Tiếng Việt 4 tuần 19: Bốn anh tài

 TIẾNG VIỆT 4: TẬP HAI 

TUẦN 19: BỐN ANH TÀI
Tập đọc : Bốn anh tài
Nội dung
Ca ngợi sức khỏe, tài năng, lòng nhiệt thành làm việc nghĩa của bốn anh em Cẩu Khây.
Câu chuyện
Bốn anh tài
   Ngày xưa, ở bản kia có một chú bé tuy nhỏ người nhưng ăn một lúc hết chín chõ xôi. Dân bản đặt tên cho chú là Cẩu Khây. Cẩu Khây lên mười tuổi, sức đã bằng trai mười tám; mười lăm tuổi đã tinh thông võ nghệ.
   Hồi ấy, trong vùng xuất hiện một con yêu tinh chuyên bắt người và súc vật. Chẳng mấy chốc, làng bản tan hoang, nhiều nơi không còn ai sống sót. Thương dân bản, Cẩu Khây quyết chí lên đường diệt trừ yêu tinh.
   Đến một cánh đồng khô cạn, Cẩu Khây thấy một cậu bé vạm vỡ đang dùng tay làm vồ đóng cọc để đắp đập dẫn nước vào ruộng. Mỗi quả đấm của cậu giáng xuống, cọc tre thụt sâu hàng gang tay. Hỏi chuyện, Cẩu Khây biết tên cậu là Nắm Tay Đóng Cọc. Nắm Tay Đóng Cọc sốt sắng xin được cùng Cẩu Khây đi diệt trừ yêu tinh.
   Đến một vùng khác, hai người nghe có tiếng tát nước ầm ầm. Họ ngạc nhiên thấy một cậu bé đang lấy vành tai tát nước suối lên một thửa ruộng cao bằng mái nhà. Nghe Cẩu Khây nói chuyện, Lấy Tai Tát Nước hăm hở cùng hai bạn lên đường.
   Đi được ít lâu, ba người lại gặp một cậu bé đang ngồi dưới gốc cây, lấy móng tay đục gỗ thành lòng máng dẫn nước vào ruộng. Cẩu Khây cùng các bạn đến làm quen và nói rõ chí hướng của ba người. Móng Tay Đục Máng hăng hái xin được làm em út đi theo.
                           (còn nữa)
              TRUYỆN CỔ DÂN TỘC TÀY
Bài 1
Cẩu Khây có sức khỏe và tài năng như thế nào?
Trả lời:
Cẩu Khây là cậu bé có sức khỏe và tài năng khác thường: khi còn bé, cậu ăn một lúc hết chín chõ xôi; khi mười tuổi cậu đã khỏe bằng trai mười tám; khi mười lăm tuổi, cậu đã giỏi võ nghệ.
Bài 2
Có chuyện gì xảy ra với quê hương Cẩu Khây?
Trả lời:
Chuyện dữ đã xảy ra ở quê hương Cẩu Khây là đột nhiên có một con yêu tinh xuất hiện hại súc vật và giết hại cả dân làng. Nhiều nơi không còn ai sống sót.
Bài 3
Cẩu Khây đi diệt trừ yêu tinh với ai?
Trả lời:
Cẩu Khây quyết đi tìm diệt yêu tinh cùng với Nắm Tay Đóng Cọc, Lấy Tai Tát Nước và Móng Tay Đục Máng.
Bài 4
Mỗi bạn của Cẩu Khây có tài năng gì?
Trả lời:
Mỗi bạn của Cẩu Khây có một tài năng riêng:
- Nắm Tay Đóng Cọc có thể dùng nắm đấm của mình giáng cho cọc tre thụt sâu xuống đất.
- Lấy Tai Tát Nước có thể dùng vành tai của mình tát nước suối từ dưới thấp lên rất cao.
- Móng Tay Đục Máng có thể dùng móng tay của mình đục gỗ thành lòng máng dẫn nước vào ruộng.

Chính tả (Nghe - viết): Kim tự tháp Ai Cập

Bài 1
Nghe - Viết:
Kim tự tháp Ai Cập
      Kim tự tháp Ai Cập là lăng mộ của các hoàng đế Ai Cập cổ đại. Đó là những công trình kiến trúc xây dựng toàn bằng đá tảng. Từ cửa kim tự tháp đi vào là một hành lang tối và hẹp, đường càng đi càng nhằng nhịt dẫn tới những giếng sâu, phòng chứa quan tài, buồng để đồ,... Thăm kim tự tháp, người ta không khỏi ngạc nhiên: Người Ai Cập cổ không có những phương tiện chuyên chở vật liệu như hiện nay, làm thế nào mà họ đã vận chuyển được những tảng đá to như vậy lên cao?
Theo NHỮNG KÌ QUAN THẾ GIỚI
Bài 2
Chọn chữ viết đúng chính tả trong ngoặc đơn để hoàn chỉnh các câu văn dưới đây:
      Con người là (sinh/xinh) vật kì diệu nhất trên trái đất. Họ (biếc/biết) trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng nhà cửa, khai phá những bí mật nằm sâu trong lòng đất, chinh phục đại đương, chinh phục khoảng không vũ trụ bao la. Họ còn (biếc/biết) làm thơ, vẽ tranh, (sáng/xáng) tác âm nhạc, tạo ra những công trình (tuyệc/tuyệt) mĩ,... Họ đã làm cho trái đất trở nên tươi đẹp và tràn đầy sức sống. Con người (sứng/xứng) đáng được gọi là "Hoa của đất”.
Trả lời:
      Con người là sinh vật kì diệu nhất trên trái đất. Họ biết trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng nhà cửa, khai phá những bí mật nằm sâu trong lòng đất, chinh phục đại đương, chinh phục khoảng không vũ trụ bao la. Họ còn biết làm thơ, vẽ tranh, sáng tác âm nhạc, tạo ra những công trình kiến trúc tuyệt mĩ,... Họ đã làm cho trái đất trở nên tươi đẹp và tràn đầy sức sống. Con người xứng đáng được gọi là "Hoa của đất”.
Bài 3
Xếp các từ ngữ sau thành 2 cột:
a. sắp sếp, sáng sủa, sản sinh, tinh sảo, bổ xung, sinh động
b. thân thiếc, thời tiết, công việc, nhiệc tình, chiết cành, mải miếc
Từ ngữ viết đúng chính tả Từ ngữ viết sai chính tả
M: sáng sủa, thời tiết M: sắp sếp, thân thiếc
Trả lời:
Từ ngữ viết đúng chính tả Từ ngữ viết sai chính tả
a)   sáng sủa, sản sinh, sinh động
b)   thời tiết, công việc, chiết cành a)   sắp sếp, tinh sảo, bổ sung
b)   thân thiếc, nhiệc tình, mải miếc.

Luyện từ và câu: Chủ ngữ trong câu kể Ai làm gì?
I. Nhận xét
Đọc đoạn văn đã cho. Trả lời các câu hỏi.
      Một đàn ngỗng vươn dài cổ, chúi mỏ về phía trước, định đớp bọn trẻ. Hùng đút vội khẩu súng gỗ vào túi quần, chạy biến. Thắng mếu máo nấp vào sau lưng Tiến. Tiến không có súng, cũng chẳng có kiếm. Em liền nhặt một cành xoan, xua đàn ngỗng ra xa. Đàn ngỗng kêu quàng quạc, vươn cổ chạy miết.
Theo TIẾNG VIỆT 2, 1988

1. Tìm các câu kể Ai làm gì? Trong đoạn văn trên.
Gợi ý:
Câu kể Ai là gì? thường gồm hai bộ phận:
- Bộ phận thứ nhất là chủ ngữ, trả lời cho câu hỏi: Ai (con gì, cái gì)?
- Bộ phận thứ hai là vị ngữ, trả lời cho câu hỏi: Làm gì?
Trả lời:
Một đàn ngỗng vươn dài cổ, chúi mỏ về phía trước, định đớp bọn trẻ.
Hùng đút vội khẩu súng gỗ vào túi quần, chạy biến.
Thắng mếu máo nấp vào sau lưng Tiến.
Em liền nhặt một cành xoan, xua đàn ngỗng ra xa.
Đàn ngỗng kêu quàng quạc, vươn cổ chạy miết.
2. Xác định chủ ngữ trong các câu trên.
Gợi ý:
Trong câu kể Ai làm gì? chủ ngữ chỉ sự vật (người, con vật hay đồ vật, cây cối được nhân hoá) có hoạt động được nói đến ở vị ngữ.
Trả lời:
Các câu trên có các chủ ngữ là: Một đàn ngỗng, Hùng, Thắng, Em, Đàn ngỗng.
3. Nêu ý nghĩa của chủ ngữ:
Gợi ý:
Con quan sát các chủ ngữ vừa tìm được để trả lời.
Trả lời:
Trong câu kể "Ai làm gì?" chủ ngữ chỉ sự vật (người, con vật hay đồ vật, cây cối,...) có hoạt động được nói đến ở vị ngữ.
4. Cho biết chủ ngữ của các câu trên do loại từ ngữ nào tạo thành?
Gợi ý:
Con quan sát các chủ ngữ vừa tìm được ở câu 2 để trả lời.
Trả lời:
-  Trong các câu trên, chủ ngữ được tạo thành bởi:
+ Danh từ riêng chỉ tên người: Hùng, Thắng, Tiến.
+ Đại từ chỉ người: em.
+ Danh từ, cụm danh từ: một đàn ngỗng, đàn ngỗng.

II. GHI NHỚ
1 . Trong câu kể Ai làm gì ?, chủ ngữ chỉ sự vật ( người , con vật hay đồ vật, cây cối được nhân hóa) có hoạt động được nói đến ở vị ngữ. 
2 . Chủ ngữ thường do danh từ (hoặc cụm danh từ) tạo thành.

III. LUYỆN TẬP
1. Đọc đoạn văn sau:
      Cả thung lũng như một bức tranh thủy mặc. Những sinh hoạt của ngày mới bắt đầu. Trong rừng, chim chóc hót véo von. Thanh niên lên rẫy. Phụ nữ giặt giũ bên những giếng nước. Em nhỏ đùa vui trước nhà sàn. Các cụ già chụm đầu bên những ché rượu cần.
a)  Tìm các câu kể Ai làm gì? trong đoạn trên.
Gợi ý:
Câu kể Ai là gì? thường gồm hai bộ phận:
- Bộ phận thứ nhất là chủ ngữ, trả lời cho câu hỏi: Ai (con gì, cái gì)?
- Bộ phận thứ hai là vị ngữ, trả lời cho câu hỏi: Làm gì?
Trả lời:
Các câu kể Ai làm gì? trong đoạn văn trên là:
Trong rừng, chim chóc hót véo von.
Thanh niên lên rẫy.
Phụ nữ giặt giũ bên những giếng nước.
Em nhỏ đùa vui trước nhà sàn
Các cụ già chụm đầu bên những chén rượu cần.
b) Xác định chủ ngữ của các câu trên.
Gợi ý:
Trong câu kể Ai làm gì? chủ ngữ chỉ sự vật (người, con vật hay đồ vật, cây cối được nhân hoá) có hoạt động được nói đến ở vị ngữ.
Trả lời:
Các câu trên có các chủ ngữ là: Chim chóc, Thanh niên, Phụ nữ , Em nhỏ, Các cụ già
2. Đặt câu với các từ ngữ sau làm chủ ngữ
a)  Các chú công nhân
b)  Mẹ em
c)  Chim sơn ca 
Trả lời:
a)  Đúng bảy giờ sáng, các chú công nhân bắt đầu làm việc trong nhà máy.
b)  Mẹ em ra dồng cấy lúa.
c)  Chim sơn ca hót véo von trên ngọn cây cao.
3. Đặt câu nói về hoạt động của từng nhóm người hoặc vật được miêu tả trong bức tranh bên:

Gợi ý:
Quan sát tranh để xem các nhân vật đang làm gì để đặt câu.
Trả lời:
Các câu cần đặt:
-   Sáng sớm, ông mặt trời nhô lên khỏi rặng tre làng.
-   Đàn sếu mải miết bay về phương Nam.
-  Các em nhỏ hớn hở tới trường.
-  Các chú công nhân lái máy cày ra đồng.
-  Những người phụ nữ nhanh tay gặt lúa.

Kể chuyện: Bác đánh cá và gã hung thần

1. Dựa theo lời kể của cô giáo (thầy giáo), em hãy thuyết minh cho nội dung mỗi bức tranh dưới đây bằng 1 hoặc 2 câu:

Trả lời
Cần phải nghe thầy, cô giáo kể rồi mới có thể kể lại đầy đủ. Ở đây chỉ gợi ý như sau:
Tranh 1: Bác đánh cá ra biển kéo lưới bắt cá.
Tranh 2: Trong một mẻ lưới bác đánh cá kéo lên được một cái bình đậy nút kín.
Tranh 3: Tò mò, bác mở nút bình ra xem có gì đựng trong bình thì lão hung thần bị giam trong đó bay thoát ra ngoài và đe dọa bác.
Tranh 4: Hết sức bình tĩnh, bác đánh cá tỏ ý không tin rằng hắn lại có thể ở trong một cái bình nhỏ xíu. Bác muốn hắn chui thử vào cho bác xem tận mắt, bác mới tin.
Tranh 5: Tên hung thần ngu ngốc tự thu nhỏ mình lại và lại chui vào bình. Bác đánh cá nhanh tay đậy nút bình lại nhốt chặt hắn ở trong đó.
2. Kể lại toàn bộ câu chuyện
Trả lời:
      Ở làng nọ, có một bác ngư dân đánh cá. Một hôm, bác ra biển quăng lưới. Thật buồn, suốt ngày kéo lưới lên chỉ toàn rong biển, không được lấy một con cá nhỏ. Ngán ngẩm quá, bác định thả mẻ lưới cuối cùng rồi về. Thật kì lạ! Lần kéo lưới cuối cùng ấy có một chiếc bình bằng đồng mắc trong mẻ lưới. Bác ngư dân mừng lắm, nghĩ bụng: “Cái bình này đem ra chợ bán cũng được khối tiền”.Cầm chiếc bình lên thấy nặng, miệng bình gắn chì kín mít, bác bèn lấy dao nạy nắp bình để xem bên trong có những gì.  Nắp bình vừa bật ra thì một làn khói đen kịt từ trong bình bay lên. Bác đánh cá chưa hết ngạc nhiên thì làn khói tụ lại, một gã hung thần hiện ra từ làn khói đen đúa ấy. Gã hung thần ồm ồm nói: 
-  Ta báo cho nhà ngươi biết, nhà ngươi đã đến ngày tận số.   
Bác đánh cá lúng túng nhưng rồi kịp trấn tĩnh ngay. Bác mắng gã hung thần:
-  Ta đã cứu ngươi ra khỏi cái bình kia, sao ngươi lại trở mặt giết ta? Gã hung thần nói
-  Ta là hung thần bị trời phạt hóa kiếp thành quỷ, nhốt vào cái bình ấy rồi vứt xuống biển. Mấy trăm năm nằm dưới biến sâu. Ta đã thề rằng: ai cứu ta khỏi cái bình tối tăm ấy thì ta sẽ làm cho người ấy trở nên giàu sang, phú quí. Ta đã chờ mãi nhưng chẳng ai đến cứu. Bởi thế ta đã đổi lời nguyền: kẻ nào cứu ta sẽ phải chết. Ta vừa dứt lời thì ngươi cứu ta. Vậy nên ngươi phải chết. 
Nghe gã hung thần láo xược như thế, bác đánh cá tức giận nhưng bác bình tĩnh nói: 
-  Thôi được, chết cũng chẳng có gì đáng sợ, nhưng trước khi chết ta muốn biết một điều. 
Gã hung thần hỏi:                               
-  Điều gì?                                              
Bác đánh cá chỉ vào người hắn và nói:
-  Ngươi to lớn như thế làm sao chui lọt vào cái bình bé tí này?
Gã hung thần nhe răng vẻ tức giận, quát rằng:
-  Ngươi không tin ư?
Bác đánh cá lắc đầu, bảo:
-  Không thể tin được trừ khi ta tận mắt thấy chính ngươi chui vào trong bình.
Gã hung thần rùng mình một cái biến thành một vệt khói đen ngòm, vệt khói bay đến tận trời xanh, tụ lại rồi chui tọt vào bình. Bác đánh cá vội lấy cái nắp bằng chì nút chặt miệng bình. Gã hung thần cố sức vung vẫy, tìm cách chui ra nhưng đã muộn mất rồi. Bác đánh cá vứt cái bình trở lại biển sâu. Thế là kẻ ác độc suốt đời phải nằm dưới đáy biển.
3. Ý nghĩa câu chuyện
Gợi ý:
Từ việc bác đánh cá nhanh trí lừa gã hung thần độc ác bội bạc phải chui lại vào cái bình khiến con có suy nghĩ gì?
Trả lời
Câu chuyện đề cao trí thông minh của con người. Nhờ có trí thông minh đó mà con người có thể giải quyết được nhiều điều khó khăn, nguy hiểm.

Chuyện cổ tích về loài người

Nội dung
Mọi vật có trên trái đất này là vì có con người, vì trẻ em. Hãy dành cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất.
Bài thơ
Chuyện cổ tích về loài người
               (trích)
Trời sinh ra trước nhất
Chỉ toàn là trẻ con
Trên trái đất trụi trần
Không dáng cây ngọn cỏ.
Mắt trẻ con sáng lắm
Nhưng chưa thấy gì đâu
Mặt trời mới nhô cao
Cho trẻ con nhìn rõ.
Nhưng còn cần cho trẻ
Tình yêu và lời ru
Cho nên mẹ sinh ra
Để bế bồng chăm sóc.
Muốn cho trẻ hiểu biết
Thế là bố sinh ra
Bố bảo cho biết ngoan
Bố dạy cho biết nghĩ.
Rộng lắm là mặt bể
Dài lắm con đường đi
Núi thì xanh và xa
Hình tròn là trái đất.
Chữ bắt đầu có trước
Rồi có ghế có bàn
Rồi có lớp có trường
Và sinh ra thầy giáo.
Cái bảng bằng cái chiếu
Cục phấn từ đá ra
Thầy viết chữ thật to
"Chuyện loài người" trước nhất.
                                  XUÂN QUỲNH
Bài 1
Trong chuyện cổ tích này, ai là người được sinh ra đầu tiên?
Trả lời:
- Trong chuyện cổ tích này, trẻ con được sinh ra đầu tiên. Trẻ con được ông trời sinh ra đầu tiên trên trái đất này.
Bài 2
Sau khi trẻ sinh ra, vì sao cần có ngay người mẹ?
Trả lời:
- Sau khi trẻ sinh ra, trẻ cần được nâng niu, chăm sóc, nuôi dưỡng nên cần có ngay người mẹ.
Bài 3
Bố và thầy giáo giúp trẻ em những gì?
Gợi ý:
Đọc đoạn thơ thứ tư và thứ bảy.
Trả lời:
-  Bố sinh ra để dạy cho trẻ ngoan và biết suy nghĩ đúng về mọi điều trong cuộc sống.
- Thầy giáo sinh ra để giảng dạy cho trẻ em ngày càng có thêm nhiều kiến thức.
Bài 4
Theo em, ý nghĩa của bài thơ này là gì?
Trả lời:
Bài thơ này dùng cách nói ngược (trẻ sinh ra trước, bố mẹ và thầy giáo sinh ra sau) để nhấn mạnh điều này: trẻ em là nhân vật trung tâm của gia đình và xã hội vì thế các em cần được mọi người quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ.

Tập làm văn: Luyện tập xây dựng mở bài trong bài văn miêu tả đồ vật.
Bài 1
Dưới đây là một số đoạn mở bài cho bài văn miêu tả cái cặp sách. Các đoạn ấy có gì giống nhau và có gì khác nhau?
a. Vào ngày khai trường, bố mẹ mua cho em một chiếc cặp sách rất đẹp
b. Ai là học sinh mà chẳng có cặp sách! Thế mà suốt mấy năm nay em chỉ có một chiếc túi vải đơn sơ mang tới trường.
c. Chủ nhật vừa qua mưa nặng hạt, em không đi thăm bà ngoại được, ba bảo em giúp ba sắp xếp lại cái tủ ở trong buồng. Giữa đống đồ đạc cũ ba dỡ từ trên nóc tủ xuống, chợt em gặp lại chiếc cặp nhỏ đã theo em đi học suốt hai năm lớp 1, lớp 2.
Gợi ý:
Mở bài trực tiếp: Giới thiệu ngay đồ vật cần tả
Mở bài gián tiếp: Nói chuyện khác để dẫn vào giới thiệu đồ vật định tả
Trả lời:
a)  Đây là cách mở bài trực tiếp, đi ngay vào sự vật cần miêu tả.
a)  Đây là cách mở bài trực tiếp bằng cách nêu lên một hiện tượng trái lẽ thông thường. Nhưng còn phải viết thêm một câu nữa thì mới có thể dễ dàng chuyển sang phần thân bài là miêu tả cái cặp.
b) Đây là cách mở bài gián tiếp. Từ một sự việc khác dẫn tới sự vật cần miêu tả.
Bài 2
Viết một đoạn mở bài cho bài văn miêu tả cái bàn học của em.
- Theo cách mở bài trực tiếp
- Theo cách mở bài gián tiếp
Trả lời:
-  Cách mở bài trực tiếp: Trong góc phòng ngủ của em có một bàn gỗ nhỏ. Đó là chiếc bàn học của em.
-  Cách mở bài gián tiếp: Xung quanh em, mọi vật dụng, mọi đồ dùng đều có ích. Chiếc đồng hồ tích tắc báo thức, tờ lịch treo tường lặng lẽ đếm tháng ngày, chiếc giá sách chứa đựng cho em nhiều nguồn tri thức, chiếc chăn bông mang đến cho em những giấc ngủ ấm êm. Còn chiếc bàn gỗ là nơi để em ngồi học tập. Chiếc bàn gỗ ấy gắn bó với em suốt bốn năm rồi.

Luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ: Tài năng

Bài 1
Phân loại các từ sau đây theo nghĩa của tiếng tài
Tài giỏi, tài nguyên, tài nghệ, tài trợ, tài ba, tài đức, tài năng, tài hoa, tài sản
a) Tài có nghĩa là có khả năng hơn người bình thường
b) Tài có nghĩa là tiền của
Trả lời:
Em phân loại như sau :
a) Tài có nghĩa là có khả năng hơn người bình thường: Tài giỏi, tài nghệ tài ba, tài đức, tài năng, tài hoa.
b) Tài có nghĩa là tiền của: Tài nguyên, tài trợ, tài sản.
Bài 2
Đặt câu với một trong các từ nói trên
Trả lời:
a) Trường em rất coi trọng chủ trương phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ.
b) Ông ngoại em đang công tác ở Sở Tài Nguyên Môi Trường.
Bài 3
Tìm trong các tục ngữ dưới đây những câu ca ngợi tài trí của người
a) Người ta là hoa đất
b) Chuông có đánh mới kêu
     Đèn có khêu mới tỏ
c) Nước lã mà vã nên hồ
    Tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan
Gợi ý:
- Người ta là hoa đất: Con người là vốn quý, là tinh tuý của đất trời.
- Chuông có đánh mới kêu/Đèn có khêu mới tỏ: Người có tài phải có điều kiện thi thố, có thử thách mới bộc lộ được tài năng; muốn bộc lộ hết năng lực thì phải có sự động viên, thúc đẩy.
- Nước lã mà vã nên hồ/Tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan: Không có điều kiện vật chất hỗ trợ mà làm nên việc lớn; chỉ bằng sự tài giỏi, bằng hai bàn tay trắng mới làm nên sự nghiệp mới là đáng khâm phục.
Trả lời:
Trong ba câu đã cho có hai câu a và c là những tục ngữ ca ngợi tài trí của con người
Bài 4
Em thích những tục ngữ nào ở bài tập (3)
Gợi ý:
- Người ta là hoa đất 
Con người là vốn quý, là tinh tuý của đất trời.
- Chuông có đánh mới kêu
  Đèn có khêu mới tỏ 
Người có tài phải có điều kiện thi thố, có thử thách mới bộc lộ được tài năng; muốn bộc lộ hết năng lực thì phải có sự động viên, thúc đẩy.
-  Nước lã mà vã nên hồ
Tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan
 Không có điều kiện vật chất hỗ trợ mà làm nên việc lớn; chỉ bằng sự tài giỏi, bằng hai bàn tay trắng mới làm nên sự nghiệp mới là đáng khâm phục.
Trả lời:
Mỗi câu tục ngữ đều có những giá trị riêng của nó. Cả ba câu trên rất hay, nhưng em thích nhất câu:
Nước lã mà vã lên hồ
Tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan
Vì câu tục ngữ đã ca ngợi những con người từ tay không mà làm nên sự nghiệp lớn bằng trí tuệ và nghị lực của chính mình.

Tập làm văn: Luyện tập xây dựng kết bài trong bài văn miêu tả đồ vật

Bài 1
Đọc bài văn: 
Cái nón
      Phiên chợ huyện hôm trước, má mua cho tôi một cái nón. Tôi rất thích. Miệng nón rộng gần ba gang tay, tròn vành vạnh. Từ vành lên đến chóp, tôi đếm được mười lăm vòng tre, cách nhau rất đều. Càng lên đến chóp, vòng càng nhỏ đi. Lá nón được khâu vào các vòng tre bằng sợi móc. Hôm mua, má còn nhờ người bán nón quét cho một lượt dầu nên mặt nón trông rất bóng.
      Má buộc vào nón một chiếc quai lụa hồng. Hai bên quai tết hai chiếc nơ nho nhỏ. Tôi đội nón lên đầu, quai rất vừa cằm.
      Má bảo: “Có của phải biết giữ gìn thì mới được lâu bền.” Vì vậy, mỗi khi đi đâu về, tôi đều mắc nón vào chiếc đinh đóng trên tường. Không khi nào tôi dùng nón để quạt vì quạt như thế nón dễ bị méo vành.
Theo Văn Trình
Trả lời các câu hỏi:
a. Xác định đoạn kết bài
b. Theo em, đó là kết bài theo cách nào
Gợi ý:
Có hai kiểu kết bài trong bài văn miêu tả đồ vật:
- Kết bài không mở rộng: Chỉ kết lại ngắn gọn về đồ vật.
- Kết bài mở rộng: Mở rộng nhiều vấn đề xung quanh đồ vật được miêu tả.
Trả lời:
a) Xác định đoạn kết bài.
-  Đoạn kết bài là đoạn văn sau:
Má bảo: "Có của thì phải biết giữ gìn mới được lâu bền". Vì vậy, mỗi khi đi đâu về, tôi đều mắc nón vào chiếc đinh đóng trên tường. Không khi nào tôi dùng nón để quạt vì quạt như thế nón dễ bị méo vành.
b)   Theo em, đó là kết bài theo cách nào?
-  Đó là kết bài theo cách mở rộng: căn dặn của mẹ; ý thức giữ gìn cái nón của bạn nhỏ.
Bài 2
Cho các đề:
a)  Tả cái thước kẻ của em.
b)  Tả cái bàn học ở lớp hoặc ở nhà của em.
c)  Tả cái trống trường em.
Hãy viết một kết bài mở rộng cho bài văn làm theo một trong ba đề trên:
Gợi ý:
- Kết bài mở rộng: Mở rộng nhiều vấn đề xung quanh đồ vật được miêu tả.
Trả lời:
a) kết bài : tả cái thước kẻ của em.
Cái thước đã trở thành người bạn thân yêu của mình từ bao giờ, mình không còn nhớ nữa. Nó luôn ở cạnh mình mỗi khi học bài, làm bài. Cái thước nho nhỏ, xinh xinh mà rất hữu ích. Nó giúp mình kẻ những đường lề thẳng tắp, đóng khung những đáp số, gạch dưới những câu văn hay, những từ ngữ gợi hình, gợi tả…. mà mình cần chú ý để vận dụng trong viết văn. Cái thước thật quý đối với mình.
b) kết bài : tả cái bàn học ở lớp
Theo suốt thời gian ngồi dưới mái trường, cái bàn học cùng em bước vào tương lai rộng mở. Sau này, khi em tốt nghiệp Tiểu học, cái bàn sẽ được chuyển lại cho các em . Cái bàn ghi dấu ấn tất cả thành tích học tập của em. Em muốn nói với cái bàn: “Cậu đã giúp tớ học giỏi như hôm nay tớ cảm ơn cậu nhé !”.
c) Kết bài : (tả cái trống trường):
  Em rất quý cái trống trường. Trống đã hàng ngày thúc giục chúng em nhanh chân tới lớp. Trống là hiệu lệnh điều khiển các hoạt động của chúng em. Trống thắp sáng từng nụ cười rạng rỡ của em dưới mái trường mà em hằng yêu mến. Em xem trống như người bạn thân thiết của mình.

Chúc các bạn học tập tốt.

Bài đăng

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Thuyết Trình Về Gia Đình

Thuyết Minh Về Biển Mỹ Khê Quảng Ngãi

Ngữ văn 6 – Bài 10 : Trái Đất - Mẹ của muôn loài - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 - Bài 9: Tóm tắt bằng sơ đồ nội dung của một văn bản đơn giản - Kết nối tri thức

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 5 Văn bản thông tin (Thuật lại sự kiện theo trình tự thời gian) - Cánh Diều

Thuyết Minh Về Bài Thơ Tiểu Đội Xe Không Kính

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Tuổi thơ tôi (Nguyễn Nhật Ánh) - Chân trời sáng tạo

Thuyết Minh Về Một Danh Lam Thắng Cảnh Ở Huế

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức