Cảm nhận vẻ đẹp người lính Tây Tiến liên hệ với người nông dân nghĩa sĩ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc


Bài làm

       Thời đại không chỉ được ghi chép trang sử mà còn được thể hiện qua những trang thơ. Những con người vĩ đại không chỉ được lưu giữ bằng những tấm hình mà còn bằng những câu chuyện, những vần thơ. Đó là những cá nhân đã dâng hiến cả thanh xuân cho sự nghiệp dân tộc, cho hạnh phúc mọi người không một chút toan tính, bận lo trong thơ Tố Hữu, thơ Chính Hữu và cả “Tây Tiến” của Quang Dũng; đặc biệt trong đoạn thơ:

  • “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
  • Quân xanh màu lá dữ oai hùm
  • Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
  • Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
  • Rải rác biên cương mồ viễn xứ
  • Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
  • Áo bào thay chiếu anh về đất
  • Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Qua đó, ta có thể thấy được những nét thay đổi trong hình tượng người anh hùng khi so sánh với người nông dân nghĩa sĩ trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” (Nguyễn Đình Chiểu)

Quang Dũng thật hay viết và cũng viết thật hay về nỗi nhớ – nỗi nhớ dấy lên từ những nẻo đường tha hương, nẻo đường cách mạng và kháng chiến, hướng về “cố quận”, về “Xứ Đoài mây trắng lắm”, về một “ngọn Ba Vì mờ xa” và cả cái tên thân thương “Tây Tiến”. Bài thơ được viết năm 1948, tại Phù Lưu Chanh, trong nỗi nhớ nồng nàn với Tây Tiến – đơn vị chiến đầu cũ – cũng là nỗi nhớ núi rừng rải về miền Tây Tổ quốc có vẻ tuyệt kì mà Quang Dũng một thời gắn bó. Không khí lãng mạn rất riêng của những ngày đầu kháng chiến, tư thế dấn thân đầy kiêu hùng, quả cảm của người con Hà Nội hào hoa, đa tình đã được thể hiện đậm nét ở từng câu thơ chưa đầy chất nhạc, chất họa, vừa trang trọng, cổ kính, vừa tươi tắn, trẻ trung.

Chân dung người lính Tây Tiến đã được trực tiếp hiện lên qua những nét chạm khắc rạch ròi, gân guốc:

  • “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
  • Quân xanh màu lá dữ oai hùm
  • Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
  • Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Hai câu thơ đầu của Quang Dũng vang lên với cách nói khẩu khí quen thuộc. Sự thật hiện lên một cách thẳng băng như nó vốn có bằng “ngôn ngữ lính” nên hóa bất ngờ, và vì bất ngỡ nên vẻ trần trụi của hiện thực được cảm nhận khác đi. Câu thơ không gợi ý nghĩ bi đát, mặc dù ai cũng hiểu sự “không mọc tóc” và làn da “xanh màu lá” chính là hậu quả của sốt rét. Bởi câu thơ của Quang Dũng mỗi khi vừa chạm tới địa hạt của hiện thực lại được nâng lên bằng đôi cánh lãng mạn. Cụm từ “không mọc tóc” làm cho câu thơ rắn rỏi, gân guốc; câu thơ ngang tàng; con người hiện lên với tâm thế chủ động, tư thể hiên ngang ngạo nghễ. Biện pháp ẩn dụ kết hợp phóng đại “dữ oai hùm” khiến chủ thể hiện lên uy nghi, đường bệ như chúa sơn lâm, khiến ốm mà không yếu – dáng vóc của những tráng sĩ chinh phu.

Hai câu thơ trên gân guốc bao nhiêu thì hai câu thơ dưới lại nhẹ nhàng bấy nhiêu! Nếu ở trên tác giả thay “mắt trừng” bằng “bâng khuâng” thì câu thơ dưới sẽ giảm hẳm nét mềm mại và chi tiết được nêu lên mất đi tính tinh lọc và quý hiếm của nó. Câu thơ có cái “mộng” của người anh hùng mang theo lửa rực căm thù và khát khao lập công nhưng vẫn giữ cho mình chút “mơ” của giai nhân. Tác giả không dùng từ “nhớ” : nỗi nhớ của người lính nông dân về “giếng nước gốc đa” (“Đồng chí”), về “người vợ trẻ mòn chân bên cối gạo canh khuya” (“Nhớ”) hay cái nhớ của Nguyễn Đình Thi “Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”, … Vì “nhớ” thiên về tâm trạng – cụ thể còn “mơ” là dấu tích của tâm hồn – mơ hồ . “Dáng kiều thơm” ấy chính là vầng sáng lung linh trong kí ức, “tố cáo” nét đa tình và đời sống tình cảm dạt dào của người lính, vốn thường bị che phủ trong kháng chiến.

Những con người đang tuổi thanh xuân, cái tuổi mà Thanh Thảo nói: “Mười tám hai mươi sắc như cỏ/ Dày như cỏ/ Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ” (Trường ca “Những người đi tới biển”) bỗng thoáng chốc, chỉ còn lại:

  • Rải rác biên cương mồ viễn xứ
  • Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
  • Áo bào thay chiếu anh về đất
  • Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Câu thơ là một trong những bức tượng đài bi tráng nhất của người lính Việt Nam. Nơi viễn xứ, những con người ấy chỉ còn là áo vải mong manh. Cái chết, nỗi đau, sự mất mát trong chiến tranh là chẳng thể nào chối bỏ. Nhưng “bi” mà không hề “lụy”. Câu thơ sử dụng hệ thống những từ Hán Việt: “biên cương” “viễn xứ”, “chiến trường”, “áo bào”, “độc hành” làm cho không khí trở nên trang giọng, lời thơ trầm lắng, giọng thơ trầm hùng, bi tráng. Lại một cách nói chủ động: “chẳng tiếc đời xanh” khẳng định khí thế ngang tàng của những bậc nam nhi coi cái chết “nhẹ tựa hồng mao”. Hình ảnh “áo bào” gợi về bóng dáng những Kinh Kha bên bờ sông Dịch: “Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn” cùng biện pháp nói giảm nói tránh càng làm cho người lính hiện lên cao đẹp. Cái chết đối với họ, đơn giản chỉ là sự trở về khi mình đã sống và chiến đấu hết mình trong một tâm thế ung dung, nhẹ nhàng.

Trước đây, khi nhắc đến những câu thơ này của Quang Dũng, người ta thường thấy ở đó những biểu hiện tiêu cực của “mộng rớt”, “buồn rớt” hay “yêng hùng tư sản”. Cái khẩu khí của nhà thơ, của những anh bộ đội Tây Tiến ấy, thực ra, vô cùng đáng trọng. Nó là biểu hiện quyết tâm của những con người yêu giống nòi, sẵn sàng đổ máu hi sinh vì những lẽ sống lớn lao. Họ không phải nạn nhân, những con tốt đen vô danh vô nghĩa trên bàn cờ trận mạc mà là những “chủ thể đầy ý thức của lịch sử”, biết sống đẹp từng giây phút, biết ước mơ, hi vọng và khi cần thì sẵn sàng hiến dâng. Những câu thơ của Quang Dũng thực sự ngang tầm vóc với các chiến sĩ đã bỏ mình vì nghĩa lớn. Sự ra đi của họ lại được cất lên thành khúc “độc hành” của sông Mã đầy uy nghiêm và trang trọng. Tầm vóc con người đã sánh ngang tầm vũ trụ. Tôi lại nhớ đến câu thơ của Thanh Thảo, như lời của những người chàng trai đương trẻ tuổi trẻ lòng nhưng biết sống cho xứng đáng với tuổi trẻ, với đất nước:

“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?”
(Trường ca “Những người đi tới biển”)

Hình ảnh người chiến sĩ, người anh hùng trong thơ Quang Dũng là những chàng trai Hà Thành vừa hóm hỉnh, tếu táo, trẻ tuổi trẻ lòng với khát vọng lớn và cả những tình cảm trong sáng, mộng thơ. Họ nhận thức được về bản thân, về con đường mình đang đi. Những đau thương, mất mát, hi sinh lại càng khẳng định vẻ đẹp của họ.

Đến với “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, ta vẫn bắt gặp những người anh hùng, anh hùng thời loạn. Và bài văn là “khúc ca của người anh hùng thất thế, nhưng vẫn hiên ngang”. Với bài văn tế này, lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, nhân dân được ca ngợi như những người anh hùng. Đó là những người quanh năm nghèo khó, chưa từng cầm vũ khí, nhưng khi quân Pháp đến thì xông lên chiến đấu quên mình, dũng mãnh, bất khuất. Tác phẩm không chỉ là một thiên anh hùng ca, mà còn là lời bộc bạch gan ruột của những người nông dân không chịu làm nô lệ, không chịu đầu hàng. Như vậy, hai tác phẩm đều viết về những người anh hùng, dẫu có nhiều khó khăn, mất mát, thậm chí hi sinh nhưng vẫn sáng ngời sự bất khuất, kiên dũng. Nếu “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” viết về người nông dân thì Quang Dũng lại hướng về phía những tri thức Hà Thành. Và ở người nông dân nghĩa sĩ vẫn hiện lên với những vẻ đẹp truyền thống, vốn có thì ta bắt gặp những khám phá rất mới mẻ, độc đáo trong người lính Tây Tiến: vừa chiến sĩ vừa thi sĩ, đầy mộng mơ mà cũng kiên cường – vẻ đẹp của những con người mới, thời đại mới. Đó là khi họ đã xác định được con đường mình cần đi, đích cần đến, có Đảng soi đường.

      Đến với mỗi bài thơ, ta như gặp thêm được một người, yêu thêm một cách nghĩ, cách hiểu. Dòng chảy văn học Việt Nam vì thế luôn nối tiếp và phát triển theo lịch sử dân tộc.


Bài đăng

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Thuyết Trình Về Gia Đình

Thuyết Minh Về Biển Mỹ Khê Quảng Ngãi

Ngữ văn 6 - Bài 9: Tóm tắt bằng sơ đồ nội dung của một văn bản đơn giản - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 – Bài 10 : Trái Đất - Mẹ của muôn loài - Chân trời sáng tạo

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Thuyết Minh Về Bài Thơ Tiểu Đội Xe Không Kính

Thuyết Trình Về Ô Nhiễm Môi Trường Nước Hiện Nay

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Tuổi thơ tôi (Nguyễn Nhật Ánh) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 5 Văn bản thông tin (Thuật lại sự kiện theo trình tự thời gian) - Cánh Diều

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức