Ngữ văn 6 Bài 3 Viết: Viết bài văn kể về một kỉ niệm của bản thân - Cánh Diều

Viết: Viết bài văn kể về một kỉ niệm của bản thân

1. Định hướng

a) Kỉ niệm là những câu chuyện còn giữ lại được trong trí nhớ của mỗi người.

Viết bài văn kể về một kỉ niệm là ghi lại những điều thú vị, có ấn tượng sâu sắc về một sự việc trong quá khứ mà em đã chứng kiến và trải nghiệm. Trong bài viết, người kể sử dụng ngôi thứ nhất, thường xưng "tôi".

Ví dụ: Văn bản Người thủ thư thời thơ ấu.

b) Cách viết bài văn kể về một kỉ niệm của bản thân:

- Xác định kỉ niệm được kể lại và nêu tên kỉ niệm đó ở nhan đề của bài viết.

- Kể về kỉ niệm đã xảy ra như thế nào? Có gì đặc sắc và đáng nhớ?

- Sử dụng ngôi kể thứ nhất, xưng "tôi" để dễ dàng trình bày những quan sát, suy nghĩ, cảm xúc của bản thân.

- Suy nghĩ về những ảnh hưởng, tác động của kỉ niệm ấy.

- Kết thúc: Nói lên mong ước và cảm nghĩ của người viết.

2. Thực hành

Bài tậpKể lại một kỉ niệm sâu sắc của em với thầy cô, bạn bè khi học ở trường tiểu học.

a) Chuẩn bị

Nhớ lại và xác định một kỉ niệm sâu sắc của em những năm học tiểu học (kỉ niệm gì, với ai, khi nào,...).

Xem lại cách viết về một kỉ niệm trong mục 1. Định hướng ở trên.

b) Tìm ý và lập dàn ý

- Tìm ý dựa vào mục a) nêu trên, đặt ra và trả lời các câu hỏi như:

+ Em nhớ và định kể lại kỉ niệm gì?

+ Câu chuyện xảy ra như thế nào?

+ Vì sao kỉ niệm ấy sâu sắc, đáng nhớ?

Lập dàn ý bằng cách dựa vào các ý đã tìm được, sắp xếp lại theo ba phần lớn của bài văn, gồm:

Mở bài: Nêu khái quát về kỉ niệm em định kể.

Gợi ý

Chuyện rèn chữ của tôi.

   Hôm nay là ngày cả gia đình tôi dọn dẹp để đóng gói đồ đạc chuẩn bị chuyển nhà. Có những thứ dường như đã đi vào quên lãng nay mới được nhắc nhớ. Nào là những tấm thiệp đáng yêu của các bạn dành cho tôi vào dịp sinh nhật, những bài văn ngây ngô thời chập chững đi học hay cả những bài tập được điểm kém. Nhưng thứ khiến tôi dừng lại ngắm nghía lâu nhất chính là tấm giấy khen giải Nhì cuộc thi Nét chữ đẹp của thành phố.

Thân bài: Kể chi tiết, cụ thể về kỉ niệm ấy bằng cách làm rõ các nội dung sau:

  • Nêu địa điểm và thời gian xảy ra câu chuyện, các nhân vật liên quan.
  • Kể lại diễn biến câu chuyện từ bắt đầu đến kết thúc; chú ý các sự việc, hành động, ngôn ngữ,... đặc sắc, đáng nhớ.
  • Nêu điều đặc biệt làm em nhớ hay vui buồn, xúc động.

Gợi ý

   Vì đây là một trong những giải thưởng đầu đời của tôi nên cho dù có trải qua bao năm, tôi vẫn có thể nhớ rất rõ mồn một từng chi tiết. Tôi nhận được nó khi tôi chỉ là một cô bé học lớp 2 non nớt dưới sự giúp đỡ của giáo viên chủ nhiệm của tôi lúc ấy. Với tất cả mọi người, đó có thể là một cái giải rất nhỏ bé. Nhưng với tôi, để đạt được điều nhỏ bé ấy, tôi đã phải nỗ lực cực kì nhiều. Lí do bởi vì, khi học lớp 1, với sự yêu quý của giáo viên chủ nhiệm cũ, chữ của tôi đã bị lệch chuẩn, trông rất xấu. Tuy nhiên với cương vị là lớp trưởng và có mối quan hệ tốt với cô, điểm Tiếng Việt của tôi vẫn luôn được 9, 10. Tôi đã nghĩ chữ viết của mình rất đẹp cho đến khi nghe cô chủ nhiệm lớp 2 chê thẳng thừng trước mặt cả lớp "Chữ như vậy mà em cũng lên được lớp à?". Đó là một trong những thời khắc bàng hoàng nhất trong cuộc đời đi học của tôi. Tôi đã tự hỏi thực sự chữ mình xấu đến mức ấy sao? Hay cô không thích mình nên mới làm mình bẽ mặt? Những ngày tháng sau đó là những ngày tháng khó khăn của tôi. Khi đến phần chính tả, cô tôi luôn dặn kĩ "Riêng lớp trưởng viết chữ này cẩn thận nếu không sẽ bị phạt viết thêm mười lần". Lí do là chữ "h" của tôi luôn trong trạng thái nghiêng vẹo chứ không được thẳng đẹp như các bạn. Cô đã đến tận nơi, cầm tay tôi và uốn nét chữ cho tôi. Chính sự nhắc nhở trước lớp những lại rất ân cần tự mình giảng dạy đã khiến tôi có nỗ lực không ngừng trong việc luyện chữ. Một phần do không muốn bẽ mặt trước các bạn cùng lớp. Phần khác tôi mong cô có thể yên tâm và tự hào về sự thay đổi của cô. Cô luôn cho tôi những bài tập thêm về luyện chữ ở nhà để quá trình thay đổi chữ của tôi được thúc đẩy nhanh hơn. Tôi cũng không ngừng rèn luyện để trở thành người có nét chữ đẹp.

  Rồi cuối cùng sự kiện khiến tôi thay đổi đã đến. Vào học kì II năm ấy, thành phố có cuộc thi Nét chữ đẹp. Mỗi lớp phải cử hai đại diện đi thi để mang lại giải thưởng cho trường. Cô tôi đã chọn tôi đầu tiên. Nghe đến tên mình, tôi không khỏi ngỡ ngàng vì cứ nghĩ chữ mình vẫn chưa đủ đẹp để tranh đấu với các trường khác. Tôi đã rất tự ti, xin cô nhường cơ hội cho những bạn xứng đáng hơn. Nhưng cô vỗ vai tôi và nói "Cô tin em làm được". Giây phút ấy mắt tôi rưng rưng chỉ chờ muốn khóc. Tôi mang trong mình niềm tin và sức mạnh của cô, trong suốt 1 tháng ôn thi không ngừng luyện chữ, miệt mài viết hết tờ này đến tờ khác dưới sự chỉ dẫn của cô. Đến hôm đi thi, mặc dù lòng ngập tràn sự lo lắng nhưng tôi đã tự trấn tĩnh bản thân để có thể hoàn thành tốt bài thi của mình. Vừa bước ra khỏi phòng thi, người đợi tôi ở sân trường không ai khác là cô. Cô ôm tôi vào lòng và nói "Cho dù em có không được giải thì với cô em đã chiến thắng rồi". Đó là câu nói mà cả đời này tôi cũng không quên được. 

  Cuối cùng ngày công bố giải thưởng cũng đến, tôi đoán cùng lắm mình cũng chỉ được giải Khuyến khích thôi vì thành phố có biết bao người viết chữ đẹp như vậy mà. Thế mà khi công bố giải Khuyên khích rồi giải Ba lại không có tên tôi. Tôi đã từ bỏ hi vọng, lòng buồn man mác. Vậy mà cuối cùng khi công bố tôi lại được giải Nhì. Tôi không tin vào những gì mình vừa được nghe, cứ đứng đơ ra đó khiến thầy trao giải phải nhắc nhở, vỗ vai tôi tiến lên nhận thưởng. Không rõ cảm xúc lúc ấy của tôi là gì? Vừa vui, vừa tự hào, vừa biết ơn tất cả mọi người đã ủng hộ tôi. Việc đầu tiên khi rời khỏi bục nhận thưởng, tôi chạy đến đưa cô tấm bằng ấy "Cảm ơn cô vì đã giúp em trong suốt thời gian qua".  

Kết bài:

  • Nêu cảm nghĩ của em về kỉ niệm hoặc bài học rút ra từ kỉ niệm ấy.
  • Nói lên mong ước từ kỉ niệm ấy.

Gợi ý

  Đến bây giờ, tôi vẫn giữ liên lạc với cô và thường hỏi thăm cô mỗi dịp lễ. Trong suốt chặng đường trưởng thành của mình, cô vẫn luôn ở bên cạnh giúp đỡ tôi tất cả mọi điều, cho tôi những lời khuyên hữu ích. Qua sự việc trên, tôi luôn tự nhắc nhở bản thân một điều: Không có gì là không thể làm được, chỉ cần mình cố gắng đủ nhiều. Tôi mong tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn học sinh cũng như vậy. Phải cố gắng hết sức trước khi từ bỏ một việc nào đó vì biết đâu mình có thể hoàn thành được ước mong đó.

c) Viết: Từ dàn ý đã làm, viết thành bài văn theo yêu cầu của đề.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

Kiểm tra dàn ý đã xây dựng và xác định các lỗi về nội dung cần chỉnh sửa.

Kiểm tra đoạn văn, bài văn đã viết, phát hiện và tìm cách sửa các lỗi về viết: dùng từ, chính tả, ngữ pháp, trình bày,...

Bài tập: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của em với thầy cô, bạn bè khi học ở trường tiểu học

Bài Làm tham khảo:

   Trong suốt những năm tháng học dưới mái trường tiểu học mến yêu, người mà em kính mến nhất đó là cô Thanh. Đó là người đã mang lại cho em những tình cảm cao quý của một người cô giáo đối với học sinh.

   Cô Thanh còn trẻ lắm, dáng cô thanh mảnh, nhỏ nhắn và rất dễ thương. Cô rất thương yêu học sinh. Ngày nắng cũng như ngày mưa, cô chưa bao giờ đi dạy trễ hoặc nghỉ dạy ngày nào. Cô luôn dịu dàng với học sinh nhưng rất nghiêm túc trong giảng dạy. Những giờ ra chơi, nếu có bạn nào không hiểu bài, cô ân cần ở lại lớp giảng cho từng bạn. Những bạn nam hay đùa nghịch, phá phách cô nhẹ nhàng nhắc nhở. Cô thường lấy những mẩu chuyện vui, có ích để giáo dục chúng em. Bạn nào có lỗi cô chỉ khuyên răn chứ không hề la mắng. Còn bạn nào học yếu cô luôn quan tâm đặc biệt để bạn ấy tiến bộ hơn. Vì thế chúng em ai cũng yêu quý cô, xem cô như người mẹ thứ hai của mình.

Hôm đó, sau khi tan học buổi chiều, em đợi bố đến đón như thường lệ nhưng khi các bạn đã về hết từ lâu mà bố em vẫn chưa tới. Em rất lo lắng vì từ trước tới nay bố chưa đón em muộn bao giờ.

Khi em đang lo lắng gần như sắp khóc đến nơi thì cô giáo chủ nhiệm của em đi tới, cô hỏi em sao giờ này vẫn chưa về. Em kể lại sự việc cho cô nghe mà không giấu nổi sự lo lắng. Em bắt đầu khóc.

Cô động viên em hãy bình tĩnh và bảo em lên xe để cô trở về nhà. Khi về đến nhà, nhìn cánh cổng nhà em vẫn đóng im lìm, em càng lo lắng hơn vì thường ngày giờ này mẹ em thường đi làm về rồi.

Cô Thanh bèn sang bên nhà hàng xóm hỏi thăm tình hình và được biết là bố em đi công tác đột xuất, có mẹ em ở nhà nhưng đột nhiên bà nội em bị mệt phải đưa đi cấp cứu trong viện, cả nhà đã lo lắng vào viện hết mà quên mất giờ đón em. Cô bèn chở em đến bệnh viện thăm bà luôn. Gặp lại mẹ, em vui mừng khôn xiết vì biết bà cũng đã qua cơn nguy kịch. Mẹ em đã rất xúc động và cảm ơn cô giáo của em thật nhiều.

   Giờ đây, tuy đã xa cô nhưng em vẫn nhớ mãi từng nụ cười, ánh mắt, giọng nói dịu dàng của cô. Cô đã truyền cho em một tấm lòng nhân hậu, dạy em biết cách yêu thương và quan tâm đến mọi người, tin yêu cuộc đời. Em tự hứa với lòng sẽ học thật giỏi để cho cô vui lòng, trở thành con ngoan, trò giỏi và một người có ích cho xã hội. Cô là tấm gương sáng để học sinh chúng em noi theo.

Bài đăng

Ngữ văn 6 - Bài 8: Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng mà em quan tâm - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 - Bài 9: Lẵng quả thông - Chân trời sáng tạo

Thuyết Minh Về Bài Thơ Đoàn Thuyền Đánh Cá

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 - Bài 8: Hai loại khác biệt - Kết nối tri thức

Thuyết Trình Về Gia Đình

Em hãy đóng vai là mầm non kể lại cuộc đời mình khi bị một số bạn học sinh cố tình giẫm đạp lên

Ngữ văn 6 – Bài 9: Con muốn làm một cái cây - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 - Bài 8: Thực hành đọc: Tiếng cười không muốn nghe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 - Bài 8: Bài tập làm văn - Kết nối tri thức

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Tuổi thơ tôi (Nguyễn Nhật Ánh) - Chân trời sáng tạo