Tiếng việt 5 tuần 26 Nghĩa thầy trò

TIẾNG VIỆT 5
TUẦN 26: NHỚ NGUỒN

Bài đọc
Nghĩa thầy trò 
      Từ sáng sớm, các môn sinh đã tề tựu trước sân nhà cụ giáo Chu để mừng thọ thầy. Cụ giáo đội khăn ngay ngắn, mặc áo dài thâm ngồi trên sập. Mấy học trò cũ từ xa về dâng biếu thầy những cuốn sách quý. Cụ giáo hỏi thăm công việc của từng người, bảo ban các học trò nhỏ, rồi nói:
   - Thầy cảm ơn các anh. Bây giờ, nhân có đông đủ môn sinh, thầy muốn mời tất cả các anh theo thầy tới thăm một người mà thầy mang ơn rất nặng.
    Các môn sinh đồng thanh dạ ran. Thế là cụ giáo Chu đi trước, học trò theo sau. Các anh có tuổi đi sau thầy, người ít tuổi hơn nhường bước, cuối cùng là mấy chú tóc để trái đào. Cụ giáo Chu dẫn học trò đi về cuối làng, sang tận thôn Đoài, đến một ngôi nhà tranh đơn sơ mà sáng sủa, ấm cúng. Ở hiên trước, một cụ già trên tám mươi tuổi râu tóc bạc phơ đang ngồi sưởi nắng. Cụ giáo Chu bước vào sân, chắp tay cung kính vái và nói ta:
- Lạy thầy! Hôm nay con đem tất cả môn sinh đến tạ ơn thầy.
     Cụ già tóc bạc ngước lên, nghiêng đầu nghe. Cụ đã nặng tai. Thầy giáo Chu lại nói to câu nói vừa rồi một lần nữa. Thì ra đây là cụ đồ xưa kia đã dạy vỡ lòng cho thầy.
      Tiếp sau cụ giáo Chu, các môn sinh của cụ lần lượt theo lứa tuổi vái tạ cụ đồ già. Ngày mừng thọ thầy Chu năm ấy, họ được thêm một bài học thấm thía về nghĩa thầy trò.
Theo Hà Ân
Nội dung
Ca ngợi truyền thống tôn sư trọng đạo của nhân dân ta, nhắc nhở mọi người cần giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp đó.

Câu 1
Các môn sinh của cụ giáo Chu đến nhà thầy để làm gì ? Tìm những chi tiết cho thấy học trò rất tôn kính cụ giáo Chu.
Trả lời:
- Các môn sinh của cụ giáo Chu đến nhà thầy để mừng thọ thầy, tỏ bày lòng yêu quí kính trọng thầy, người đã hết lòng dạy dỗ dìu dắt họ trưởng thành.
- Những chi tiết cho thấy học trò rất tôn kính cụ giáo Chu là:
+  Các môn sinh từ sáng sớm đã tề tựu trước sân nhà thầy giáo Chu để mừng thọ thầy.
+  Họ dâng biếu thầy những cuốn sách quý.
+  Họ “đồng thanh dạ ran”, cùng xếp hàng theo sau thầy sau khi nghe thầy nói muốn tới thăm "một người mà thầy mang ơn rất nặng”.

Câu 2
Tình cảm của cụ giáo Chu đối với người thầy đã dạy cho cụ từ thuở học vỡ lòng như thế nào? Tìm những chi tiết biểu hiện tình cảm đó.

Trả lời:
Đối với người thầy đã dạy mình từ thuở học vỡ lòng, thầy giáo Chu rất mực tôn kính.
Những chi tiết biểu hiện sự tôn kính đó là:
-  Thầy mời học trò cùng thầy tới thăm một người mà thầy mang ơn rất nặng.
-  Thầy chắp tay cung kính với cụ đồ.
-  Thầy cung kính thưa với cụ: “Lạy thầy, hôm nay con đem tất cả các môn sinh đến tạ ơn thầy.”

Câu 3
Những thành ngữ, tục ngữ nào dưới đây nói lên bài học mà các môn sinh nhận được trong ngày mừng thọ cụ giáo Chu ?
a)  Tiên học lễ, hậu học văn.
b)  Uống nước nhớ nguồn.
c)  Tôn sư trọng đạo.
d)   Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. (Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy.)

Trả lời:
Những câu tục ngữ nói lên bài học mà các môn sinh nhận được trong ngày mừng thọ cụ giáo Chu là:
a)  Uống nước nhớ nguồn.
b)  Tôn sư trọng đạo
c)  Nhất tự vi sư, bán tự vi sư.

Chính tả: (Nghe- viết) Lịch sử Ngày Quốc tế Lao động

Câu 1
Nghe - viết:
Lịch sử Ngày Quốc tế Lao động
      Ngày 1-5-1886, công nhân thành phố Chi-ca-gô, nước Mĩ, xuống đường biểu tình đòi làm việc theo chế độ 8 giờ một ngày. Từ Chi-ca-gô, làn sóng bãi công lan nhanh ra các thành phố Niu Y-oóc, Ban-ti-mo, Pít-sbơ-nơ,... Các cuộc biểu tình bị đàn áp nặng nề. Đặc biệt, ở Chi-ca-gô, cảnh sát đã xả súng vào đoàn người tay không, làm hàng trăm người chết và bị thương. Nhưng cuối cùng, giới chủ phải chấp nhận yêu sách của công nhân. Để ghi nhớ sự kiện này, ngày 1-5 hằng năm đã được chọn làm ngày biểu dương lực lượng của giai cấp công nhân toàn thế giới.
Theo NHỮNG MẨU CHUYỆN LỊCH SỬ THẾ GIỚI


Câu 2
Tìm các tên riêng trong câu chuyện sau và cho biết những tên riêng đó được viết như thế nào.
Tác giả bài Quốc tế ca
     Ơ-gien Pô-chi-ê sinh trưởng trong một gia đinh công nhân nghèo ở Pa-ri, thủ đô nước Pháp. Thuở nhỏ, ông không có điều kiện đi học. Năm 15 tuổi, ông theo cha làm thợ đóng gói, rồi chạy việc cho một hiệu bán giày. Mãi về sau, ông mới học đọc, học viết và làm thợ in hoa trên vải.
     Tháng 3-1871, Pô-chi-ê tham gia Công xã Pa-ri, Công xã thất bại, ông bị truy nã gắt gao, phải trốn trong nhà một người bạn. Chính trong giờ phút khó khăn này, nhớ lại những ngày chiến đấu hào hùng, ông đã sáng tác bài thơ Quốc tế ca. Bài thơ được nhạc sĩ Pi-e Đơ-gây-tê phổ nhạc năm 1888, nhanh chóng truyền đi khắp nơi và trở thành bài ca của giai cấp công nhân thế giới.
     Vùng lên, hỡi các nô lệ ở thế gian !
     Vùng lên, hỡi ai cực khổ, bần hàn !
     Lời ca hùng tráng vang lên trong các cuộc đấu tranh sục sôi của người lao động có sức mạnh kì lạ, lay động hàng triệu con tim, thôi thúc những người bị áp bức, bóc lột siết chặt hàng ngũ phấn đấu cho một ngày mai tươi sáng, môt thế giới công bằng.
NGUYỄN HOÀNG

Trả lời:
* Tên riêng:  Ơ-gien Pô-chi-ê, Pi-e Đơ-gây-tê, Pa-ri, Pháp, Công xã Pa-ri, Quốc tế ca
* Quy tắc: 
-   Viết hoa chữ cái đầu mỗi bộ phận của tên. Giữa các tiếng trong một bộ phận của tên được ngăn cách bằng dấu gạch nối.
-    Viết hoa chữ cái đầu vì đây là tên riêng nước ngoài nhưng đọc theo âm Hán Việt.

Luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ: Truyền thống

Câu 1
Dòng nào dưới đây nêu đúng nghĩa của từ truyền thống?
a) Phong tục và tập quán của tổ tiên, ông bà.
b) Cách sống và nếp nghĩ của nhiều người ở nhiều địa phương khác nhau.
c) Lối sống và nếp nghĩ đã hình thành từ lâu đời và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Trả lời:
Đáp án c là đúng.
Truyền thống: Lối sống và nếp nghĩ đã hình thành từ lâu đời và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Câu 2
Dựa theo nghĩa của tiếng truyền, xếp các từ trong ngoặc đơn thành ba nhóm:
a) Truyền có nghĩa là trao lại cho người khác (thường thuộc thế hệ sau).
b) Truyền có nghĩa là lan rộng hoặc làm lan rộng ra cho nhiều người biết.
c) Truyền có nghĩa là nhập vào hoặc đưa vào cơ thể người.
(truyền thống, truyền bá, truyền nghề, truyền tin, truyền máu, truyền hình, truyền nhiễm, truyền ngôi, truyền tụng)

Gợi ý:
- Truyền thống: thói quen được hình thành lâu đời, trong lối sống và nếp nghĩ được truyền từ đời này sang đời khác.
- Truyền bá: được phổ biến rộng rãi cho nhiều người, nhiều nơi.
- Truyền nghề: Nghề nghiệp được truyền từ đời này sang đời khác, thế hệ này sang thế hệ khác.
- Truyền tin: Thông tin được truyền đi cho nhiều người biết tới.
- Truyền máu: Máu được truyền từ cơ thể này sang cơ thể khác.
- Truyền hình: Truyền hình ảnh, thường đồng thời có cả âm thanh bằng phương tiện thu bắt tín hiệu.
- Truyền nhiễm: lây nhiễm, lây truyền.
- Truyền ngôi: Ngai vàng, ngôi vua được truyền từ đời này sang đời khác.
- Truyền tụng: Truyền tụng cho nhau bằng lòng ngưỡng mộ.

Trả lời:
- Truyền (trao lại cho người khác, thường thuộc thế hệ sau): truyền nghề, truyền ngôi, truyền thống.
- Truyền (lan rộng hoặc làm lan rộng cho nhiều người biết): truyền bá, truyền hình, truyền tin, truyền tụng.
- Truyền (nhập vào, đưa vào cơ thể người): truyền máu, truyền nhiễm.

Câu 3
Tìm trong đoạn văn sau những từ ngữ chỉ người và sự vật gợi nhớ lịch sử và truyền thống dân tộc :
Tôi đã có dịp đi nhiều miền đất nước, nhìn thấy tận mắt bao nhiêu dấu tích của tổ tiên để lại, từ nắm tro bếp của thuở các vua Hùng dựng nước, mũi tên đồng Cổ Loa, con dao cắt rốn bằng đá của cậu bé làng Gióng nơi vườn cà bên sông Hồng, đến thanh gươm giữ thành Hà Nội của Hoàng Diệu, cả đến chiếc hốt đại thần của Phan Thanh Giản... Ý thức cội nguồn, chân lí lịch sử và lòng biết ơn tổ tiên truyền đạt qua những di tích, di vật nhìn thấy được là một niềm hạnh phúc vô hạn nuôi dưỡng những phẩm chất cao quý nơi mỗi con người. Tất cả những di tích này của truyền thống đều xuất phát từ những sự kiện có ý nghĩa diễn ra trong quá khứ, vẫn tiếp tục nuôi dưỡng đạo sống của những thế hệ mai sau.
Theo HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG

Trả lời:
- Những từ ngữ chỉ người gợi nhớ đến truyền thống dân tộc: Các vua Hùng, cậu bé làng Gióng, Hoàng Diệu, Phan Thanh Giản...
- Những từ ngữ chỉ sự vật gợi nhớ đến lịch sử và truyền thống dân tộc: Nắm tro bếp thuở các vua Hùng dựng nước, mũi tên đồng cổ Loa, con dao cắt rốn bằng đá cùa cậu bé làng Gióng, Vườn cà bên sông Hồng, thanh gươm giữ thành Hà Nội của Hoàng Diệu, chiếc hốt đại thần của Phan Thanh Giản.

Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc

Đề bài: 
Hãy kể lại một câu chuyện em đã nghe hoặc đã đọc nói về truyền thống hiếu học hoặc truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
Gợi ý:
1. Nội dung:

a) Ví dụ về truyện ca ngợi truyền thống hiếu học : ông tổ nghề thêu (Tiếng Việt 3, tập hai), Văn hay chữ tốt (Tiếng Việt 4, tập một), Bông sen trong giếng ngọc (Truyện đọc lớp 4).

b) Ví dụ về truyện ca ngợi truyền thống đoàn kết : Câu chuyện bó đũa (Tiếng Việt 2, tập một), Đôi bạn (Tiếng Việt 3, tập một), Vì muôn dân (Tiếng Việt 5, tập hai).

2. Tìm câu chuyện ở đâu ?

- Những câu chuyện em đã được nghe.

- Báo, truyện đọc xưa và nay. Chú ý truyện của Nhà xuất bản Kim Đồng, sách Truyện đọc lớp 5 của Nhà xuất bản Giáo dục.

3. Giới thiệu tên câu chuyện và kể lại nội dung câu chuyện đã nghe (hoặc đã đọc) .

- Giới thiệu về câu chuyện em định kể ( Tên câu chuyện là gì? Em đã nghe hoặc đọc được từ bao giờ?....)

- Kể lại câu chuyện:

+ Mở đầu câu chuyện thế nào ?

+ Diễn biến của câu chuyện ra sao ? (Kể rõ trình tự các việc xảy ra, hành động của nhân vật ; chú ý nhấn mạnh những chi tiết liên quan đến đức tính hiếu học hoặc tinh thần đoàn kết.)

+ Kết thúc câu chuyện như thế nào?

4. Trao đổi với các bạn về ý nghĩa của câu chuyện.

Bài làm:
        Từ xa xưa, nhân dân ta đã coi trọng tinh thần đoàn kết, đại đoàn kết. Đoàn kết để sống, để tồn tại và vượt qua mọi thử thách to lớn trong cuộc đời. Đoàn kết đã trở thành niềm tin và đạo lí của nhân dân ta từ bao đời nay. Chính vì thế, ông bà, cha mẹ luôn nhắc nhở con cháu ghi nhớ câu tục ngữ:
"Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao".
Tôi sẽ kể cho các bạn nghe chuyện có tựa đề là "Câu chuyện bó đũa", ca ngợi về sức mạnh của tinh thần đoàn kết. Chuyện như sau:
"Ngày xưa ở một gia đình, có hai anh em. Lúc còn nhỏ hai người rất thương yêu nhau, có cái gì ngon, anh em thường nhường nhịn cho nhau, nhưng khi lớn lên anh có vợ, em có chồng, tuy mỗi người một nhà nhưng vẫn thường hay va chạm.
Thấy các con không thương yêu nhau, người cha rất buồn phiền. Một hôm, ông đặt một bó đũa và một túi tiền trên bàn, rồi gọi các con, cả trai, gái, dâu, rể lại và bảo:
- Ai bẻ gãy được bó đũa này thì cha thưởng cho túi tiền. Bốn người con lần lượt bẻ bó đũa. Ai cũng cố gắng hết sức mà không sao bẻ gãy được. Người cha bèn cởi bó đũa ra rồi thong thả bẻ gãy từng chiếc một cách dễ dàng.
Thấy vậy, bốn người con cùng nói:
- Thưa cha, lấy từng chiếc mà bẻ thì có khó gì!
Người cha liền bảo:
- Đúng. Như thế là các con đều thấy rằng chia lẻ ra thì yếu, hợp lại thì mạnh. Vậy các con phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Có đoàn kết thì mới có sức mạnh”.
Câu chuyện khuyên chúng ta: anh chị em trong gia đình phải biết yêu thương, giúp đỡ, cưu mang nhau. Đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh. Chỉ cần đoàn kết thì sẽ tạo thành một khối vững mạnh, vững bền ngược lại, chỉ cần lục đục và chia rẽ kết quả sẽ giống như bó đũa kia, từng chiếc, từng chiếc đều bị bẻ gãy.

Tập đọc: Hội thổi cơm thi ở làng Đồng Vân
Bài đọc
HỘI THI THỔI CƠM Ở ĐỒNG VÂN
     Hội thổi cơm thi ở làng Đồng Vân bắt nguồn từ các cuộc trẩy quân đánh giặc của người Việt cổ bên bờ sông Đáy xưa.
     Hội thi bắt đầu bằng việc lấy lửa. Khi tiếng trống hiệu vừa dứt, bốn thanh niên của bốn đội nhanh như sóc, thoăn thoắt leo lên bốn cây chuối bôi mỡ bóng nhẫy để lấy nén hương cắm ở trên ngọn. Có người leo lên, tụt xuống, lại leo lên… Khi mang được nén hương xuống, người dự thi được phát ba que diêm để châm vào hương cho cháy thành ngọn lửa. Trong khi đó, những người trong đội, mỗi người một việc. Người thì ngồi vót những thanh tre già thành những chiếc đũa bông. Người thì nhanh tay giã thóc, giần sàng thành gạo, người thì lấy nước và bắt đầu thổi cơm.
      Mỗi người nấu cơm đều mang một cái cần tre được cắm rất khéo vào dây lưng, uốn cong hình cánh cung từ phía sau ra trước mặt, đầu cần treo cái nồi nho nhỏ. Người nấu cơm tay giữ cần, tay cầm đuốc đung đưa cho ánh lửa bập bùng. Các đội vừa thổi cơm vừa đan xen nhau uốn lượn trên sân đình trong sự cổ vũ nồng nhiệt của người xem hội.
       Sau độ một giờ rưỡi, các nồi cơm được lần lượt trình trước cửa đình. Mỗi nồi cơm được đánh một số để giữ bí mật. Ban giám khảo chấm theo ba tiêu chuẩn: cơm trắng, dẻo và không có cháy. Cuộc thi nào cũng hồi hộp và việc giật giải đã trở thành niềm tự hào khó có gì sánh nổi đối với dân làng.
Theo MINH NHƯƠNG

Nội dung
Qua việc miêu tả lễ hội thổi cơm thi ở Đồng Vân, tác giả thể hiện tình cảm yêu mến và niềm tự hào đối với một nét đẹp cổ truyền trong sinh hoạt văn hóa của dân tộc.

Câu 1
Hội thổi cơm thi ở làng Đồng Vân bắt nguồn từ đâu ?

Trả lời:
Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân bắt nguồn từ các cuộc trẩy quân đánh giặc của người Việt cổ bên sông Đáy ngày xưa.

Câu 2
Kể lại việc lấy lửa trước khi nấu cơm.

Trả lời:
Khi tiếng trống hiệu vừa dứt, bốn thanh niên của bốn đội nhanh như sóc thoăn thoắt leo lên bốn cây chuối bôi mỡ bóng nhẫy để lấy nén hương bám ở trên ngọn. Khi mang được nén hương xuống, người dự thi được phát cho ba que diêm để châm vào hương cho cháy thành ngọn lửa.

Câu 3
Tìm những chi tiết cho thấy thành viên của mỗi đội thổi cơm thi đều phối hợp nhịp nhàng, ăn ý với nhau?

Trả lời:
Những chi tiết cho thấy thành viên của mỗi đội thổi cơm thi đều phối hợp nhịp nhàng ăn ý với nhau là:
Trong khi một thành viên của đội tiến hành việc lấy lửa thì những người khác mỗi người một việc: người ngồi vót những thanh tre già thành những chiếc đũa bông; người giã thóc, giần sàng thành gạo; có lửa người ta lấy nước nấu cơm.

Câu 4
Tại sao nói việc giật giải trong cuộc thi là "niềm tự hào khó có gì sánh nổi đối với dân làng" ?

Trả lời:
Nói việc giật giải trong cuộc thi là niềm tự hào khó có gì sánh được của dân làng, vì giải thưởng là một minh chứng, là kết quả của sự nỗ lực, sự khéo léo, nhanh nhẹn, thông minh của cả tập thể.


Tập làm văn: Tập viết đối thoại

Câu 1
Đọc đoạn trích dưới đây của truyện Thái sư Trần Thủ Độ :
Linh Từ Quốc Mẫu ngồi kiệu đi qua chỗ thềm cấm, bị một người quân hiệu ngăn lại. Về nhà, bà khóc :
-  Tôi là vợ Thái sư mà bị kẻ dưới khinh nhờn.
Ông cho bắt người quân hiệu đến. Người này nghĩ là phải chết. Nhưng khi nghe anh ta kể rõ ngọn ngành, ông bảo:
-   Ngươi ở chức thấp mà biết giữ phép nước như thế, ta còn trách gì nữa ! Nói rồi, lấy vàng, lụa thưởng cho.

Câu 2
Dựa theo nội dung của đoạn trích trên, em hãy cùng các bạn trong nhóm viết tiếp một số lời đối thoại để hoàn chỉnh màn kịch sau :
Giữ nghiêm phép nước
Nhân vật: Trần Thủ Độ ; Linh Từ Quốc Mẫu ; người quân hiệu ; một vài người lính và gia nô.
Cảnh trí:  Một căn phòng rộng có kê án thư, trên có hộp bút. mấy cuốn sách, một chiếc quạt. Trần Thủ Độ đang ngồi đọc sách.
Thời gian : Khoảng gần trưa.

Gợi ý :
-  Linh Từ Quốc Mẫu phàn nàn với Trần Thủ Độ về chuyện bà bị người quân hiệu coi thường.
-  Trần Thủ Độ lệnh cho quân lính đi bắt người quân hiệu.
-  Quân lính áp giải người quân hiệu vào.
- Trần Thủ Độ hỏi người quân hiệu có đúng là anh ta bắt vợ ông xuống kiệu không. Có biết bà là phu nhân của Thái sư không.
- Người quân hiệu khẳng định là anh ta biết và kể lại đầu đuôi câu chuyện.
 - Trần Thủ Độ khen ngợi, thưởng vàng và lụa cho người quân hiệu.
 (Linh Từ Quốc Mẫu bước vào phòng, vẻ mặt buồn bực như vừa khóc.)
Trần Thủ Độ : - (Ngạc nhiên) Phu nhân sao thế ?
Linh Từ Quốc Mẫu (Tấm tức) Phép nước bây giờ đảo lộn hết rồi ! Một tên quân hiệu mà dám hỗn với cả vợ Thái sư. Như thế thì còn trên dưới gì nữa !
Trần Thủ Độ : - Bà hãy bớt nóng giận đi ! Kể cho tôi nghe đầu đuôi câu chuyện thế nào đã !
Linh Từ Quốc Mẫu: Hôm nay tôi có việc qua cửa Bắc. Có tên quân hiệu nhất định bắt tôi xuống kiệu. Ông nghĩ xem : Tôi là vợ quan Thái sư, thế mà kẻ dưới dám khinh nhờn là thế nào ?
Trần Thủ Độ:......

Trả lời:
Trần Thủ Độ: - Hãy để tôi gọi hắn đến xem sao (Gọi lính hầu) Quân bay, cho đòi tên quân hiệu ấy đến đây ngay!
Nhớ dẫn theo một phu kiệu để nhận mặt hắn.
Lính hầu: - Bẩm, vâng ạ.
(Lát sau, lính hầu về, dẫn theo một người quân hiệu trạc 30 tuổi, dáng vẻ cao lớn, đàng hoàng).
Người quân hiệu: -  (Lạy chào) Kính chào Thái sư và phu nhân.
Trần Thủ Độ: -  Ngẩng mặt lên ! Ngươi có biết, phu nhân ta không?
Người quân hiệu: -  (Vẻ lo lắng) Bẩm Đức Ông, con biết phu nhân ạ.
 Trần Thủ Độ: -  Có đúng là sáng nay ngươi đã chặn kiệu của phu nhân ta không?
Người quân hiệu: -  Bẩm Đức Ông, quả có việc đó ạ.
Trần Thủ Độ: -   (Nổi giận) Giỏi thật! Sao ngươi dám hỗn láo với phu nhân?
Người quân hiệu: -   Bẩm Đức Ông, sáng nay, kiệu phu nhân đi ngang qua điện Kính Thiên. Con đã trình với phu nhân nhưng các thị nữ cứ xô đến, nói là kiệu phu nhân quan Thái sư, không được phép cản. Bởi vậy, chúng con đành lấy gươm ngăn, buộc phu kiệu đi vòng. Bẩm, chuyện đúng là như thế. Con xin chịu tội với Đức Ông và phu nhân.
 Trần Thủ Độ: -   (Vẻ hài lòng, ôn tồn) Thì ra thế ! Ngươi ở chức thấp mà giữ nghiêm phép nước như vậy, ta trách gì ngươi được. (Nói với phu nhân) Bà hãy thưởng cho anh ta.
Linh Từ Quốc Mẫu: -  (Nói với gia nô) Lấy cho ta một tấm lụa và ba nén bạc.
Gia nô: -   (Gia nô vào rồi mang lụa, bạc ra) Bẩm, phu nhân. Quà thưởng đây ạ.
Linh Từ Quốc Mẫu: - (Linh Từ Quốc Mẫu lấy quà từ tay gia nô, trao cho người quân hiệu). Đây là Thái sư và ta ban thưởng cho ngươi.
Người quân hiệu: -  (Cảm động) Xin đa tạ Thái sư và phu nhân
(Tất cả cùng đi vào. Hạ màn)

Câu 3
Phân vai đọc lại (hoặc diễn thử) màn kịch trên

Luyện từ và câu: Luyện tập thay thế từ ngữ để liên kết câu

Câu 1
Trong đoạn văn sau, người viết đã dùng những từ ngữ nào để chỉ nhân vật Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng)? Việc dùng nhiều từ ngữ thay thế cho nhau như vậy có tác dụng gì?

          Nghe chuyện Phù Đổng Thiên Vương, tôi thường tưởng tượng đến một trang nam nhi, sức vóc khác người, nhưng tâm hồn còn thô sơ và giản dị như tâm hồn tất cả mọi người thời xưa. Tráng sĩ ấy gặp lúc quốc gia lâm nguy đã xông pha ra trận, đem sức khỏe mà đánh tan giặc, nhưng bị thương nặng. Tuy thế người trai làng Phù Đổng vẫn còn ăn một bữa cơm (chỗ ấy nay lập đền thờ ở làng Xuân Tảo) rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm, xong mới ôm vết thương lên ngựa đi tìm một rừng cây âm u nào, giấu kín nỗi đau đớn của mình mà chết.
NGUYỄN ĐÌNH THI

Trả lời:
Những từ ngữ để chỉ nhân vật Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng): Phù Đổng Thiên Vương, trang nam nhi, tráng sĩ ấy, người trai làng Phù Đổng.
* Việc dùng nhiều từ ngữ thay thế cho nhau như vậy có tác dụng tránh lặp từ, giúp cho diễn đạt sinh động hơn, diễn đạt ý rõ hơn để đảm bảo sự liên kết nhưng tránh được sự nhàm chán. 

Câu 2
Hãy thay thế những từ ngữ lặp lại trong hai đoạn văn sau bằng đại từ hoặc từ ngữ đồng nghĩa:
     Triệu Thị Trinh quê ở vùng núi Quan Yên (Thanh Hóa). Triệu Thị Trinh xinh xắn, tính cách mạnh mẽ, thích võ nghệ. Triệu Thị Trinh bắn cung rất giỏi, thường theo các phường săn đi săn thú. Có lần, Triệu Thị Trinh đã bắn hạ một con báo gấm hung dữ trước sự thán phục của trai tráng trong vùng.
      Hàng ngày, chứng kiến cảnh nhân dân bị giặc Ngô đánh đập, cướp bóc, Triệu Thị Trinh vô cùng uất hận, nung nấu ý chí trả thù nhà, đền nợ nước, quét sạch chúng ra khỏi bờ cõi. Năm 248, Triệu Thị Trinh cùng anh là Triệu Quốc Đạt lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược. Cuộc khởi nghĩa tuy không thành công nhưng tấm gương anh dũng của Triệu Thị Trinh sáng mãi với non sông, đất nước.
Theo TỪ ĐIỂN NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM

Trả lời:
(1) Triệu Thị Trinh quê ở vùng núi Quan Yên (Thanh Hóa). Người thiếu nữ họ Triệu xinh xắn, tính cách mạnh mẽ, thích võ nghệ. Nàng bắn cung rất giỏi, thường theo các phường săn đi săn thú. (4) Có lần, nàng đã bắn hạ một con báo gấm hung dữ trước sự thán phục của trai tráng trong vùng.
(5) Hàng ngày, chứng kiến cảnh nhân dân bị giặc Ngô đánh đập, cướp bóc, Triệu Thị Trinh vô cùng uất hận, nung nấu ý chí trả thù nhà, đền nợ nước, quét sạch chúng ra khỏi bờ cõi. (6) Năm 248, người con gái tài giỏi ấy cùng anh là Triệu Quốc Đạt lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược. (7) Cuộc khởi nghĩa tuy không thành công nhưng tấm gương anh dũng của  sáng mãi với non sông, đất nước.

Câu 3
Viết một đoạn văn ngắn kể về một tấm gương hiếu học, trong đó có sử dụng phép thay thế từ ngữ để liên kết câu.

Trả lời:
           Trần Quốc Khải rất ham học. Cậu học ngay cả khi đốn củi, kéo vó tôm. Vì nhà nghèo nên buổi tối không có đèn, cậu bé bèn bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng lấy ánh sáng mà đọc sách. Nhờ học say mê và chăm chỉ như vậy nên chẳng bao lâu Khải đỗ tiến sĩ và làm quan to cho nhà Lê. Ông còn có công truyền dạy cho dân nghề thêu và nghề làm lọng. Nhân dân biết ơn ông nên tôn ông là "Ông tổ nghề thêu".

Tập làm văn: trả bài văn tả đồ vật

Câu 1
Nghe cô giáo (thầy giáo) nhận xét chung vể bài làm của cả lớp.

Câu 2
Chữa bài:
a)   Tham gia chữa những lỗi chung trên lớp.
b)   Đọc lại bài làm của em, lời phê của thầy cô.
c)   Tự chữa bài làm của em.
d)   Đổi bài cho bạn để kiểm tra việc chữa lỗi.

Câu 3
Học tập những đoạn văn, bài văn hay.
-    Nghe đọc một số đoạn hoặc bài làm tốt của các bạn.
-   Thảo luận để tìm ra cái hay của các đoạn văn, bài văn trên.

Câu 4
Chọn một đoạn trong bài làm của em viết lại theo cách khác hay hơn.

Bài làm:
Ví dụ: Tả chiếc đồng hồ

        Chiếc đồng hồ gồm có bốn bộ phận: Tay cầm và chân, vỏ ngoài, mặt đồng hồ và bộ phận máy móc bên trong. Mặt đồng hồ được che bởi một tấm kính trong. Điều này khiến cho các bộ phận bên trong được bảo quản, giữ được độ bền lại không bị dính bụi. Bên trong là hệ thống các kim và các con số. Bao gồm 4 kim. Kim ngắn chỉ giờ, kim dài chỉ phút hai kim này đều có màu đen. Kim giây dài hơn hai kim kia và có màu đỏ bắt mắt. Ngoài ra còn có một cái kim báo thức màu vàng, ngắn hơn một chút. Các con số có màu đen,nhỏ nhắn, xinh xắn, dễ nhìn với 12 con số. Kim giây của đồng hồ chạy miệt mài ngày đêm, tích tắc đêm ngày nghe rất vui tai. Kim phút và kim giờ cũng chậm dãi nhích theo.
            Mặt đồng hồ được bao phủ bởi lớp vỏ ngoài màu xanh lam láng bóng. Ở trên đầu còn có hai chiếc chuông màu xanh nhỏ nhắn , xinh xắn. Ở giữa hai chiếc chuông là chốt báo thức. Đường nét bên ngoài bao quanh khiến cho chiếc đồng hồ trông mềm mại hơn rất nhiều. Phía trên cùng là tay cầm của đồng hồ. Đó là một vòng tròn nhỏ được uốn cong hình cánh cung, vô cùng thuận tiện để có thể xách đi mọi nơi. Phía cuối có hai chiếc chân nhỏ, ngăn ngắn xinh xinh chìa ra hai bên giữ cho đồng hồ có thể đứng được một cách vững chắc.
            Để chiếc đồng hồ có thể hoạt động được thì bên trong có chứa một bộ phận máy móc. Các nút điều khiển được nhô lên, rất tiện lợi và dễ sử dụng. Bao gồm hai vòng tròn và một chốt báo thức. Hai vòng tròn một cái là để chỉnh thời gian, một cái là để chỉnh giờ báo thức còn chốt báo thức thì để tắt hoặc mở báo thức dùng khi có như cầu. Đồng hồ được chạy bằng pin. Đây chính là nguồn năng lượng dồi dào để đồng hồ có thể chạy tích tắc đêm ngày mà không biết mệt mỏi.


Bài đăng

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Thuyết Minh Về Biển Mỹ Khê Quảng Ngãi

Thuyết Trình Về Gia Đình

Ngữ văn 6 - Bài 9: Tóm tắt bằng sơ đồ nội dung của một văn bản đơn giản - Kết nối tri thức

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 – Bài 10 : Trái Đất - Mẹ của muôn loài - Chân trời sáng tạo

Thuyết Minh Về Một Danh Lam Thắng Cảnh Ở Huế

Thuyết Trình Về Ô Nhiễm Môi Trường Nước Hiện Nay

Thuyết Minh Về Bài Thơ Tiểu Đội Xe Không Kính

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Tuổi thơ tôi (Nguyễn Nhật Ánh) - Chân trời sáng tạo

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức