Tiếng Việt 5 tuần 19: Người công dân

TIẾNG VIỆT 5
TUẦN 19: NGƯỜI CÔNG DÂN
Tập đọc : Người công dân số Một
Nội dung:
Tâm trạng của người thanh niên Nguyễn Tất Thành day dứt, trăn trở tìm con đường cứu nước, cứu dân.
1.Anh Lê giúp anh Thành việc gì?
Trả lời:
Anh Lê giúp anh Thành tìm việc ở Sài Gòn
2. Những câu nói nào của anh Thành cho thấy anh luôn luôn nghĩ tới dân, tới nước?
Trả lời:
Nhìn chung, các câu nói của anh Thành trong đoạn trích này đều trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến vấn đề cứu dân cứu nước. Những câu nói thể hiện trực tiếp của anh Thành về dân về nước là:
*   Chúng ta là đồng bào, cùng máu mủ da vàng với nhau. Nhưng... anh có khi nào nghĩ đến đồng bào không?
*   Vì anh với tôi... chúng ta là công dân nước Việt...
3. Câu chuyện giữa anh Thành và anh Lê nhiều lúc không ăn nhập với nhau. Hãy tìm những chi tiết thể hiện điều đó và giải thích vì sao như vậy.
Trả lời:
Câu chuyện giữa anh Thành và anh Lê nhiều lúc không ăn nhập với nhau.
Những chi tiết cho thấy câu chuyện giữa anh Thành và anh Lê không ăn nhập với nhau là:
-  Anh Lê gặp anh Thành đế báo tin đã xin được việc làm cho anh Thành nhưng anh Thành lại không nói đến chuyện đó.
-   Anh Thành thường không trả lời vào câu hỏi anh Lê, rõ nhất là hai lần đối thoại:
+ Anh Lê hỏi: Vậy anh vào Sài Gòn này làm gì?
Anh Thành đáp: Anh học trường Sa-xơ-lu Lô-ba... thì... ờ... anh là người nước nào?
+ Anh Lê nói: Nhưng tôi chưa hiểu vì sao anh thay đổi ý kiến, không xin việc lảm ở Sài Gòn này nữa.
Anh Thành trả lời: ...vì đèn dầu ta không sáng bằng đèn Hoa Kì.

Sở dĩ câu chuyện giữa hai người nhiều lúc không gặp nhau vì mỗi người theo đuổi một ý nghĩ khác nhau. Anh Lê chỉ nghĩ đến công việc làm ăn của bạn, đến cuộc sống hằng ngày. Anh Thành nghĩ đến việc cứu nước, cứu dân.
4. Phân vai, đọc diễn cảm đoạn kịch trên.

____CHÍNH TẢ ____

1. Nghe - viết:
Nhà yêu nước Nguyễn Trung Trực
    Nguyễn Trung Trực sinh ra trong một gia đình làm nghề chài lưới trên sông Vàm Cỏ. Năm 23 tuổi, ông lãnh đạo cuộc nổi dậy ở phủ Tây An, nay thuộc tỉnh Long An. Đội quân khởi nghĩa do ông chỉ huy đã lập nên nhiều chiến công vang dội khắp vùng Tây Nam Bộ. Bị giặc bắt và đưa ra hành hình, ông khảng khái trả lời viên thống đốc Nam Kì: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”
2. Tìm chữ cái thích hợp với mỗi ô trống để hoàn chỉnh bài thơ sau. Biết rằng :
1) Chữ r, d hoặc gi.
2) Chữ o hoặc ô (thêm dấu thanh thích hợp).

Tháng giêng của bé

Đồng làng vương chút heo may
Mầm cây tỉnh (1)...ấc, vườn đầy tiếng chim
Hạt mưa mải miết tr(2)...n tìm
Cây đào trước cửa lim (1)...im mắt cười
Quất g(2)...m từng hạt nắng (1)...ơi
Làm thành quả - những mặt trời vàng mơ
Tháng (1)...êng đến tự bao giờ?
Đất trời viết tiếp bài thơ ng(2)...t ngào.
                 Trả lời:
Tháng giêng của bé

Đồng làng vương chút heo may
Mầm cây tỉnh giấc, vườn đầy tiếng chim
Hạt mưa mải miết trốn tìm
Cây đào trước cửa lim dim mắt cười
Quất gom từng hạt nắng rơi
Làm thành quả - những mặt trời vàng mơ
Tháng giêng đến tự bao giờ?
Đất trời viết tiếp bài thơ ngọt ngào.

3. a) Tìm tiếng bắt đầu bằng r, d hay gi thích hợp với mỗi chỗ trống ?
Làm việc cho cả ba thời
Có một con ve thấy bác nông dân nọ làm việc miệt mài, từ sáng đến tối chẳng lúc nào ngơi, liền tò mò hỏi:
- Bác làm việc quần quật như thế để làm gì?
Bác nông dân đáp:
- Tôi làm cho cả ba thời nên không thể ngừng tay.

Ve nghĩ mãi không ...., lại hỏi:
- Thế nào là làm việc cho cả ba thời?
Bác nông dân ôn tồn giảng ....:
- Trước hết, tôi phải làm việc để nuôi thân. Đó là làm việc cho hiện tại. Nhà tôi còn bố mẹ ...... Làm việc để phụng dưỡng bố mẹ là làm vì quá khứ. Còn làm để nuôi con là .... dụm cho tương lai. Sau này tôi già, các con tôi lại nuôi tôi như bây giờ tôi đang phụng dưỡng cha mẹ.
Truyện vui dân gian thế giới

Trả lời:

 Ra ; giải ; già ; dành .


b) Tìm vần chứa o hay ô thích hợp với mỗi ô trống. Giải câu đố.
     - Hoa gì đơm lửa rực h....
       Lớn lên hạt ng.... đầy tr... bị vàng?

    - Hoa nở trên mặt nước
       Lại mang hạt tr.... mình
       Hương bay qua hồ r....
Lá đội đầu mướt xanh.
Trả lời:
b) - Hoa gì đơm lửa rực hồng
       Lớn lên hạt ngọc đầy trong bị vàng?
       Đáp án là hoa lựu.

    - Hoa nở trên mặt nước
       Lại mang hạt trong mình
       Hương bay qua hồ rộng
       Lá đội đầu mướt xanh.
      Đáp án là cây sen.

___LUYỆN TỪ VÀ CÂU______
                  CÂU GHÉP
I. Nhận xét
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
      Mỗi lần dời nhà đi, bao giờ con khỉ cũng nhảy phóc lên ngồi trên lưng con chó to. Hễ con chó đi chậm, con khỉ cấu hai tai con chó giật giật. Con chó chạy sải thì con khỉ gò lưng như người phi ngựa. Chó chạy thong thả, khỉ buông thõng hai tay, ngồi ngúc nga ngúc ngắc.
Đoàn Giỏi
1. Đánh số thứ tự các câu trong đoạn văn trên rồi xác định chủ ngữ, vị ngữ trong từng câu.
2. Xếp các câu trên vào nhóm thích hợp:
a)  Câu đơn (câu do một cụm chủ ngữ - vị ngữ tạo thành).
b)  Câu ghép (câu do nhiều cụm chủ ngữ - vị ngữ bình đẳng với nhau tạo thành).
3. Có thể tách mỗi cụm chủ ngữ - vị ngữ trong các câu ghép nói trên thành một câu đơn được không ? Vì sao ?
Trả lời:
1. Đánh số thứ tự và xác định chủ ngữ - vị ngữ trong từng câu:
(1) Mỗi lần dời nhà đi, bao giờ  con khỉ / cũng nhảy phóc lên ngồi trên lưng con chó.
                                                C                                 V
(2) Hễ con chó / đi chậm, con khỉ / cấu hai tai con chó giật giật.
            C1             V1        C2                  V2
(3) Con chó / chạy sải thì khỉ / gò lưng như người phi ngựa.
       C1             V1          C2                     V2
(4) Chó / chạy thong thả, khỉ / buông thõng hai tay, ngồi ngúc nga ngúc ngắc.
      C1            V1            C2                                V2
2. Xếp các câu trên vào nhóm thích hợp:

- Câu 1: câu đơn
- Các câu 2, 3, 4 là câu ghép
3. Giải thích:

Không thể tách mỗi cụm C - V trong các câu ghép trên thành một câu đơn được vì các vế câu diễn tả những ý có quan hệ chặt chẽ với nhau. Tách mỗi vế câu thành 1 câu đơn (kể cả trong trường hợp bỏ quan hệ từ hễ...thì) sẽ tạo nên một chuỗi câu rời rạc, không gắn kết với nhau về nghĩa.

II . GHI NHỚ
Câu ghép là câu do nhiều vế câu ghép lại.
Mỗi vế câu ghép thường có cấu tạo giống một câu đơn ( có đủ chủ ngữ, vị ngữ) và thể hiện một ý có quan hệ chặt chẽ với ý của những vế câu khác.

 III. Luyện tập
1. Tìm câu ghép trong đoạn văn dưới đây. Xác định các vế câu trong từng câu ghép.
         Biển luôn thay đổi màu tuỳ theo sắc mây trời. Trời xanh thẳm, biển cũng thẳm xanh, như dâng cao lên, chắc nịch. Trời rải mây trắng nhạt, biển mơ màng dịu hơi sương. Trời âm u mây mưa, biển xám xịt, nặng nề. Trời ầm ầm dông gió, biển đục ngầu, giận dữ... Biển nhiều khi rất đẹp, ai cũng thấy như thế. Nhưng vẻ đẹp của biển, vẻ đẹp kì diệu muôn màu muôn sắc ấy phần rất lớn là do mây, trời và ánh sáng tạo nên.
Theo VŨ TÚ NAM
Gợi ý:
Câu ghép là câu do nhiều cụm chủ ngữ - vị ngữ bình đẳng với nhau tạo thành.
Trả lời:
Số thứ tự Vế 1 Vế 2
Câu 1 Trời / xanh thẳm biển / cũng thẳm xanh, như dâng cao lên chắc nịch.
Câu 2 Trời /rải mây trắng nhạt,
  biển / mơ màng dịu hơi sương.

Câu 3 Trời/âm u mây mưa, biển /xám xịt nặng nề.

Câu 4 Trời / ầm ầm dông gió, biển / đục ngầu giận dữ.

Câu 5 Biển / nhiều khi rất đẹp,
  ai / cũng thấy như thế
2. Có thể tách mỗi vế câu ghép vừa tìm được ở bài tập 1 thành một câu đơn được không ? Vì sao?
Trả lời:
Không thể tách mỗi vế câu ghép nói trên thành một câu đơn vì mỗi vế câu thể hiện một ý có quan hệ rất chặt chẽ với ý của vế câu khác.
3. Thêm một vế câu vào chỗ trống để tạo thành câu ghép :
a) Mùa xuân đã về, ...
b) Mặt trời mọc, ...
c) Trong truyện cổ tích Cây khế, người em chăm chỉ, hiền lành, còn ...
d) Vì trời mưa to ...
Trả lời:
a) Mùa xuân đã về, trăm hoa đua nở khắp nơi.
b) Mặt trời mọc, sương tan dần.
c) Trong truyện cổ tích Cây khế, người em chăm chỉ, hiền lành, còn người anh thì lười biếng, tham lam.
d) Vì trời mưa to nên tôi không đến thăm anh được.

_____KỂ CHUYỆN______________

          CHIẾC ĐỒNG HỒ

1. Dựa theo lời kể của cô giáo (thầy giáo) và các tranh vẽ dưới đây, hãy kể lại từng đoạn câu chuyện.

Gợi ý:
- Quan sát tranh thật kĩ để tìm hiểu xem trong tranh có sự xuất hiện của những nhân vật nào? Họ đang làm gì?
- Từ đó suy ra nội dung của bức tranh ứng với phần nào trong câu chuyện và kể lại.

Trả lời:
- Tranh 1: Được tin Trung ương rút bớt một số người đi học lớp tiếp quản Thủ đô, các cán bộ danh dự hội nghị bàn tán sôi nổi. Ai nấy đều háo hức muốn đi.
- Tranh 2: Giữa lúc đó, Bác Hồ đến thăm hội nghị. Các đại biểu ùa ra đón Bác.
- Tranh 3: Khi nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng trong lúc này, Bác bỗng rút trong túi áo ra một chiếc đồng hồ quả quýt. Bác mượn câu chuyện về chiếc đồng hồ để đả thông tư tưởng cán bộ một cách hóm hỉnh.
- Tranh 4: Câu chuyện về chiếc đồng hồ của Bác khiến cho ai nấy đều thấm thía.
2.  Kể lại toàn bộ câu chuyện.
Trả lời:
Năm 1954, các cán bộ đang dự hội nghị tổng kết ở Bắc Giang thì có lệnh Trung ương rút bớt một số người đi học lớp tiếp quản Thủ đô. Ai nấy đều háo hức muốn đi. Nhất là những người quê Hà Nội. Bao năm xa nhà, nhớ Thủ đô, nay được dịp trở về công tác, anh em bàn tán sôi nổi. Nhiều người đề nghị cấp trên chiếu cố nỗi niềm riêng đó và cho được toại nguyện. Tư tưởng cán bộ dự hội nghị có chiều phân tán...
Giữa lúc đó, Bác Hồ đến thăm hội nghị. Bác bước lên diễn đàn, mồ hôi ướt đẫm hai bên vai áo nâu... Khi tiếng vỗ tay đã ngớt, Bác hiền từ nhìn khắp hội trường và nói chuyện về tình hình thời sự. Nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng trong lúc này, Bác bỗng rút trong túi ra một chiếc đồng hồ quả quýt và hỏi:
-  Các cô chú có trông thấy cái gì đây không?
Mọi người đồng thanh:
-  Cái đồng hồ ạ.
-  Thế trên mặt đồng hồ có những chữ gì?
-  Có những con số ạ.
-  Cái kim ngắn, kim dài để làm gì?
-  Để chỉ giờ chỉ phút ạ.
-  Cái máy bên trong dùng để làm gi?
-  Để điều khiển cái kim chạy ạ.
Bác mỉm cười, hỏi tiếp:
-  Thế trong cái đồng hồ, bộ phận nào là quan trọng?
Mọi người còn đang suy nghĩ thì Bác lại hỏi:
-  Trong cái đồng hồ, bỏ đi một bộ phận có được không?
-  Thưa không được ạ.
Nghe mọi người trả lời, Bác bèn giơ chiếc đồng hồ lên cao và kết luận:
-  Các bộ phận của một chiếc đồng hồ cũng ví như các cơ quan của một Nhà Nước, như các nhiệm vụ cách mạng. Đã là nhiệm vụ của cách mạng thì đều là quan trọng, đều cần phải làm. Các cô chú thử nghĩ xem: trong một chiếc đồng hồ mà anh kim đòi làm anh chữ số, anh máy lại đòi ra ngoài làm cái mặt đồng hồ... cứ tranh nhau chỗ đứng như thế thì còn là cái đồng hồ được không?
Chỉ trong ít phút ngắn ngủi, câu chuyện Chiếc đồng hồ của Bác đã khiến cho ai nấy đều thấm thía, tự đánh tan được những thắc mắc riêng tư.
(Theo sách Bác Hồ kính yêu)
3.  Câu chuyện khuyên ta điều gì ?
Trả lời:
Mỗi công việc đều quan trọng và đáng quý, cần làm việc theo đúng phân công, không nên so bì hoặc ích kỉ chỉ nghĩ đến việc riêng của mình.

______TẬP ĐỌC_______

           Người công dân số Một
                     (tiếp theo)
1. Anh Lê, anh Thành đều là những thanh niên yêu nước, nhưng giữa họ có gì khác nhau ?
Trả lời:
Anh Lê, anh Thành đều là những thanh niên yêu nước, nhưng giữa họ vẫn có điểm khác nhau. Điểm khác nhau giữa anh Lê và anh Thành là:
Anh Lê: có tâm lí tự ti, cam chịu cảnh sống nô lệ, vì cảm thấy mình yếu đuối, nhỏ bé trước sức mạnh vật chất của kẻ xâm lược.
Trái lại, anh Thành không cam chịu, rất tin tưởng vào con đường mình đã chọn: ra nước ngoài học cái mới để về cứu dân, cứu nước.
2. Quyết tâm của anh Thành đi tìm đường cứu nước được thể hiện qua những lời nói, cử chỉ nào ?
Trả lời:
Quyết tâm của anh Thành đi tìm đường cứu nước được thể hiện qua những lời nói, cử chỉ:
- Lời nói:
+ Để giành lại non sông, chỉ có hùng tâm tráng khí chưa đủ, phải có trí, có lực… Tôi muốn sang nước họ…. học cái trí khôn của họ để về cứu dân mình…
+ Làm thân nô lệ… yên phận nô lệ thì mãi mãi là đầy tớ cho người ta…. Đi ngay có được không anh?
+ Sẽ có một ngọn đèn khác anh ạ.
- Cử chỉ: xòe bàn tay ra: “Tiền ở đây chứ đâu?”
3. "Người công dân số Một" trong đoạn kịch là ai ? Vì sao có thể gọi như vậy ?
Trả lời:
Người công dân số một trong đoạn kịch là Nguyễn Tất Thành vì ý thức là công dân của một nước Việt Nam độc lập được thức tỉnh rất sớm ở Người. Với ý thức này Nguyễn Tất Thành đã ra nước ngoài tìm con đường cứu nước, lãnh đạo nhân dân giành độc lập cho đất nước.
4. Đọc phân vai theo các nhân vật trong đoạn kịch.

_______TẬP LÀM VĂN__________

               Luyện tập tả người

1. Dưới đây là hai đoạn mở đầu bài văn tả người. Theo em, cách mở bài ở hai đoạn này có gì khác nhau?
a) Nếu có ai hỏi rằng "Em yêu ai nhất ?" thì không cần suy nghĩ, em có thể trà lời ngay : "Em yêu bà nhất" (Đề bài: Tả một người thân trong gia đình em.)
b) Lần về quê nội vừa qua, một buổi sáng, em chạy ra cánh đồng làng. Nơi ấy vòm trời cao vời vợi, không khí thoáng đãng, mùi lúa chín vẫn còn thoang thoảng, những chú trâu đang thong thả gặm cỏ; tất cả đều hấp dẫn em đến kì lạ. Phía trước, em thấy một bác nông dân đang cày ruộng. Em chợt nhận ra đó là bác Tư, người lối xóm nội em. (Đề bài: Tả một bác nông dân đang cày ruộng.)
-  Lối xóm (tiếng Nam Bộ): hàng xóm.
-  Nội (tiếng Nam Bộ): ông nội, bà nội.
Gợi ý:
Đối với một bài văn miêu tả, có hai kiểu mở bài là:
- Mở bài trực tiếp, giới thiệu trực tiếp và người hay sự vật định tả.
- Mở bài gián tiếp, nói một sự việc khác, từ đó chuyển sang giới thiệu về người hay sự vật định tả.
Trả lời:
-  Đoạn mở đầu a mở bài theo cách trực tiếp: giới thiệu trực tiếp người định tả (là người bà trong gia đình).
- Đoạn mở đầu b mở bài theo cách gián tiếp giới thiệu hoàn cảnh sau đó mới giới thiệu người định tả (bác nông dân cày ruộng).
2. Hãy viết hai đoạn mở bài theo hai cách đã biết cho một trong bốn đề văn dưới đây:
a)  Tả một người thân trong gia đình em.
b)  Tả một người bạn cùng lớp hoặc người bạn ở gần nhà em.
c)   Tả một ca sĩ đang biểu diễn.
d)  Tả một nghệ sĩ hài mà em yêu thích.
Gợi ý:
Đối với một bài văn miêu tả, có hai kiểu mở bài là:
- Mở bài trực tiếp, giới thiệu trực tiếp và người hay sự vật định tả.
- Mở bài gián tiếp, nói một sự việc khác, từ đó chuyển sang giới thiệu về người hay sự vật định tả.
Trả lời:
Viết hai đoạn văn mở bài theo hai cách đã biết.
-  Đoạn mở bài trực tiếp :
Hoài Linh là một nghệ sĩ hài nổi tiếng. Sự xuất hiện của chú trên sân khấu luôn đem lại những tràng cười sảng khoái cho mọi người.
-  Đoạn mở bài gián tiếp :
Tiếng cười rất có ích đối với sức khỏe con người. Nó làm cho tâm hồn con người trở nên thư thái mà quên đi những mệt nhọc, lo âu. Vì thế mà các nghệ sĩ hài luôn được công chúng mến mộ. Bản thân em cũng như vậy, đối với em thì chú Hoài Linh là danh hài mà em thích nhất.

________LUYỆN TỪ VÀ CÂU_______
                                       
         Cách nối các vế ghép câu
I   - Nhận xét
1. Tìm các vế câu trong mỗi câu ghép dưới đây:
a)  Súng kíp của ta mới bắn một phát thì súng của họ đã bắn được năm, sáu mươi phát. Quan ta lạy súng thần công bốn lạy rồi mới bắn, trong khi ấy đại bác của họ đã bắn được hai mươi viên.
Theo HÀ VĂN CẦU - VŨ ĐÌNH PHÒNG
b)  Cảnh tượng xung quanh tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học. 
  THANH TỊNH
c)  Kia là những mái nhà đứng sau luỹ tre; đây là mái đình cong cong; kia nữa là sân phơi.
ĐỖ CHU
Trả lời:
a)   Đoạn a có hai câu ghép, mỗi câu gồm 2 vế:
Câu 1: Súng kíp cùa ta mới bắn một phát / thì súng của họ đã bắn dược năm, sáu mươi phát.
Câu 2: Quan ta lạy súng thần công bốn lạy rồi mới bắn, / trong khi ấy đại bác của họ đã bắn được hai mươi viên.
b)  Câu b có 2 vế:
Cảnh tượng xung quanh tôi đang có sự thay đối lớn: / hôm nay tôi đi học.
c)  Câu c có 3 vế:
Kia là những mái nhà đứng sau lũy tre; / đây là mái đình cong cong; / kia nữa là sân phơi.
2. Ranh giới giữa các vế câu được đánh dấu bằng những từ hoặc những dấu câu nào ?
Gợi ý:
Xem kĩ lại 3 câu trên, giữa các vế câu có từ hoặc dấu câu nào ở giữa?
Trả lời:
a) Từ “thì" đánh dấu ranh giới giữa 2 vế câu.
    “Dấu phẩy" đánh dấu ranh giới giữa 2 vế câu.
b) “Dấu hai chấm” đánh dấu ranh giới giữa 2 vế câu.
c) Các "dấu chấm phẩy” đánh dấu ranh giới giữa 3 vế câu.

II Ghi nhớ
Có hai cách nối các vế câu trong câu ghép:
1. Nối bằng các từ có tác dụng nối.
2. Nối trực tiếp ( không dùng từ nối). Trong trường hợp này, giữa các vế câu cần có dấu phẩy, dấu chấm phẩy hoặc dấu hai chấm.
III - Luyện tập
1. Trong những câu dưới đây, câu nào là câu ghép ? Các vế câu ghép được nối với nhau bằng cách nào?
a) Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.       
HỒ CHÍ MINH
b) Anh bắt lấy thỏi thép hồng như bắt lấy một con cá sống. Dưới những nhát búa hăm hở của anh, con cá lửa ấy vùng vẫy, quằn quại, giãy lên đành đạch. Nó nghiến răng ken két, nó cưỡng lại anh, nó khống chịu khuất phục.
Theo NGUYÊN NGỌC
c) Tôi ngắt một chiếc lá sòi đỏ thắm thả xuống dòng nước. Một chú nhái bén tí xíu như đã phục sẵn từ bao giờ nhảy phóc lên ngồi chễm chệ trên đó. Chiếc lá thoáng tròng trành, chú nhái bén loay hoay cố giữ thăng bằng rồi chiếc thuyền đỏ thắm lặng lẽ xuôi dòng.
TRẦN HOÀI DƯƠNG
Gợi ý:
- Câu ghép là câu có từ hai cụm chủ -vị trở lên.
- Chú ý giữa các vế câu trong câu ghép có từ ngữ hoặc dấu câu nào đi kèm để nối các vế câu không?
Trả lời:
- Các câu ghép và vế câu:
+ Đoạn a có 1 câu ghép với 4 vế câu: Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quôc bị xâm lăng (2 trạng ngữ) thì tinh thần ấy lại sôi nổi / nó kết thành... to lớn / nó lướt qua... khó khăn / nó nhấn chìm... lũ cướp nước.
+ Đoạn b có 1 câu ghép với 3 vế câu: Nó nghiến răng ken két / nó cưỡng lại anh / nó không chịu khuất phục.
+ Đoạn c có 1 câu ghép với 3 vế câu: Chiếc lá thoáng tròng trành, / chú nhái bén loay hoay cố giữ thăng bằng / rồi chiếc thuyền đỏ thắm lặng lẽ xuôi dòng.
- Cách nối vế câu:
+ Đoạn a: 4 vế câu nối với nhau trực tiếp, giữa các vế câu có dấu phẩy.
+ Đoạn b: 3 vế câu nối với nhau trực tiếp, giữa các vế câu có dấu phẩy.
+ Đoạn c: Vế 1, vế 2 nối với nhau trực tiếp, giữa 2 vế có dấu phẩy, vế 2 nối với vế 3 bằng quan hệ từ “rồi”.
2. Viết đoạn văn từ 3 đến 5 câu tả ngoại hình một người bạn của em, trong đoạn văn có ít nhất một câu ghép. Cho biết các vế trong câu ghép được nối với nhau bằng cách nào.
Trả lời:
       Trong lớp tôi, người bạn mà tôi yêu quý nhất là Lan. Đó là một cô bé vô cùng xinh xắn và đáng yêu. Vóc người bạn nhỏ nhắn, dáng đi nhanh nhẹn, mái tóc cắt ngắn gọn gàng. Nhưng điều khiến người ta nhớ nhất ở bạn chính là nụ cười. Mỗi lần Lan nở nụ cười là tôi lại thấy giống như mùa thu tỏa nắng. Đôi lúm đồng tiền càng làm cho nụ cười ấy thêm phần duyên dáng.
Câu ghép trong đoạn văn trên đó là: Vóc người bạn nhỏ nhắn, dáng đi nhanh nhẹn, mái tóc cắt ngắn gọn gàng.
Các vế câu được nối với nhau bằng dấu phẩy.

____TẬP LÀM VĂN________

           Luyện tập tả người

1. Đọc hai đoạn kết bài dưới đây và cho biết cách kết bài ở hai đoạn này có gì khác nhau :
a)  Đến nay, bà đã đi xa nhưng những kỉ niệm về bà vẫn đọng mãi trong tâm trí tôi. (Đề bài : Tả một người thân trong gia đình em.)
b)  Nhìn bác Tư cần mẫn cày ruộng giữa buổi trưa hè nắng gắt, em rất cảm phục bác. Em cũng hiểu thêm điều này: có được hạt gạo nuôi tất cả chúng ta là nhờ có công sức lao động vất vả của những người nông dân như bác Tư. (Đề bài : Tả một bác nông dân đang cày ruộng.)
Gợi ý:
Đối với bài văn miêu tả, có hai kiểu kết bài:
- Kết bài không mở rộng, nêu nhận xét chung hoặc nói lên tình cảm của em với người được tả.
- Kết bài mở rộng, từ hình ảnh và hoạt động của người được tả, suy rộng ra các vấn đề khác.
Trả lời:
-   Đoạn kết bài a kết bài theo kiểu không mở rộng: Tiếp nối lời tả về bà. Nhấn mạnh tình cảm với người được tả.
-   Đoạn kết bài b theo kiểu mở rộng: Sau khi tả bác nông dân, nói lên tình cảm với bác, bình luận về vai trò của người nông dân đối với xã hội.
2. Hãy viết hai đoạn kết bài theo hai cách đã biết cho một trong bốn đề văn ở bài tập 2, tiết luyện tập tả người (dựng đoạn mở bài).
Gợi ý:
Đối với bài văn miêu tả, có hai kiểu kết bài:
- Kết bài không mở rộng, nêu nhận xét chung hoặc nói lên tình cảm của em với người được tả.
- Kết bài mở rộng, từ hình ảnh và hoạt động của người được tả, suy rộng ra các vấn đề khác.
Trả lời:
Kết bài không mở rộng: (Tả một người bạn cùng lớp hoặc người bạn gần nhà)
    Em rất yêu quý Hân. Mong rằng tình bạn của chúng em mãi bền vững như thế này.
Kết bài mở rộng: (Tả một người bạn cùng lớp hoặc người bạn ở gần nhà)
    Thấy được những hành động, lời nói và hiểu được những suy nghĩ của Hân em lại thầm cảm phục và yêu quý bạn nhiều hơn. Người ta nói bạn bè là một trong năm người thầy đáng quý của mình, em ngẫm nghĩ em càng thấy đúng. Từ ngày chơi với Hân, em không chỉ có thêm một người bạn tốt mà còn có thêm một tấm gương để em nhìn vào đó mà rèn luyện và cố gắng nhiều hơn nữa. Mỗi ngày em luôn tự nhủ phải cùng với Hân chăm chỉ học tập, tu dưỡng đạo đức để trở thành con ngoan, trò giỏi, mai này sẽ là người công dân có ích cho xã hội.

Chúc các bạn học tập tốt.

Bài đăng

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Thuyết Trình Về Gia Đình

Thuyết Minh Về Biển Mỹ Khê Quảng Ngãi

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 - Bài 9: Tóm tắt bằng sơ đồ nội dung của một văn bản đơn giản - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 – Bài 10 : Trái Đất - Mẹ của muôn loài - Chân trời sáng tạo

Thuyết Minh Về Một Danh Lam Thắng Cảnh Ở Huế

Thuyết Minh Về Bài Thơ Tiểu Đội Xe Không Kính

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Tuổi thơ tôi (Nguyễn Nhật Ánh) - Chân trời sáng tạo

Thuyết Trình Về Ô Nhiễm Môi Trường Nước Hiện Nay

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức