Tả về thầy cô giáo của em

Đề bài: Viết một đoạn văn ngắn tả về cô giáo của em
Bài làm:
  Cô giáo em cao cao, dáng người thon gọn, da trắng hồng, mặc áo dài rất đẹp. Bước vào lớp, cô như mang theo cả mùi thơm của nắng. Cả lớp ngây người nhìn cô. Cô dịu dàng mời cả lớp ngồi xuống. Bắt đầu giờ học, cô nhẹ nhàng viết lên bảng dòng chữ tròn trịa, ngay ngắn. Bàn tay cô lướt nhanh như một hoạ sĩ. Chỉ một loáng, hàng chữ đẹp hiện ra. Cô giảng bài rất dễ hiểu. Giọng đọc của cô thật ấm áp và truyền cảm. Khi giảng bài, khuôn mặt của cô luôn tươi cười biểu lộ sự thân thiện. Bàn tay cô nhẹ nhàng đánh nhịp theo từng câu văn, câu thơ. Đôi mắt cô luôn nhìn thẳng về phía học sinh thể hiện sự cổ vũ, động viên chúng em. Cô giảng bài say sưa đến nỗi trán cô lấm tấm những giọt mồ hôi mà cô vẫn không để ý. Thỉnh thoảng cô đi xuống lớp xem chúng em ghi bài, thảo luận nhóm. Trong bài giảng, cô thường đặt câu hỏi từ dễ đến khó để kích thích sự suy nghĩ của tất cả học sinh trong lớp. Cô lúc nào cũng gần gũi chúng em. Trong những giờ học căng thẳng, cô thường kể cho chúng em nghe những mẩu chuyện ngắn rất hay và bổ ích. Kết thúc tiết học, bao giờ cô cũng lưu ý những điều cần nhớ cho chúng em. Cả lớp em ai cũng yêu quý và kính trọng cô.

Hãy tả lại thầy em lúc đang say sưa giảng một môn học nào đó
Bài làm:
  Bây giờ, đã nhiều năm trôi qua, nhưng tôi không thể nào quên được hình ảnh thầy Huy đang đứng trước bảng đen. Đó là thầy giáo lớp ba của tôi ngày xưa.
   Tuy thầy đã ngoài năm mươi tuổi nhưng thầy vẫn luôn tận tụy với nghề dạy học.
   Tôi nhớ rất rõ, hôm ấy là giờ toán. Bài toán đố thuở ấy, đối với tôi bây giờ không khó lắm, nhưng không hiểu sao cả lớp đều bí, không làm dược. Có lẽ là loại toán mới gặp lần đầu.
   Đề ra xong, cả lớp ngồi cắn viết. Riêng tôi cứ cắm cúi làm, nhưng thật sự tôi cũng chẳng tìm được một lời giải nào.
   Thấy thế, thầy ra lệnh cho cả lớp ngưng viết và cùng nhìn lên bảng. Thầy bắt đầu đọc lại đề toán, nhắc nhở chúng tôi từng chi tiết trong bài.
   Thầy giảng chầm chậm. Cả lớp im phăng phắc, không một ai dám nói chuyện, vì biết tánh thầy rất nghiêm. Giọng thầy hơi run vì tuổi già, nhưng rất ấm áp và rõ ràng. Dường như lúc giảng bài thầy quên hết mọi chuyện xung quanh. Trước mắt chỉ còn đám học trò nhỏ đang lắng nghe thầy. Có lúc thầy lặp đi lặp lại cặn kẽ một vấn đề cần thiết hoặc dừng lại, gọi vài học sinh lơ đãng để truy bài.
Giảng đến đâu, thầy dùng thước vẽ hình đến đó thật cẩn thận. Thầy hay dùng phấn màu tô lại những chỗ cần lưu ý cho chúng tôi.
   Ít ai nghĩ rằng thầy ốm yếu mà có thể giảng bài một cách khoẻ khoắn như thế. Lúc bình thường, thầy chi nói vừa đủ để chúng tôi nghe thôi.
   Nhìn vẻ say sưa giảng bài, tôi thầm kính phục thầy vô cùng. Vì học trò, cả đời thầy không quản khó nhọc. Sau khi giảng xong, tất cả lớp đều hiểu được bài, thầy mỉm một nụ cười sung sướng. Trên vầng trán hơi nhăn của thầy, lấm tấm những giọt mồ hôi làm ướt đấm mấy sợi tóc đã bạc trắng vì cần lao và năm tháng.

Em hãy tả hình dáng và tính tình của thầy giáo đã dạy em.
 Bài làm:
   Gần năm năm trôi qua mà em vẫn còn nhớ hình bóng thầy giáo lớp Một của em như vừa mới gặp thầy ngày hôm qua vậy.
   Trên vầng trán cao và rộng của thầy đã hằn sâu nhiều nếp nhăn. Nhìn mái tóc đã bạc phơ vì năm tháng, gương mặt gầy gầy, em đoán thầy đã dạy học từ lâu lắm rồi. Thầy đã dìu dắt biết bao thế hệ học, trò, đã cầm tay nắn nót từng nét chữ cho học sinh, không biết giờ đây có ai còn nhớ đến thầy không! Mắt thầy chắc cũng yếu rồi nên thầy thường đeo cặp kính trắng, nhất là những lúc nhìn vào sách hay chấm bài chúng em.
   Tuy tuổi đã ngoài năm mươi nhưng ngày nào thầy cũng đến lớp thật sớm để viết từng chữ mẫu vào vở tập viết hoặc bao lại từng quyển sách đã rách bìa cho học sinh mình. Trong chiếc cặp da cũ kỹ đã phai màu của thầy lúc nào cũng có một con dao lam. Mỗi khi viết chính tả, chúng em đều nhờ thầy chuốt lại. Suốt buổi, thầy cứ bận rộn với đám học trò nhỏ mà có bao giờ thầy tỏ vẻ bực bội đâu. Một lần nọ, em mới bước vào lớp, thầy đã gọi ngay lại. Em hơi lo, không biết thầy sẽ quở trách điều gì. Nào ngờ, thầy sửa lại cái bâu áo mà trong lúc vội vàng sơ ý em quên bẻ lại. Cử chỉ thân ái ấy em không thể nào quên được, ít khi thầy la rầy chúng em lắm. Những lúc chúng em chưa ngoan thầy chỉ mỉm cười hiền lành tha thứ và chỉ dẫn tường tận lại cho tất cả cùng hiểu. Thầy thường khuyên chúng em phải cố gắng học hành để mai này trở thành người hữu dụng cho đất nước.
   Trong lớp, hơn ba mươi học trò nhỏ đều coi thầy như vị cha già đầy kính yêu của mình.



Bài đăng

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Thuyết Trình Về Gia Đình

Thuyết Minh Về Biển Mỹ Khê Quảng Ngãi

Ngữ văn 6 – Bài 10 : Trái Đất - Mẹ của muôn loài - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 - Bài 9: Tóm tắt bằng sơ đồ nội dung của một văn bản đơn giản - Kết nối tri thức

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Thuyết Minh Về Bài Thơ Tiểu Đội Xe Không Kính

Ngữ văn 6 Bài 5 Văn bản thông tin (Thuật lại sự kiện theo trình tự thời gian) - Cánh Diều

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Tuổi thơ tôi (Nguyễn Nhật Ánh) - Chân trời sáng tạo

Bài thuyết trình về đất nước Việt Nam

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức