Tiếng Việt 5 tuần 18 ôn tập cuối học kì 1



ÔN TẬP CUỐI HỌC KÌ 1 TUẦN 18

TIẾT 1

Bài  1
Ôn luyện tập đọc và học thuộc lòng.
Trả lời:
Đọc lại các bài tập và học thuộc các bài ở học kì 1
Khi đọc: Chú ý giọng đọc phù hợp với bài đọc; nhịp điệu nhanh, chậm khác nhau và ngắt giọng cho đúng nội dung câu văn, đoạn văn.
Bài 2
Lập bảng thống kê các bài tập đọc trong chủ điểm Giữ lấy màu xanh.
Gợi ý:
Nhớ lại các bài tập đọc trong cùng chủ điểm và hoàn thành bảng.
Trả lời:
Số thứ tự Tên bài Tác giả Thể loại
1 Chuyện một khu vườn nhỏ Văn Long Văn xuôi
2 Tiếng vọng Nguyễn Quang Thiều Thơ tự do
3 Mùa thảo quả Ma Văn Kháng Văn xuôi
4 Hành trình của bầy ong Nguyễn Đức Mậu Thơ lục bát
5 Người gác rừng tí hon Nguyễn Thị Cẩm Châu Văn xuôi
Bài 3
Giả sử em là bạn của nhân vật bạn nhỏ (truyện Người gác rừng tí hon), em hãy nêu nhận xét về bạn nhỏ và tìm dẫn chứng minh họa cho nhận xét của em.
Gợi ý:
Nhớ lại cách hành xử của bạn nhỏ khi gặp bọn trộm gỗ để trả lời.
Trả lời:
- Nhân vật bạn nhỏ chính là một người có ý thức bảo vệ rừng xanh. Bạn đã dùng trí thông minh và lòng dũng cảm để ngăn chặn ngay hành động của những kẻ vô ý thức và độc ác, những kẻ phá hoại rừng xanh. Bạn nhỏ xứng đáng với lời khen "là chàng gác rừng dũng cảm".
TIẾT 2
1. Ôn luyện tập đọc và học thuộc lòng
Trả lời:
Đọc lại các bài tập và học thuộc các bài ở học kì 1
Khi đọc: Chú ý giọng đọc phù hợp với bài đọc; nhịp điệu nhanh, chậm khác nhau và ngắt giọng cho đúng nội dung câu văn, đoạn văn.
2. Lập bảng thống kê các bài tập đọc chủ điểm Vì hạnh phúc con người. Nội dung cần trình bày tên bài, tác giả, thể loại.
Gợi ý:
Nhớ lại các bài tập đọc thuộc chủ điểm Vì hạnh phúc con người rồi điền các thông tin thích hợp để hoàn thành bảng.
Trả lời:
Số thứ tự Tên bài Tác giả Thể loại
1 Chuỗi ngọc lam Phun-tơn O-xlo Văn xuôi
2 Hạt gạo làng ta Trần Đăng Khoa Thơ bốn chữ
3 Buôn Chư Lênh đón cô giáo Hà Đình Cẩn Văn xuôi
4 Về ngôi nhà đang xây Đồng Xuân Lan Thơ tự do
5 Thầy thuốc như mẹ hiền Trần Phương Hạnh Văn xuôi
6 Thầy cúng đi bệnh viện Nguyễn Lăng Văn xuôi
7 Ngu Công xã Trịnh Tường Trường Giang - Ngọc Minh Văn xuôi
8 Ca dao về lao động sản xuất Khuyết danh Lục bát
3. Trong hai bài thơ đã học ở chủ điểm Vì hạnh phúc con người, em thích câu thơ nào nhất? Hãy trình bày cái hay của những câu thơ ấy để các bạn hiểu và tán thưởng sự lựa chọn của em.
Gợi ý:
Xem lại những bài thơ trong chủ điểm Vì hạnh phúc con người rồi lựa chọn những câu thơ mà mình yêu thích.
Trả lời:
- Bài thơ Hạt gạo làng ta của nhà thơ Trần Đăng Khoa, em thích các câu thơ:
Hạt gạo làng ta
Gửi ra tiền tuyến
Gửi về phương xa
Em vui em hát
Hạt vàng làng ta...
Các câu thơ cuối trong bài đã giúp em liên tưởng đến sự đóng góp công sức của người nông dân làm ra hạt gạo để nuôi quân đánh thắng giặc Mĩ xâm lược. Và cũng từ hạt gạo người nông dân làm ra đã góp phần nuôi sống mọi người, tạo nên xã hội ấm no và hạnh phúc. Vì thế nhà thơ Trần Đăng Khoa đã coi hạt gạo như: "Hạt vàng làng ta". Sự so sánh ví von này thật hay và thật chính xác.
- Bài thơ Về ngôi nhà đang xây của nhà thơ Đồng Xuân Lan, em thích các câu thơ:
Bầy chim đi ăn về
Rót vào cửa sổ chưa sơn vài nốt nhạc
Nắng đứng ngủ quên
Trên những bức tường
Làn gió nào về mang hương
Ủ đầy những rãnh tường chưa trát vữa.
Tác giả bài thơ đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa, tạo nên những hình ảnh sinh động, làm cho ngôi nhà đang xây trở nên sống động, nên thơ và ấm cúng lạ thường:
Bầy chim đi ăn về
Rót vào của sổ chưa sơn vài nốt nhạc.
Đó là biểu hiện: "Đất lành chim đậu". Người chưa đến ở, chim đã đến ở hót véo von. Rồi: Làn gió nào mang hương. Gió ùa về với bao hương thơm của đất trời, của sông núi cỏ cây. Ý thơ gợi lên sự ấm cúng, sự trù phú của đời sống con người ngày càng được nâng cao.

TIẾT 3
1. Ôn luyện tập đọc và học thuộc lòng
Trả lời:
Đọc lại các bài tập và học thuộc các bài ở học kì 1
Khi đọc: Chú ý giọng đọc phù hợp với bài đọc; nhịp điệu nhanh, chậm khác nhau và ngắt giọng cho đúng nội dung câu văn, đoạn văn.
2. Điền những từ mà em biết vào bảng.
TỔNG KẾT VỐN TỪ VỀ MÔI TRƯỜNG
  Sinh quyển (môi trường động, thực vật) Thủy quyển (môi trường nước) Khí quyển (môi trường không khí)
Các sự vật trong môi trường M. rừng, ..... M. sông, ..... M. bầu trời, ......
Những hành động bảo vệ môi trường M. trồng rừng, ... M. giữ sạch nguồn nước,.... M. lọc khói công nghiệp, ....


Gợi ý:
Nhớ lại những từ vựng có liên quan đến môi trường để điền vào chỗ trống sao cho thích hợp.
Trả lời:
TỔNG KẾT VỐN TỪ VỀ MÔI TRƯỜNG
  Sinh quyển (môi trường động, thực vật) Thủy quyển (môi trường nước) Khí quyển (môi trường không khí)
Các sự vật trong môi trường Rừng, người, hổ, gấu, khỉ, dê, bò, lợn, gà, chim chóc, cây gụ, sến, cam, xoài, sầu riêng, măng cụt, rau cải, cỏ tranh... Sông, hồ, ao, suối, biển, đại dương, kênh, mương, khe, thác... Mây, trời, vũ trụ, không khí, ánh sáng, khí hậu, thời tiết, gió, nắng...
Những hành động bảo vệ môi trường Không đánh bắt hải sản bằng điện, chất nổ; không khai thác rừng bừa bãi; phủ xanh đồi trọc; trồng rừng ngập mặn; trồng cây gây rừng... Tạo nguồn nước sạch, đào giếng; xây dựng nhà máy lọc nước; xử lí tốt nước thải ở các khu công nghiệp... Thiết kế kĩ thuật hệ thống ống khói các nhà máy; xử lí rác thải thường xuyên; không sử dụng phung phí nguồn nhiên liệu.


TIẾT 4
Câu 1
 Ôn luyện tập đọc và học thuộc lòng.
Chú ý:
- Đọc lại các bài tập và học thuộc các bài ở học kì 1.
- Giọng đọc phù hợp với bài đọc; nhịp điệu nhanh, chậm khác nhau và ngắt giọng cho đúng nội dung câu văn, đoạn văn.
Câu 2
Nghe - viết: Chợ Ta-sken
Chợ Ta-sken
      Chúng tôi ra thăm cảnh chợ. Người qua lại trộn lẫn màu sắc. Đàn ông mặc áo sơ mi đính những nẹp thêu dọc hai ống tay, đầu chụp gọn trong chiếc mũ vải vuông nhỏ. Phụ nữ xúng xính trong chiếc áo dài rộng bằng vải lụa. Trên áo, những đường vân xanh, đỏ, tím, vàng chảy dọc, óng ả chờn vờn như sóng nước hồ. Nước da của họ ngăm bánh mật. Lông mày nhỏ uốn vòng cung. Khuôn mặt bầu bầu chữa cho bớt nhô đôi gò má cao. Tóc đen như mun tết thành hai bím thõng dài mãi xuống quá thắt lưng khẽ ve vẩy theo nhịp bước.
BÙI HIỂN
Viết đúng chính tả một số từ ngữ: Ta-sken, sơ mi, xúng xính, óng ả, ngăm, bớt, thõng, thắt lưng, khẽ ve vẩy.


TIẾT 5
Ôn tập cuối học kì 1 trang 174
Đề bài: Hãy viết thư gửi một người bạn thân ở xa kể lại kết quả học tập, rèn luyện của em trong học kì 1.
Gợi ý:
Một bức thư thường gồm những nội dung sau:
1. Phần đầu thư:
- Địa điểm và thời gian viết thư
- Lời thưa gửi
2. Phần chính:
- Nêu mục đích, lí do viết thư
- Thăm hỏi tình hình  của người nhận thư
- Thông báo tình hình của người viết thư
- Nêu ý kiến trao đổi hoặc bày tỏ tình cảm với người nhận thư
3. Phần cuối thư:
- Lời chúc, lời cảm ơn, hứa hẹn
- Chữ kí và tên hoặc họ, tên
Trả lời:
An bình, ngày 15 tháng 12 năm 2019
Chị kính mến!
Hôm nay em tranh thủ biên thư thăm chị. Lời đầu thư em kính chúc chị gái của em luôn mạnh khỏe và luôn luôn giữ danh hiệu là sinh viên xuất sắc nhất trường Đại học.
Chị ơi! Tết cổ truyền sắp đến rồi, chị nhỉ. Em nôn nao chờ đến ngày đó để cả nhà mình sum vầy và đặc biệt là chị em mình được ở bên nhau. Lúc đó chắc thích lắm, chị Nga nhỉ!
Chị xa nhớ! Ở nhà bố mẹ vẫn mạnh khỏe và lúc nào cũng nhớ và nhắc chị. Em biết: bố mẹ yêu thương các con và tự hào về chị em chúng mình lắm. Cố lên chị nhé, chị em ta sẽ luôn làm cho bố mẹ vui lòng mà yên tâm công tác. Chị đồng ý đi! Còn bây giờ, em kể cho chị nghe về kết quả học tập, rèn luyện của em trong học kì 1 vừa qua nhé.
Chị biết không? Lớp em có nhiều bạn học giỏi lắm! Cuối học kì 1, lớp 5A của em có 10 bạn được xếp loại học sinh giỏi. Em gái của chị: Nguyễn Thanh Ngọc, được xếp hạng 5 trong 10 học sinh giỏi ấy đấy. Chị có vui cho em gái của chị không? Điểm trung bình các môn học của em là 9.0, chị ạ! Các thầy giáo, cô giáo dạy ở lớp khác đều dành cho lớp 5A chúng em nhiều lời khen ngợi. Chúng em thấy lớp mình phải cố gắng nhiều hơn.
Đầu năm học lớp 5, mẹ dẫn em đến trường, em thấy là lạ thế nào ấy. Thầy chủ nhiệm mới, phòng học mới, bàn ghế, chỗ ngồi học mới, lại có nhiều bạn mới nữa. Em cứ tự nhủ thầm: phải mau chóng hòa đồng với tập thể bạn bè và tiếp tục giữ vững danh hiệu học sinh giỏi như năm học vừa qua. Thế là em đã phấn đấu hết sức để thực hiện lời hứa đó. Em luôn lắng nghe lời giảng của thầy để hiểu bài tại lớp. Bài nào chưa hiểu thì em lại được thầy giảng cho hiểu hơn. Em trao đổi với các bạn trong lớp cho đến khi nắm chắc được bài đã học. Về nhà, giờ tự học, em luôn học thuộc các bài đã học ở lớp, giải hết các bài tập thầy đã giao cho. Những bài khó hoặc vướng mắc chỗ nào thì em lại được bố và mẹ giảng giải, chỉ dẫn thêm. Nhờ vậy, sức học của em vẫn tiến bộ như trước, bản thân em luôn phấn đấu học tập để bố mẹ yên tâm lo liệu cuộc sống cho gia đình. Em biết ơn công lao và tấm lòng của thầy cô giáo và cha mẹ thật nhiều. Kết quả học kì 1 vừa qua của em chính là món quà em kính dâng lên thầy cô và cha mẹ. Chị Nga thấy em gái nhỏ của chị có đáng yêu không nào?
Thôi, em dừng bút nhé. Tết về, em còn kể cho chị nghe nhiều chuyện hay lắm nữa cơ. Em kính chúc sức khỏe của chị. Còn em thì lúc nào cũng lấy tấm gương học tập tốt, rèn luyện tốt của chị để làm gương cho mình đấy.
                                       Em gái của chị
                                         Thanh Ngọc

TIẾT 6
Câu 1
Ôn luyện tập đọc và học thuộc lòng.
Chú ý:
- Đọc lại các bài tập và học thuộc các bài ở học kì 1
- Giọng đọc phù hợp với bài đọc; nhịp điệu nhanh, chậm khác nhau và ngắt giọng cho đúng nội dung câu văn, đoạn văn.
Câu 2
Đọc và trả lời câu hỏi:
  Chiều biên giới
Chiều biên giới em ơi
Có nơi nào cao hơn
Như đầu sông đầu suối
Như đầu mây đầu gió
Như quê ta – ngọn núi
Như đất trời biên cương.

Chiều biên giới em ơi
Có nơi nào đẹp hơn
Khi mùa đào hoa nở
Khi mùa sở ra cây
Lúa lượn bậc thang mây
Mùi tỏa ngát hương bay.

Chiều biên giới em ơi
Rừng chăng dây điện sáng
Ta nghe tiếng máy gọi
Như nghe tiếng cuộc đời
Lòng ta thầm mê say
Trên nông trường lộng gió
Rộng như trời mênh mông.
                         LÒ NGÂN SỦN
a) Tìm trong bài thơ một từ đồng nghĩa với từ biên cương.
b) Trong khổ thơ 1, các từ đầu và ngọn được dùng với nghĩa gốc hay nghĩa chuyển?
c) Có những đại từ xưng hô nào được dùng trong bài thơ?
d) Viết một câu miêu tả hình ảnh mà câu thơ Lúa lượn bậc thang mây gợi ra cho em.
Trả lời:
a) Từ đồng nghĩa với từ biên cương là: biên giới.
b) Cả từ đầu và ngọn đều được dùng theo nghĩa chuyển.
c) Trong bài thơ có hai đại từ xưng hô là: em và ta
d) Viết câu miêu tả hình ảnh mà câu thơ Lúa lượn bậc thang mây gợi ra cho em:
Lúa trĩu hạt mỡ màng trên ruộng bậc thang, trông xa như từng lớp mây đang sà xuống mặt đất.

TIẾT 7 : BÀI LUYỆN TẬP
A
Đọc thầm
     Phía sau làng tôi có một con sông lớn chảy qua. Bốn mùa sông đầy nước. Mùa hè, sông đỏ lựng phù sa với những con lũ dâng đầy. Mùa thu, mùa đông, những bãi cát non nổi lên, dân làng tôi thường xới đất, trỉa đỗ, tra ngô, kịp gieo trồng một vụ trước khi những con lũ năm sau đổ về.
     Tôi yêu con sông vì nhiều lẽ, trong đó một hình ảnh tôi cho là đẹp nhất, đó là những cánh buồm. Có những ngày nắng đẹp trời trong, những cánh buồm xuôi ngược giữa dòng sông phẳng lặng. Có cánh màu nâu như màu áo của mẹ tôi. Có cánh màu trắng như màu áo của chị tôi. Có cánh màu xám bạc như màu áo bố tôi suốt ngày vất vả trên đồng. Những cánh buồm đi như rong chơi, nhưng thực ra nó đang đẩy con thuyền chở đầy hàng hóa. Từ bờ tre làng, tôi vẫn gặp những cánh buồm lên ngược về xuôi. Lá cờ nhỏ trên đỉnh cột buồm phấp phới trong gió như bàn tay tí xíu vẫy vẫy bọn trẻ chúng tôi. Còn lá buồm thì cứ căng phồng như ngực người khổng lồ đẩy thuyền đi đến chốn, về đến nơi, mọi ngả mọi miền, cần cù, nhẫn nại, suốt năm, suốt tháng, bất kể ngày đêm.
      Những cánh buồm chung thủy cùng con người, vượt qua bao sóng nước, thời gian. Đến nay, đã có những con tàu to lớn, có thể vượt biển khơi. Nhưng những cánh buồm vẫn sống cùng sông nước và con người.
THEO BĂNG SƠN
B. Dựa vào nội dung bài đọc, chọn ý trả lời đúng:
Câu 1
Nên chọn tên nào đặt cho bài văn trên?
a) Làng tôi
b) Những cánh buồm
c) Quê hương
Gợi ý:
Đọc kĩ bài văn và xác định xem sự vật nào xuất hiện nhiều nhất, là chủ đề chính được nhắc tới trong bài văn.
Trả lời:
 b. Những cánh buồm.
Câu 2
Suốt bốn mùa, dòng sông có đặc điểm gì?
a) Nước sông đầy ắp
b) Những con lũ dâng đầy.
c) Dòng sông đỏ lựng phù sa.
Gợi ý:
Đọc đoạn văn thứ nhất.
Trả lời:
a. Nước sông đầy ắp
Câu 3
Màu sắc của những cánh buồm được tác giả so sánh với gì?
a) Màu nắng của những ngày đẹp trời.
b) Màu áo của những người lao động vất vả trên cánh đồng.
c) Màu áo của những người thân trong gia đình.
Gợi ý:
Đọc kĩ đoạn văn thứ 3 và tìm xem những điều được so sánh với màu sắc của cánh buồm có đặc điểm gì.
Trả lời:
 c. Màu áo của những người thân trong gia đình.
Câu 4
Cách so sánh trên (nêu ở câu 3) có gì hay?
a) Miêu tả được chính xác màu sắc rực rỡ của những cánh buồm.
b) Cho thấy cánh buồm cũng vất vả như những người nông dân lao động.
c) Thể hiện được tình yêu của tác giả đối với những cánh buồm trên dòng sông quê hương.
Gợi ý:
Chú ý tới tình cảm mà bạn nhỏ dành cho người thân, từ đó liên hệ tới tình cảm mà bạn dành cho cánh buồm.
Trả lời:
 c. Thể hiện được tình yêu của tác giả đối với những cánh buồm trên dòng sông quê hương.
Câu 5
Câu văn nào trong bài văn tả đúng một cánh buồm căng gió?
a) Những cánh buồm đi như rong chơi.
b) Lá buồm căng phồng như ngực người khổng lồ.
c) Những cánh buồm xuôi ngược giữa dòng sông phẳng lặng.
Gợi ý:
Đọc đoạn văn thứ ba.
Trả lời:
b. Lá buồm căng phồng như ngực người khổng lồ.
Câu 6
Vì sao tác giả nói những cánh buồm chung thủy cùng con người?
a) Vì những cánh buồm đẩy thuyền lên ngược về xuôi, giúp đỡ con người.
b) Vì cánh buồm gắn bó với con người từ bao đời nay.
c) Vì những cánh buồm quanh năm, suốt tháng cần cù, chăm chỉ như con người.
Gợi ý:
Cánh buồm đã ở bên cạnh con người từ bao giờ?
Trả lời:
b. Vì những cánh buồm gắn bó với con người từ bao đời nay.
Câu 7
Trong bài văn có mấy từ đồng nghĩa với từ to lớn?
a) Một từ
b) Hai từ
c) Ba từ
Gợi ý:
Từ đồng nghĩa là từ có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau.
To lớn: to và lớn (ý nói khái quát)
Trả lời:
b. Hai từ (Đó là các từ: khổng lồ, lớn)
Câu 8
Trong câu "Từ bờ tre làng tôi, tôi vẫn gặp những cánh buồm lên ngược về xuôi.", có mấy cặp từ trái nghĩa?
a) Một cặp từ.
b) Hai cặp từ.
c) Ba cặp từ.
Gợi ý:
Từ trái nghĩa là những từ có nghĩa trái ngược nhau.
Trả lời:
a. Một cặp từ. (Đó là các từ: lên-về, ngược - xuôi)
Câu 9
Từ trong ở cụm từ phấp phới trong gió và từ trong ở cụm từ nắng trời đẹp trong có quan hệ với nhau như thế nào?
a) Đó là một từ nhiều nghĩa.
b) Đó là hai từ đồng nghĩa.
c) Đó là hai từ đồng âm.
Gợi ý:
Chỉ ra nghĩa của từ trong ở mỗi cụm từ trên:
- Nếu nghĩa của chúng khác xa nhau: đó là từ đồng âm
- Nếu nghĩa của chúng liên quan với nhau thì đó là từ nhiều nghĩa.
Trả lời:
c. Đó là hai từ đồng âm.
Câu 10
Trong câu "Còn lá buồm thì cứ căng phồng như ngực người khổng lồ đẩy thuyền đi.", có mấy quan hệ từ?
a) Một quan hệ từ.
b) Hai quan hệ từ.
c) Ba quan hệ từ.
Gợi ý:
Đọc thật kĩ để tìm quan hệ từ trong câu.
Trả lời:
c. Ba quan hệ từ. (Đó là các từ: còn, thì, như)

TIẾT 8 : BÀI LUYỆN TẬP
Đề bài: Em hãy tả một người thân đang làm việc, ví dụ: đang nấu cơm, khâu vá, làm vườn, đọc báo, xây nhà hay học bài...
Gợi ý:
A. Mở bài: Giới thiệu người thân đó khi đang làm việc.
B. Thân bài: Tả người thân khi đang làm việc, tập trung vào tả hoạt động của người đó.
C. Kết bài: Tình cảm của em đối với người đó.

Bài làm
        Suốt những năm tháng qua, em từng ngày lớn khôn nên người. Từ lúc em mới chào đời đến bây giờ đã hơn mười năm rồi. Người đã nuôi nấng chăm sóc em suốt thời gian qua là mẹ em.
       Mẹ em mang tên của một loài hoa vào ngày xuân, đó là hoa mai. Mẹ em năm nay đã ba mươi tám tuổi. Dáng người mẹ em đầy đặn và cân đối. Mẹ em có nước da trắng hồng. Khuôn mặt mẹ hình trái xoan trông rất phúc hậu. Mái tóc mẹ đen mướt và mượt được chải rất gọn gàng. Đôi mắt đen láy tựa ánh sao trời. Cái mũi dọc dừa, nhìn kỹ trông mẹ như một quí bà sang trọng. Em rất thích cái miệng tươi cười của mẹ. Bàn tay gầy guộc, rám nắng, có những vết chai. Nhưng chính đôi bàn tay này mẹ đã chăm sóc cả gia đình em, chăm chút chị em em khôn lớn thành người. Mẹ là một người phụ nữ tuyệt vời. Dù hằng ngày rất bận bịu với công việc buôn bán nhưng mẹ vẫn chuẩn bị bữa ăn cho gia đình. Những buổi sáng cuối tuần, sau khi hoàn thành bài tập cô giáo giao, em chạy xuống bếp thấy mẹ đang lúi húi làm bữa cơm trưa cho cả nhà. Bàn tay của mẹ thoăn thoắt như múa, như làm ảo thuật với các loại rau củ.
       Mẹ em lần lượt chuẩn bị nguyên liệu cho món ăn. Sau khi chuẩn bị xong, mẹ em bật bếp lên rồi nấu canh, kho cá. Gương mặt của mẹ đã ửng hồng vì hơi lửa. Trên trán đã lấm tấm mồ hôi nhưng mẹ không để ý, vẫn luôn chăm chú với công việc. Nấu ăn dường như không bao giờ mẹ phải thử mà vẫn rất vừa miệng. Mẹ nhanh nhẹn cho thức ăn ra đĩa và trang trí sao cho đẹp mắt. Vừa bày thức ăn ra chiếc mâm bằng kim loại mẹ vừa giảng dạy cho em thế nào để bày biện mâm cơm gia đình được đẹp mắt và ngon miệng. Nhìn bữa cơm ngon lành, em thầm cảm ơn mẹ đã mang lại hạnh phúc cho gia đình.
Mỗi năm xuân sang, chúng em được thêm một tuổi, mẹ lại già thêm một chút. Nhưng đối với em mẹ vẫn là một người phụ nữ đảm dang, luôn ân cần bên con cái, mang lại niềm hạnh phúc cho gia đình. Em hứa với lòng mình sẽ cố gắng học thật tốt và giúp mẹ làm việc nhà, để đỡ đần cho mẹ lúc tuổi già, sức yếu cho mẹ bớt nhọc nhằn, sống lâu, hạnh phúc.

Bài đăng

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Thuyết Minh Về Biển Mỹ Khê Quảng Ngãi

Thuyết Minh Về Một Danh Lam Thắng Cảnh Ở Huế

Thuyết Minh Về Bài Thơ Tiểu Đội Xe Không Kính

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Tuổi thơ tôi (Nguyễn Nhật Ánh) - Chân trời sáng tạo

Thuyết Trình Về Gia Đình

Thuyết Trình Về Ô Nhiễm Môi Trường Nước Hiện Nay

Viết Đoạn Văn 200 Chữ Về Suy Nghĩ Tích Cực

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Bài thuyết trình về đất nước Việt Nam

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức