Ngữ văn 6 Bài 4 Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về bài thơ lục bát - Cánh Diều

 Viết: Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về bài thơ lục bát

1. Định hướng

a) Định nghĩa: Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về bài thơ lục bát là ghi lại những cảm xúc của bản thân về bài thơ đó. Người viết cần trả lời câu hỏi: Bài thơ gợi cho em những cảm nghĩ gì? Đoạn văn có thể chỉ nêu cảm nghĩ về một chi tiết nội dung hoặc nghệ thuật của bài thơ lục bát mà em có ấn tượng và yêu thích.

b) Các bước: Để viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về bài thơ lục bát, các em cần chú ý:

- Đọc kĩ để hiểu bài thơ.

- Lựa chọn một yếu tố trong bài thơ mà em thấy yêu thích, thú vị nhất.

- Viết đoạn văn nêu rõ: Em thích nhất chi tiết, yếu tố,... nào trong bài thơ? Vì sao?

2. Thực hành

Bài tậpEm hãy viết một đoạn văn phát biểu cảm nghĩ về một trong hai bài thơ lục bát ("À ơi tay mẹ", "Về thăm mẹ") hoặc về một bài ca dao Việt Nam đã học.

a) Chuẩn bị

- Đọc kĩ đề bài và xác định yêu cầu của đề.

- Chọn bài thơ mà em sẽ phát biểu cảm nghĩ.

- Đọc lại bài thơ.

b) Tìm ý và lập dàn ý

Tìm ý cho đoạn văn bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi như:

+ Bài thơ lục bát em thích là bài thơ nào?

Ví dụ: Về thăm mẹ.

+ Nội dung hoặc yếu tố nghệ thuật nào trong bài thơ làm cho em thích? Vì sao em thích?

Ví dụ: Em yêu thích bởi vì bài thơ nêu lên tình cảm của người con với mẹ của mình.

Yếu tố nghệ thuật theo em đặc sắc nhất chính là: 

Bất ngờ rụng ở trên cành

Trái na cuối vụ mẹ dành phần con.

Mặc dù đó chỉ là một hình ảnh giản dị, tuy nhiên đã khái quát được sự yêu thương, chăm sóc đến từng chi tiết nhỏ nhất của người mẹ.

+ Em có suy nghĩ và cảm xúc gì về bài thơ?

Ví dụ: Bài thơ viết về tình mẫu tử thiêng liêng trong mối quan hệ tương quan. Từ những điều giản dị, đời thường, gắn liền với cuộc sống của mẹ cũng như sự trưởng thành của con, chúng ta thấy được tình cảm, sự vất vả, chắt chiu, hi sinh của người mẹ. Từ đó dấy lên trong lòng người con một lòng thương xót, kính trọng dạt dào. Qua bài thơ, đối chiếu lại với bản thân mình, em nhớ lại những hành động yêu thương, chăm sóc của mẹ mà tự hứa phải không ngừng học tập, rèn luyện bản thân để cha mẹ vui lòng.

Lập dàn ý đoạn văn phát biểu cảm nghĩ về bài thơ theo gợi ý:

+ Mở đoạn: Nêu được tên bài thơ, tác giả (nếu có) và cảm nghĩ chung của em về bài thơ.

+ Thân đoạn:

  • Chỉ ra nội dung hoặc nghệ thuật cụ thể của bài thơ khiến em yêu thích và có nhiều cảm xúc, suy nghĩ.
    Ví dụ: Về nội dung, bài thơ viết về đề tài gia đình thân thuộc, về tình cảm yêu thương, gắn bó với tất cả mọi người; Về hình thức, bài thơ sử dụng thể lục bát quen thuộc, gần gũi, có cách ngắt nhịp và gieo vần phù hợp với việc thể hiện nội dung tình cảm gia đình,...
  • Nêu lên các lí do khiến em thích.
    Ví dụ: Về nội dung, bài thơ gợi cho em những kỉ niệm, tình cảm, cảm xúc thân thương về ông, bà, mẹ , cha và những người thân,...; Về nghệ thuật, tác giả đã sử dụng các từ ngữ, hình ảnh rất sinh động, gợi cảm; các biện pháp tu từ và cách gieo vần, ngắt nhịp độc đáo;...

+ Kết đoạn: Khái quát lại cảm nghĩ của bản thân về ý nghĩa của bài thơ. 

Ví dụ: Bài thơ nói giúp em được những gì (tình cảm đối với ông, bà, cha, mẹ, người thân)?

c) Viết

Viết đoạn văn theo dàn ý đã lập. Chú ý lựa chọn các từ ngữ phù hợp để diễn tả cảm nghĩ của em về bài thơ.

Gợi ý: 

Học tập về thể loại lục bát, học sinh không chỉ được tiếp nhận những kiến thức về đặc trưng của loại hình này mà còn được xây dựng những cảm xúc thẩm mĩ đẹp đẽ. Một trong số những bài thơ lục bát giúp em hoàn thiện cả về nhận thức và tri thức ấy là Về thăm mẹ của tác giả Đinh Nam Phương. Về nghệ thuật, bài thơ là một bản giao hòa đầy tinh tế của lối thơ lục bát rất chỉnh và những biện pháp tu từ như ẩn dụ, liệt kê,... Thể thơ lục bát cũng là thể thơ phù hợp giúp nhà văn diễn tả trọn vẹn tình cảm, cảm xúc của mình dành cho mẹ. Từ những điều giản dị, đời thường, gắn liền với cuộc sống của mẹ cũng như sự trưởng thành của con, chúng ta thấy được tình cảm, sự vất vả, chắt chiu, hi sinh của người mẹ. Từ đó dấy lên trong lòng người con một lòng thương xót, kính trọng dạt dào. Đặc biệt, có một yếu tố nghệ thuật theo em đặc sắc nhất chính là: 

Bất ngờ rụng ở trên cành

Trái na cuối vụ mẹ dành phần con.

Mặc dù đó chỉ là một hình ảnh giản dị, tuy nhiên đã khái quát được sự yêu thương, chăm sóc đến từng chi tiết nhỏ nhất của người mẹ. Trái na cuối vụ - chỉ một hình ảnh nhỏ bé ấy - cũng khiến người đọc nao lòng. Trái na ấy đã đến cuối vụ nhưng mẹ cũng không nỡ vặt xuống ăn mà cứ để đó phần con, đợi con về. Hình ảnh ấy cũng giống như sự chờ đợi của mẹ, sự yêu thương tằn tiện để lo cho con được no ấm. Qua bài thơ, đối chiếu lại với bản thân mình, em nhớ lại những hành động yêu thương, chăm sóc của mẹ mà tự hứa phải không ngừng học tập, rèn luyện bản thân để cha mẹ vui lòng. Như vậy bài thơ Về thăm mẹ vừa giúp học sinh hiểu hơn về thể thơ lục bát, vừa xây dựng cảm xúc thẩm mĩ về tình mẫu tử thiêng liêng.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

Đọc lại đoạn văn đã viết. Đối chiếu với yêu cầu đã nêu ở mục 1. Định hướng và dàn ý ở mục 2. Thực hành để tự phát hiện các lỗi và biết cách sửa lỗi.

Bài tập: Em hãy viết một đoạn văn phát biểu cảm nghĩ về một trong hai bài thơ lục bát:" À ơi tay mẹ"," về thăm mẹ") hoặc về một bài ca dao Việt Nam đã học

Bài làm

Bài thơ Về thăm mẹ là dòng cảm xúc của người con khi trở về thăm mẹ sau bao ngày xa cách. Bằng lối diễn đạt giản dị kết hết hợp với thể thơ lục bát truyền thống, những câu thơ nối tiếp nhau thật tự nhiên như tình cảm mẹ con gần gùi thân thương. Câu thơ mở đầu:" Con về thăm mẹ chiều đông/ bếp chưa lên khói, mẹ không có nhà" như một lời kể lại nhưng người đọc dường như cảm nhận được hơi ấm của tình mẹ con. Có mẹ trong nhà tràn ngập ấm áp. Hình ảnh mẹ gắp liền với khơi khói đượm hơi ấm mỗi buổi chiều tà, cũng như đang nói về cuộc đời lam lũ, thảo thơm của mẹ. Khi mẹ vắng nhà, ngồi trước mái hiên, ngắm nhìn khung cảnh ngôi nhà thân thương, người con nhìn những đồ vật thân quen đều khiến con gợi nhớ tới hình ảnh mẹ. Ví như: chiếc nón từng dãi nắng dầm sương cùng mẹ thì nay khi cũ rách rồi (thành nón mê) vẫn ngồi dẳm mưa trên chiếc chum tương (một món ăn thường ngàu do mẹ làm ra). Hay như chiếc áo tơi từng qua bao buổi cày bừa trên đồng cạn dưới đồng sây với mẹ tuy đã cũ mòn những vẫn còn lủn củn khóa hờ người rơm; cái nơm, hỏng vành, đành gà con nối đuôi mẹ tránh mưa,... tất cả đều gợi nhớ về mẹ, về hình ảnh mẹ tần tảo sớm khuya. Với mẹ, hình như đồ vật nào cũng đều có sự gắn bó gắn gũi, mang tình nghĩa thẳm thiết, thủy chung sau trước. Đó cũng là phẩm chất của người mẹ Việt Nam. Tấm lòng yêu thương vô bờ bến của mẹ đối với con được kết đặc lại, tô đậm thêm trong hình ảnh: " bất ngờ rụng ở trên cành / trái na cuối vụ mẹ dành phần con." Một trái na cuối vụ đõ chín muộn ở trên cành mà mẹ vẫn dành để phần cho đứa con nơi xa. Mẹ mong lắm ngày con trở về để được nếm hương vị trái câu do tự tay mình trồng, mình chăm. Không nhiều lời, chỉ có một hình ảnh tiêu biểu như thế cũng đã cho ta cảm nhận sâu sắc tình yêu của mẹ đối với con. Bằng cách dùng lối ẩn dụ khéo léo, chọn hình ảnh thân thuộc, phù hợp với đối tượng miêu tỏ với giọng thơ nhẹ nhàng tình cảm là điểm mạnh của bài thơ. Hình tượng người mẹ nông thôn Việt Nam cần cù siêng năng, hiền lành thơm thảo, vất vả lam lũ sớm chiều nhưng đầy tình yêu thương con hiện lên rõ nét trong tác phẩm Về thăm mẹ của Định Nam Khương. Chẳng riêng tác giả mà ngay như chúng ta cũng chung tình cảm: Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày..

Bài đăng

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Thuyết Trình Về Gia Đình

Thuyết Minh Về Biển Mỹ Khê Quảng Ngãi

Ngữ văn 6 - Bài 9: Tóm tắt bằng sơ đồ nội dung của một văn bản đơn giản - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 – Bài 10 : Trái Đất - Mẹ của muôn loài - Chân trời sáng tạo

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Thuyết Minh Về Một Danh Lam Thắng Cảnh Ở Huế

Thuyết Trình Về Ô Nhiễm Môi Trường Nước Hiện Nay

Thuyết Minh Về Bài Thơ Tiểu Đội Xe Không Kính

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Tuổi thơ tôi (Nguyễn Nhật Ánh) - Chân trời sáng tạo

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 Bài 7: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích - Kết nối tri thức