn thơm mùi vẹc-ni thay thế cho kiểu bàn năm chỗ ngồi. Sân trường được tráng xi măng phẳng lì với những hàng cây bạch đàn, phượng vĩ xanh mát.

Hai bên đường trước dãy là những ngôi nhà mái tranh vách đất, cứ lúc mưa là lại bị dột. Ngày ấy cũng chưa có điện, cứ đến chập tối là thắp đèn dầu và đóng cửa ở trong nhà, ngại sang nhà hàng xóm chơi vì trời tối quá. Thế mà giờ đây hai bên đường san sát những ngôi nhà hai tầng mọc lên. Đèn điện được thắp sáng trưng. Niềm hạnh phúc cứ thế cứ trào dâng trong tôi khi người dân quê hương mình có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Tôi yêu làng quê mình lắm. Bởi cuộc sống quê hương tôi giờ đây không thua kém gì thành thị mà tôi thấy trên tivi. Những gì mà tôi kể ra đây chỉ là một phần rất nhỏ trong sự đổi mới của quê hương tôi.

Tưởng Tượng Sau 20 Năm Nữa Em Về Thăm Quê Hay Nhất – Mẫu 7

“Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học
Còn về rợp bóng vàng bay”

Mới ngày nào đó mà tôi đã xa quê được gần 20 năm rồi, hồi đó còn nhỏ, tôi cũng chẳng có quá nhiều ấn tượng về quê mình. Tôi theo ba mẹ sang nước ngoài lập nghiệp và sinh sống. 20 năm ròng tôi chưa có cơ hội về quê vì kinh tế gia đình chưa ổn định. Năm nay, cả gia đình quyết định về quê đón tết cùng ông bà.

Hôm đó, sau khi chuẩn bị quà bánh cho bà con ở quê, chúng tôi lên xe về quê. Trên đường về, tâm trạng nao nức và chờ đợi khôn tả. Gần tới quê hương mình, tôi bất ngờ với sự thay đổi của quê hương. Trong đầu óc non nớt của tôi hồi ấy là những con đường gập ghềnh sỏi, có những ổ gà, ổ voi to đùng, vậy mà giờ đã đổi khác. Thay thế vào đó là những con đường được đổ bê tông, rộng và thẳng tắp.

Cận ngày tết nên con đường được treo cờ quốc kỳ đỏ rực. Những ngôi nhà của thôn xóm dần mọc lên đầy khẳng trang. Dù có nhiều thay đổi nhưng hồn quê vẫn vậy. Vẫn là những cánh đồng xa tít tắp xanh xanh, bóng từng đàn cò trắng chao nghiêng thật thanh bình. Những chú bê con theo bò mẹ thong thả gặm chồi non của cỏ cây trên sườn đê, ánh mặt trời dần buông xuống tạo nên khung cảnh chiều hoàng hôn trên quê hương thật thanh bình.

Tới nhà ngoại, chúng tôi được mọi người ra chào đón thật nồng nhiệt, ai cũng mừng tủi, hạnh phúc vỡ oà khi được gặp lại nhau. Bóng ngoại đã già và gầy đi rất nhiều khiến tôi thương vô cùng, mái tóc ngoại bạc đã hơn phân nửa, đôi bàn tay nhăn nheo bởi tuổi giả. Hình ảnh ngoại lúc ấy khiến tôi xúc động vô cùng. Ngoại nhìn tôi rồi bảo: ” Nhanh hén, mới ngày mô răng nhỏ tí mà chừ cái Lan nó lớn đến như ri rồi hè”. Rồi mọi người vào chuẩn bị bữa ăn cho bữa tiệc gặp mặt tối này, ai cũng phấn khởi hỏi thăm nhau công việc, cuộc sống thời gian qua. Sau khi bữa tiệc kết thúc, mẹ gửi mọi người những món quà nhỏ của người xa quê trở về.

Vì đi xe mệt nên tôi đi ngủ khá sớm, tôi được nằm cùng với ngoại. Được nằm trong vòng tay và sự ấm áp của ngoại tôi thấy hạnh phúc lắm. Lâu lắm rồi mới được nghe lại giọng ngoại, được nghe những câu chuyện kể ngày xưa và được nằm trên chiếc giường chiếu cói năm nào. Thời gian dẫu có đổi thay thì tình người vẫn còn đó, vẫn ở lại mãi bên ta mà thôi.

Buổi sáng ngày hôm sau, tôi được cùng bà mẹ dạo quanh xóm, bầu không khí thật trong lành khác xa với những khói bụi thị thành. Mỗi vườn nhà đều có những khoảnh rau xanh ngát được tạo nên từ bàn tay chăm sóc của người nông dân. Sương đọng trên nhành lá cùng tiếng chim hót chào ngày mới khiến khung cảnh càng thì vị vô cùng. Một vài cô bác đã dậy đi chợ tết từ sớm, tranh thủ bán mớ rau, bó hoa kiếm ít tiền để tiêu tết. Chợ quê thì lúc nào cũng đông vui, kẻ mua người bán tấp nập, gần tết nên nhiều mặt hàng được bày bán, nhiều nhất có lẽ là bánh kẹo và áo quần trẻ em.

Thế đấy, một chuyến về quê của tôi thật vui vẻ và đầm ấm. Xa quê mà lòng tôi tiếc nuối vô cùng, ước gì có thêm nhiều thời gian nữa để được lại quê hương mình.

Tưởng Tượng Sau 20 Năm Nữa Em Về Thăm Quê Ngắn Hay – Mẫu 8

Sau 20 năm học tập và công tác tại nước ngoài, hôm nay tôi mới có dịp trở về quê hương thân yêu nơi chôn rau cắt rốn của mình. Một cái gì đó nghẹn ngào trong sóng mắt, một chút bâng khuâng của một cái tôi vừa trở về từ phương Tây đến với phương Đông truyền thống ngọt ngào, sâu lắng của quê hương. Trong người tôi như bị hòa quyện bới cổ điển và hiện đại, Đông và Tây. Quê hương sau những chặng đường đổi mới hiện lên thật đẹp và văn minh.

Chiếc xe của tôi dần tiến về phía cổng làng. Đình làng trước kia với mái ngói rêu xanh, những cây đa cổ thụ làm bóng mát cho người nông dân nghỉ ngơi thì giờ đã được tu bổ lại, khang trang và rộng rãi hơn. Những màu sơn sặc sỡ đã mang đến cho bức tranh quê hương một diện mạo mới.

Tôi xuống xe và đi dạo. Hai bên đường là những hàng bạch đàn, phi lao xanh rì, đứng lặng trong gió như đang thì thầm cùng nhau. Những con đường bê tông trắng, phẳng lì như những dải lụa nối đuôi nhau giúp giao thông thuận tiện hơn chứ không còn là những con đường gồ ghề như trước nữa. Ngắm nhìn những mái nhà tầng mọc lên san sát, có lẽ cuộc sống của người dân nơi đây đã được cải thiện rất nhiều.

Gặp các bác nông dân, tôi cất tiếng chào. Có lẽ cũng nhiều năm chưa về quê, nên tôi thay đổi và mọi người không nhận ra cô bé năm nào nữa. Chỉ có điều, có một thứ vẫn không thay đổi đó là tình quê, cái chân chất, mộc mạc và bình dị của những con người quê hương vẫn thế. Cái hồn quê, một miền yên bình và thanh tươi vẫn chảy vào tâm hồn tôi như ngày nào. Vẫn giọng quê ấy, con người ấy. Có thể học trở nên năng động nhanh nhẹn hơn, điều ấy cũng dễ hiểu thôi vì trước nhịp sống sôi động của thời đại họ cũng cần thích ứng để hòa nhập, cùng đưa đất nước đi lên.

Những công trình như nhà máy, công ty, xí nghiệp của các ngành công nghiệp nhẹ được dựng lên khá nhiều. Điều này vừa góp phần đổi mới quê hương, cũng góp phần dần kích thích nền nông nghiệp nước ta chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp để sánh vai với các cường quốc năm châu. Người nông dân cũng có thêm cơ hội để có được việc làm, gia tăng thu nhập.

Cuộc sống mới của người dân nơi đây thật khiến tôi hạnh phúc. Họ đã lớn lên cùng với những lũy tre, cánh đồng, cánh diều và những mái nhà tranh như tôi nay được ánh sáng của Đảng giác ngộ, tiền đề xây dựng thời kì kinh tế xã hội chủ nghĩa, quả là đáng quý. Dân tộc ta sẽ bước sang một trang mới hơn từ những sự đổi thay nhỏ này. Người nông dân cũng trở thành những con người thời đại, năng động, tích cực trong việc phát triển kinh tế đất nước, còn gì vui cho bằng một dân tộc cùng đoàn kết phát triển.

Tưởng Tượng Sau 20 Năm Nữa Em Về Thăm Quê Chọn Lọc – Mẫu 9

Quê hương! Hai tiếng ấy cất lên thật thiêng liêng trong lòng mỗi con người. Quả đúng như vậy, hình bóng quê hương yêu dấu thanh bình, yên ả đã hằn sâu vào kí ức tuổi thơ tôi. Sau 20 năm lớn khôn trưởng thành, vào một dịp về thăm quê cùng với gia đình nhỏ của mình, tôi càng thấy quê hương mình có nhiều vẻ đẹp. Nhưng có lẽ thích nhất là được ngắm nhìn phong cảnh quê tôi vào những buổi sáng mùa xuân đẹp trời.

Khi tiếng gà gáy râm ran vang vọng khắp xóm làng như xé tan bầu không khí yên tĩnh của buổi sớm mai, gọi mọi vật tỉnh giấc sau một đêm dài yên lặng. Làn sương mùa xuân mỏng manh như tấm khăn voan khổng lồ bao trùm khắp không gian. Gió vẫn nhè nhẹ thổi. Những ngôi sao trên bầu trời thức dậy muộn hối hả chạy trốn. Từ trong các bếp ánh lửa bập bùng, ngọn khói lan xa. Đâu đó tiếng chó sủa văng vẳng, tiếng vo gạo sàn sạt, tiếng xoong nồi va vào nhau loảng xoảng vọng ra từ các gia đình. Tiếng gọi nhau dậy đi học, đi làm í ới.

Tôi cũng đã trở dậy ăn sáng rồi đi dạo trên con đường đất quanh co. Vừa bước chân ra đến đầu làng tôi đã thấy một bầu không khí trong lành và dễ chịu. Chao ôi! Tiết trời mùa xuân thật là đẹp từ phía đằng đông ông mặt trời từ từ nhô lên chiếu muôn vàn ánh hào quang xuống trần gian.

Từ trong vòm cây vải, cây nhãn trong vườn nhà ông Tư đầu làng những anh chích choè đang luyện giọng hoà cùng muôn điệu tiếng chim khác tấu lên khúc nhạc không lời chào bình minh tươi đẹp. Tôi khoan khoái dạo bước trên con đường đất đỏ nhìn các em học sinh áo trắng đến trường. Trên đường tấp nập, nhộn nhịp những bước chân, tiếng trò chuyện của người đi làm, đi chợ, tiếng các em học sinh cười nói vui vẻ, ríu ran…

Phóng tầm mắt ra xa nhìn cánh đồng quê hương trong buổi ban mai mới thấy sức sống mùa xuân đang dâng trào mãnh liệt. Cánh đồng lúa mượt mà như một tấm thảm bằng nhung xanh trải dài xa tít. Nắng sớm dìu dịu, làn gió mơn man làm cho cánh đồng hệt như một bức tranh thêu của một nghệ nhân khéo léo. Những giọt sương mai còn đọng trên lá cây ngọn cỏ láp lánh. Một đàn cò trắng bay ngang rồi đậu xuống một bờ cỏ xanh mượt. Hương lúa nồng nàn lan toả theo chiều gió, sóng lúa nhấp nhô, rì rào.

Xa xa là dòng sông quê hương hiền hoà chảy. Sông tốt bụng lắm, xin bao nhiêu nước cũng cho. Hai bên bờ những bãi dâu, vườn chuối xanh um. Vài con thuyền chầm chậm xuôi dòng. Tiếng máy hút cát trên thuyền xình xịch vang động mặt sông. Trên triền đê mấy chú bò thung thăng gặm cỏ. Luỹ tre ven đê vẫn đu mình trong gió, xanh biếc một màu xanh quê hương. Mặt trời đã lên cao, nắng vàng lan toả khắp muôn nơi.

Quê hương thật thân quen giản dị. Quê hương đã lưu giữ bao kỉ niệm êm đềm ngày thơ ấu. Dù có đi đâu xa, tôi cũng chẳng thể nào quên được vẻ đẹp của quê mình vào những buổi sáng mùa xuân đẹp trời. Bởi đó là những gì thiêng liêng thơ mộng nhất của tuổi thơ tôi.

Tưởng Tượng Sau 20 Năm Nữa Em Về Thăm Quê Đạt Điểm Cao – Mẫu 10

Quê hương là nơi chôn rau cắt rốn, là nơi đây gắn bó với tuổi thơ êm đềm của tôi. Giờ đây, sau 20 năm trở về, ngắm nhìn quê tôi đang thay da đổi thịt, lòng tôi lại xốn xang và tự hào.

Tôi làm sao có thể quên được, con đường làng đã từng dẫn tôi tới trường nhỏ nhắn, chạy ngoằn ngoèo qua các rặng cây tốt um. Nếu trước đây nó là con đường đất đỏ, gồ ghề hay xuất hiện những ổ gà. Mùa nắng, đoạn đường ấy bụi bay mù mịt khi có một làn gió thổi qua, còn mùa mưa, con đường lầy lội hơn, đất níu mãi bước chân người dân quê tôi.

Vậy mà giờ đây, tôi không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến con đường được trải bê tông bằng phẳng. Con đường chạy thẳng tắp tạo nên không ít thuận lợi cho cuộc sống sinh hoạt. Những ngả đường, bờ mương, bờ ruộng được chính quyền lên kế hoạch “ bê tông hóa”. Cánh cò trắng vẫn sải rộng đôi cánh trên triền cỏ, những cánh đồng xanh trải dài tít tắp và có khi tần ngần đáp trên mảnh ruộng. Phải chăng chúng cũng ngạc nhiên trước sự đổi mới của quê tôi?

Giờ đây, dãy nhà cao tầng đồ sộ mọc lên san sát nhau đan xen những vườn cây xanh tốt trông chẳng khác nào một thiên đường thay thế những mái rạ, nhà cấp bốn xiêu vẹo. Cột điện mọc lên thẳng tắp như hàng ngũ chú lính chì oai nghiêm, mang lại ánh sáng văn minh thế chỗ ngọn đèn dầu lay lắt, chập chờn. Dọc con đường xuất hiện nhiều cửa hàng tiện lợi như nấm tạo nên không khí của cuộc sống hiện đại. Đồ gia dụng cho tới thực phẩm được kiểm duyệt hơn, tiện nghi hơn xưa.

Trẻ em trong làng đã có một khu giải trí riêng, tiếng cười nói giòn tan, vô tư như ngày nào hòa trong tiếng hót thánh thót của mấy chú chim sẻ. Những công trình công cộng được nhà nước chú tâm hơn. Mạch ống chạy nhầm dưới các con đường để dẫn nước thải tới nơi xử lý, bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp. Ngôi trường huyện được kiến thiết khang trang và trang bị nhiều thiết bị hữu ích cho công cuộc giảng dạy như bàn ghế ngay ngắn, máy chiếu và máy tính.

Cuộc sống nông nghiệp phần nào bớt nặng nhọc hơn bởi máy móc được đưa vào sử dụng giúp tăng năng suất lao động, công nghiệp hóa nền nông nghiệp mang lại nguồn lợi lớn cho nông sản. Nhiều hàng hóa của quê tôi xuất khẩu trên thị trường quốc gia và thế giới như vải thiều, cam, nhãn nhờ quy trình chế biến tiên tiến.

Chất lượng cuộc sống người dân quê tôi được cải thiện rõ rệt, lượng người thất nghiệp giảm và lượng người lao động qua đào tạo tăng lên nhanh chóng. Điều đó góp phần thúc đẩy trong công cuộc xây dựng đất nước phát triển bền vững. Nhịp sống của thời đại đã thổi vào quê hương tôi, tạo nên những nhảy vọt trong lao động sản xuất và đời sống tinh thần. Nhưng có những điều vẫn vẹn nguyên, đó tình người thắm thiết, tình quê sâu đậm.

Ngắm nhìn quê hương đổi thay, lòng tôi rạo rực niềm vui sướng, nó mở ra tương lai tươi đẹp, rạng ngời phía trước của người dân quê tôi.

Tưởng Tượng Sau 20 Năm Nữa Em Về Thăm Quê Đặc Sắc – Mẫu 11

Quê hương thiêng liêng, nơi cho ta những tấm lòng và tình yêu thương chân thật, luôn níu giữ những mảnh kí ức riêng tươi đẹp tuổi thơ tôi. Giờ đây, khi đã lớn khôn, sau 20 năm xa cách, lần về thăm quê này được chứng kiến những sự đổi mới của quê hương thật khiến tôi bồi hồi xúc động, khôn kìm nén nỗi niềm tự hào, hạnh phúc.

Một niềm cảm xúc xốn xang khó tả trong lòng tôi. Những ngày xưa ùa về, hòa lẫn những gì ở hiện tại. Nếu ngày xưa, con đường quê chỉ là những dải đất nâu, mùa mưa thì lầy lội, trơn trượt còn mùa nắng cát bụi mù mịt thì giờ đây tất cả đã được khoác lên mình tấm áo mới bằng bê tông phẳng lì, trơn nhẵn. Những bước đi thênh thang, những con đường nối dài trên mọi nẻo đường, giao thông của bà con cũng thuận tiện hơn rất nhiều. Rồi có cả những mái nhà cao tầng mọc lên san sát nhau, trông như một tòa cung điện tráng lệ thay cho những mái tranh, mái nứa siêu vẹo.

Điện đã về đến làng từ lâu, trước kia chỉ có đèn dầu, giờ thì đèn điện sáng trưng, mọi hoạt động của sự sống, của cuộc sống sinh hoạt đều được văn minh, tiến bộ hơn nhiều. Trong gia đình, mỗi nhà đều có những thiết bị điện, những dụng cụ tiện ích như ti vi, tủ lạnh, quạt, máy sấy, máy giặt, điều hòa. Chất lượng cuộc sống được cải thiện rõ rệt, phần nào giúp hình ảnh đất nước phát triển hơn rất nhiều.

Ngoài ra, cũng có những công trình được xây mới và tu bổ lại. Những nhà máy may, công ty, xí nghiệp liên doanh trong nước và nước ngoài đầu tư, đã đem lại nguồn lao động, cung cấp việc làm cho rất nhiều người dân. Nhờ vậy, người nông dân không chỉ quanh năm gắn bó với ruộng đồng giờ cũng gia nhập vào các công ty để tăng thêm thu nhập.

Dường như, trong luồng ảnh hưởng của nước bạn, trong nhịp sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa họ đã thích nghi và trở nên nhanh nhạy, năng động hơn trước nhịp sống thời đại. Những mái đình, mái chùa được tu bổ lại càng đẹp lộng lẫy, đời sống tinh thần của người dân cũng phong phú, sôi nổi hơn vào các dịp tế, lễ, ngày hội hè. Đó là những sắc màu rực rỡ mà tôi đã chứng kiến tại quê hương tôi.

Quê hương ngày càng đổi mới, báo hiệu những chặng đường phát triển mới của dân tộc. Tôi mong rằng, mình sẽ học tập thật tốt để góp sức vào công cuộc đổi mới, làm giàu đẹp văn minh quê hương mình hơn.

Bài Văn Ngắn Tưởng Tượng Sau 20 Năm Nữa Em Về Thăm Quê – Mẫu 12

Sau 20 năm xa cách trở về, quê hương tôi giờ đây đã thay da đổi thịt rất nhiều. Giờ đây, quanh cảnh đã dần trở nên mới mẻ, đẹp đẽ khác hẳn những ngày xưa.

Quê hương tôi thực hiện công tác đổi mới theo chuẩn bị của hợp tác xã, thay đổi toàn bộ những con đường đất bằng con đường bê tông mới toanh. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi thấy quê hương mình ngày một phát triển, trù phú hơn. con đường nhỏ ngày xưa, giờ đã được rải nhựa phẳng lì, chẳng còn lo nắng lo mưa đường khó đi, trước đường nhỏ hai xe tránh nhau còn khó, giờ xe cộ đi lại nườm nượp chẳng lo tránh nhau như trước.

Trước kia, nhà nào nhà ấy lụp xụp, ngày mưa lo dột ướt nhà, nay nhà nào nhà ấy kiên cố khang trang, chẳng còn phải lo mưa nắng như trước. Rồi các nhà máy xí nghiệp dược dựng lên, người dân chẳng còn phải lo việc làm, kinh tế quê hương lại càng phát triển. Hai bên đường cây xanh đã ngả bóng rợp, ven đường là những đám hoa mười giờ, khiến phong cảnh dần trở thơ mộng hơn bao giờ hết.

Cánh đồng dần được quy hoạch rõ ràng, những cánh đồng gieo trồng dần trở nên màu mỡ, diện tích đất dần được mở rộng hơn. Quê hương ngày một trù phú, người dân lại càng ấm no, Tôi cảm thấy tự hào khi là một phần tử của quê hương và tôi biết mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để xây dựng quê hương phát triển hơn nữa.

Nhìn ngắm quê hương đổi mới, tôi càng thêm biết ơn sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, giúp cho một địa phương thuần nông nay đã trở nên khang trang, giàu đẹp hơn trước. Trong tương lai, quê tôi hứa hẹn sẽ có nhiều hơn sự đổi mới khác, điều này càng như nhắc nhở chúng tôi – thế hệ trẻ của đất nước càng phải cố gắng và nỗ lực hơn thế rất nhiều.

Ngắm nhìn cảnh quê hương thay đổi từng ngày, tôi chợt cảm thấy dâng lên biết bao thứ xúc cảm tự hào, tự nhủ mình phải cố gắng học hành để cố gắng xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.

Bài Văn Tưởng Tượng Sau 20 Năm Nữa Em Về Thăm Quê Ý Nghĩa – Mẫu 13

Đã 20 năm qua đi, khi trở về thăm quê tôi mới thấy quê hương mình đổi mới đến không ngờ. Ai xa quê trên dưới năm năm trở lại đây mà quay về quê hương chắc chắn sẽ không thể nghĩ được rằng ngôi làng nhỏ yên bình ngày xưa giờ lại đổi thay đến thế.

Nhớ lại ngày trước, làng tôi vẫn là một làng thuần nông nghiệp. Lúc đẹp nhất là lúc nhìn đồng lúa từ bát ngát chuyển sang màu xanh vàng rồi vàng óng báo hiệu một mùa gặt mới. Lúc ấy đường làng ngõ xóm toàn bằng đất cứ mỗi lần mưa là lầy lội khiến lũ học trò bước chân đến lớp là lôi thôi luốc luốc toàn những bùn với đất. Cuộc sống của cha mẹ ông bà tuy yên bình nhưng có phần lam lũ, vất vả.

Nhưng bây giờ, câu chuyện đã rất khác xưa. Mấy năm nay nhờ sự định hướng, hỗ trợ và đầu tư của tỉnh, làng tôi chuyển sang làm nghề thủ công. Mới đầu chỉ có vài người sau đó kéo theo cả làng rồi làng bên cạnh. Cả làng là một xưởng thủ công làm sắt và làm đồ gỗ. Hăng trăm bác nông dân nay thành những người thợ nung sắt hay thành anh thợ mộc.

Đồ sắt ở làng tôi có uy tín trên thị trường, giá cả lại phải chăng nên người mua từ khắp nơi đổ về đông đảo lắm. Hàng làm ra đến đâu được đặt mua ngay đến đấy. Còn đồ gỗ thì tinh xảo vô cùng. Không ngờ chỉ mới được chỉ dạy và tự học mấy năm mà thanh niên làng làm nghề gỗ đã lành nghề như vậy. Bây giờ về làng không còn đường đất nữa mà thay bằng đường bê tông và đường nhựa để xe ô tô chở hàng từ khắp nơi có thể vào bốc hàng tận xưởng. Những cánh đồng lúa cũng đã được quy hoạch để chuyển một phần thành những xưởng sản xuất hàng thủ công.

Bây giờ vẻ đẹp của quê tôi không chỉ là cánh đồng mênh mông bát ngát mà là những đôi bàn tay nghệ thuật, những bộ óc làm ăn kinh tế đầy táo bạo và đẹp ở nếp sống văn hóa phố phường. Nhìn quê hương đi lên nhanh chóng, tôi thấy rạo rực vô cùng.

Tưởng Tượng Sau 20 Năm Nữa Em Về Thăm Quê Đơn Giản – Mẫu 14

Trong 20 năm trở lại đây, quê hương tôi có rất nhiều đổi mới đáng kể, trong đó đáng chú ý nhất có thể kể đến sự xuất hiện của những phương tiện hiện đại giúp cho hoạt động canh tác ở quê tôi trở nên đơn giản, hiệu quả hơn.

Người dân quê tôi sinh sống chủ yếu bằng nghề làm nông, vì vậy mỗi gia đình đều canh tác khoảng hai, ba sào ruộng. Nếu như những năm trước đây, mọi hoạt động gieo trồng, thu hoạch, phơi phóng đều được các cô, các bác làm hoàn toàn thủ công, dựa vào sức người là chúng thì những năm gần đây, sự xuất hiện của các phương tiện hiện đại như: máy cày, máy gieo mạ, máy phụt giúp cho hoạt động canh tác hiệu quả và dễ dàng hơn rất nhiều.

Ngày nay, mọi hoạt động sản xuất của quê tôi đều có sự hỗ trợ của máy móc, những chiếc máy gieo mạ giúp việc gieo trồng diễn ra nhanh, mạ lên đều, thẳng hàng hơn khi gieo bằng tay, khi cây lúa đã đến mùa thu hoạch, những chiếc máy gặt lại là người bạn đắc lực giúp việc thu hoạch diễn ra nhanh chóng, tiết kiệm sức lực. Tiện lợi hơn nữa, khi lúa đã được thu hoạch, người dân quê tôi có thể sử dụng máy phụt lúa ngay trên đồng, sau đó mang theo những hạt thóc đã được tách khỏi thân lúa về nhà để phơi, sấy.

Những loại máy móc hiện đại đã giúp cho hoạt động sản xuất quê tôi được hiệu quả hơn, năng suất lúa tăng đáng kể, bởi vậy mà đời sống vật chất và tinh thần của người dân quê tôi cũng được cải thiện rõ rệt.

Tưởng Tượng Sau 20 Năm Nữa Em Về Thăm Quê Học Sinh Giỏi – Mẫu 15

Con người chúng ta, ai cũng có một quê hương. Tôi cũng vậy. Quê hương đã dạy tôi cách gọi “Mẹ” và chính mảnh đất yêu thương ấy cũng là mẹ tôi. Cùng với dòng thời gian đang trôi không ngừng nghỉ, sau 20 năm quê hương tôi cũng đang có sự đổi mới vượt bậc.

Sau một thời gian xa cách, quê hương tôi đã thay đổi rất nhiều, nào từ con đường đất đỏ năm xưa: Gồ ghề, lóc xóc giờ đây đã là đống lúa thơm ngào ngạt như dòng sữa mẹ, một bên là con sông trong veo có thể soi rõ từng hạt cát, hạt phù sa dưới đáy. Con đường đi êm ả như đang đi trên lụa vậy. Xe cộ cứ đi bon bon mà chẳng còn sợ “ngã” như ngày xưa.

Giờ đây tôi mới để ý một điều: Quê hương tôi mới có thêm nhiều khách sạn, chắc là ở quê tôi, ngành du lịch đã rất phát triển. Tôi cũng mừng thầm vì điều đó nhưng… cái ao nông… với từng đàn cá bơi lượn ấy… là cả tuổi thơ tôi. Tôi cũng rất buồn…

Đi trên đường đến nhà cô bác chào hỏi tôi mới để ý: Trạm y tế xã đã mở cửa lại để tiêm phòng, chữa bệnh cho dân làng, cái tường “lởm chởm” được sơn lại, hàng ghế chờ bằng sắt đã hoen gỉ nay đã được thay bằng ghế nhựa cứng ngồi rất thoải mái. Ngôi trường trong làng đã xây thêm nhiều lớp học hơn, lớp nào cũng có quạt mát, đèn sáng, bàn ghế mới sạch, đẹp. Mọi thứ đều rất hiện đại.

Tuy vậy các lễ hội dân gian vẫn diễn ra thường xuyên và có cả phát thanh viên tuyên truyền, loa đi khắp xóm thông báo về ngày hội: “Loa… loa… sắp có hội Gò, xin quý ông, quý bà và mọi người cùng đến tham dự…

Đó là sự thay đổi lớn về vật chất ở quê tôi.

Quê hương tôi không chỉ thay đổi về vật chất mà còn có thay đổi về cách giao tiếp, nếp sống. Các cô gái ăn mặc chẳng khác gì các cô ở thành phố, cũng quần bò cạp trễ, áo ba lỗ, áo ren,… Con trai con gái nhiều người nhuộm tóc, có anh để đầu đinh rất ngầu. Xe máy chạy vè vè khắp làng. Tết đến, trẻ con chạy lon ton đi mọi nhà nhận lì xì, mọi người vui vẻ qua nhà nhau chúc Tết. Tiếng chúc nào: “An khang thịnh vượng, phát tài, phát lộc…” vang lên khắp xóm. Không chỉ riêng Tết mà ngày nào cũng vậy. Chốc chốc cậu hàng xóm chạy sang:

-Bà ơi, cho cháu xin củ hành với ít lá chanh được không ạ?

Cậu cu nhỏ lớp hai lại thở hổn hển phóng qua:

-Bà ơi, cho cháu ăn cơm với bà nhé! Bố mẹ cháu ra đồng về muộn rồi.

Hầu như ngày nào mọi người hỏi thăm, nhờ cậy và đều được những người hàng xóm sẵn sàng giúp đỡ. Mỗi giờ tan học, tiếng trẻ con hát”… chào đón chúng em mau bước nhanh chân tới trường…” rồi tiếng bàn bạc:

-Tuấn ơi, tối nay mình sang nhà cậu học nhóm nhé?
-Ừ!

Ai cũng vậy, quê tôi mọi người sống hoà thuận, yêu thương nhau, văn minh hơn trước kia.

Ngày xưa, hầu hết trẻ em không được đi học mà phải giúp cha mẹ làm ruộng kiếm vài đồng qua ngày. Giờ đây trẻ thơ được vui vẻ cắp sách tới trường. Sáng sáng, tiếng trẻ con tới trường tíu tít:

-Lan ơi đi học thôi!
-Hạnh à? Tớ ra ngay đây!

Bạn này đèo bạn kia trên chiếc xe đạp đi bon bon trên con đường bê tông. Bên trường học, tiếng hát của các em “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh bằng chúng em nhi đồng…” rồi cả tiếng bi bô đánh vần của học sinh lớp một, tiếng đọc bảng cửu chương của cô cậu lớp hai… Thỉnh thoảng vài chú chim sà bên cửa sổ xanh như say mê ngắm các anh chị học trò đang say sưa nghe cô giáo giảng. Mặt ai cũng đăm chiêu suy nghĩ, quạt thổi vù vù mà trán cô cậu nào cũng mướt mát mồ hôi.

Giờ ra chơi, các học sinh nhảy dây, đọc sách… toàn những trò chơi bổ ích, lành mạnh và lí thú. Nhiều trường đi học bán trú, từng suất ăn đầy đủ chất dinh dưỡng tiếp cho học sinh năng lượng dồi dào để học buổi chiều. Ánh nắng chói chang chiếu vào lớp học sạch sẽ, không một mẩu giấy được các bạn giữ gìn. Nắng còn chiếu vào phòng tin học với toàn máy tính mới cho học sinh nâng cao hiểu biết về thông tin điện tử.

Rồi nắng đi vào phòng thư viện, ngồi ghế đọc sách, nào là: Tốt-tô-chan – cô bé ngồi bên cửa sổ của Ku-rô-y-a-na-gi, Không gia đình của Héc-to Ma-lô, Những vì sao của An-phông-xơ Đô-đê,…, ánh sáng cứ như người dẫn đường cho chúng ta. Ngoài đồng, các bác nông dân nghe tiếng trẻ thơ ngoan ngoãn học hành thì chắc đỡ vất vả phần nào.

Nhiều khi tôi vẫn tự hỏi: “Sao quê hương tôi lại có thể đổi mới?”. Và tôi đã tìm được câu trả lời cho mình. Nhờ có sự phát triển của kinh tế cùng với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước mà quê hương tôi phát triển. Nhưng chúng ta cũng không quên công sức của mọi người và tôi mong sao một ngày nào đó tôi sẽ cùng những người dân chăm chỉ nơi đây chung xây mảnh đất này và cùng làm cho đất nước giàu đẹp hơn, hiện đại hơn như Bác Hồ cũng như những người đi trước mong muốn.

Bài đăng

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Thuyết Trình Về Gia Đình

Thuyết Minh Về Biển Mỹ Khê Quảng Ngãi

Ngữ văn 6 - Bài 9: Tóm tắt bằng sơ đồ nội dung của một văn bản đơn giản - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 – Bài 10 : Trái Đất - Mẹ của muôn loài - Chân trời sáng tạo

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Thuyết Minh Về Một Danh Lam Thắng Cảnh Ở Huế

Thuyết Minh Về Bài Thơ Tiểu Đội Xe Không Kính

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Tuổi thơ tôi (Nguyễn Nhật Ánh) - Chân trời sáng tạo

Thuyết Trình Về Ô Nhiễm Môi Trường Nước Hiện Nay

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức