Ngữ văn 6 Bài 3 Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Kết nối tri thức

Soạn bài Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam)

Trước khi đọc

1. Kể về một sự giúp đỡ, chia sẻ mà em đã dành cho ai đó hoặc từng được đón nhận.

2. Đọc nhan đề Gió lạnh đầu mùa, em dự đoán nhà văn sẽ kể chuyện gì?

Bài làm:

1. Trường em mỗi năm đều vận động phong trào nuôi heo đất để cuối năm góp lại chút tiền mua đồ dùng học tập tặng cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn ở miền núi, nơi ấy, các bạn còn nhiều thiếu thốn cần sự giúp đỡ từ mọi người.

Năm nào em cũng được mẹ mua cho con lớn đất để tiết kiệm. Qua ti vi và sách báo, em được biết những học sinh nơi miền núi xa xôi thiếu từng cuốn vở, chiếc bút, từng cái áo ấm ngày đông rét, từng đôi dép để đi, em thương các bạn vô cùng. Những quần áo cũ không mang nữa, em xếp lại một góc, những sách vở đã học, đồ dùng không dùng đến em cất cẩn thận để quyên góp gửi các bạn. Hàng ngày, em nhổ tóc sâu cho bà, làm việc nhà giúp mẹ, nếu được bố mẹ thưởng em đều nhét vào chú lợn đất để dành. Ngày tổng kết cuối năm, đập vỡ chú lợn đất, mẹ và em ngồi tính được 500.000 đồng, cộng với số tiền thưởng em được nhận khi đạt danh hiệu học sinh giỏi em gửi vào thùng quyên góp của nhà trường gửi đến các bạn. Dù biết đó là số tiền không quá lớn nhưng em rất hạnh phúc vì được đóng góp phần mình giúp đỡ những khó khăn thiếu thốn của các bạn.

Bố mẹ em cũng rất vui vì em đã biết chia sẻ với mọi người. Mẹ bảo "lá lành đùm lá rách" là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, con đã biết yêu thương, sẻ chia với các bạn nhỏ thiếu may mắn, mẹ rất vui và tự hào. Mẹ mong rằng trong tương lai con sẽ giúp đỡ được nhiều người hơn nữa, con nhé". Lời mẹ dặn khiến em càng hiểu được rằng vai trò của tình thương yêu là rất quan trọng, em sẽ cố gắng thật nhiều để giúp đỡ được nhiều người hơn nữa trong cuộc sống.

2. Đọc nhan đề Gió lạnh đầu mùa, em dự đoán nhà văn sẽ kể câu chuyện đơn giản nhưng ý nghĩa có bối cảnh mùa đông, trời lạnh giá. Truyện tuy đến gió lạnh nhưng có lẽ sẽ là câu chuyện ấm áp về tình đời, tình người.

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

Thạch Lam (1910 - 1942)

Tên khai sinh: Nguyễn Tường Vinh.

Quê quán: Hà Nội, lúc nhỏ ở quê ngoại Cẩm Giàng, Hải Dương.

- Truyện ngắn của ông giàu cảm xúc, lời văn bình dị và đậm chất thơ. Nhân vật chính thường là những con người bé nhỏ, cuộc sống nhiều vất vả, cơ cực mà tâm hồn vẫn tinh tế, đôn hậu.

2. Tác phẩm

- Là một trong những truyện ngắn xuất sắc viết về đề tài trẻ em của Thạch Lam.

Bố cục: 3 phần.

+ Phần 1 (Từ đầu đến rơm rớm nước mắt): Cảnh sinh hoạt trong gia đình Sơn ngày gió đầu mùa.

+ Phần 2 (Tiếp đến ấm áp vui vui): Cảnh hai chị em Sơn cùng vui chơi và chia sẻ áo ấm cho Hiên.

+ Phần 3 (Còn lại): Sự lo lắng của Sơn và cảnh mẹ Hiên trả lại áo.

II. Đọc hiểu văn bản

1. Nhân vật Sơn

Sơn là một đứa trẻ được yêu thương

+ Nhận được sự yêu thương từ chị

  • Tỉnh dậy thấy lạnh, chưa xuống giường mà gọi chị.
  • Khi Sơn lo sợ mẹ mắng vì cho mất cái áo, chị Lan luôn an ủi, đấu dịu,... 

Nhận được sự yêu thương từ mẹ

  • Mẹ bảo chị mang thúng ra, mặc áo ấm cho Sơn: cả cái áo dạ chỉ đỏ lẫn áo vệ sinh, ngoài lại mặc phủ cái áo vải thâm dài.
  •  Khi biết chuyện Sơn cho mất cái áo, mẹ cũng chỉ âu yếm ôm vào lòng và trách yêu.

→ Bởi vì nhận được sự yêu thương nên Sơn cũng biết trao đi yêu thương.

Sơn là một đứa trẻ hòa đồng, thân thiện

+ Sơn và chị mặc dù nhà có khá giả hơn nhưng vẫn thân mật chơi đùa với mấy đứa trẻ con ở dãy nhà lá, chứ không kiêu kì và khinh khỉnh như các em họ của Sơn.

+ Thậm chí Sơn còn chủ động chơi với chúng: Sơn thấy chị gọi Hiên không lại thì tự bước đến gần.

Sơn là một đứa trẻ thương người

+ Thấy thương khi nhắc đến em Duyên.

+ Đem cho Hiên cái áo bông cũ.

+ Trong lòng thấy ấm áp, vui vui khi được cho người khác chiếc áo ấm.

+ Mặc dù sau đó lo quá, sắp ăn, bỏ đũa đứng dậy vội ra chợ tìm Hiên, ra cánh đồng. → Tâm lí chung của trẻ nhỏ, không phải biểu hiện của việc thay đổi.

2. Các nhân vật khác trong truyện

Các nhân vậtPhẩm chất

Chị Lan

- Yêu thương em trai: là người đầu tiên em gọi khi tỉnh dậy; luôn nhẹ nhàng, an ủi, động viên.

- Yêu thương những đứa trẻ nghèo: chạy về lấy áo cho Hiên.

Mẹ Sơn

- Yêu thương con:

+ Qua hành động mặc áo ấm cho con, không trách mắng con về chuyện đưa cái áo kỉ vật cho Hiên.

+ Khi nhắc đến Duyên, mẹ rơm rớm nước mắt.

- Yêu thương mọi người:

+ Việc mẹ lấy lại áo hay giận vì Sơn đưa áo cho Hiên không phải sự ích kỉ. Chỉ vì đó là kỉ vật thiêng liêng của người con đã mất nên không thể cho.

+ Biết hoàn cảnh gia đình Hiên, cho vay tiền để mua áo ấm. Không chỉ nhà Liên mà đa phần những người nghèo khổ đều cho vay mượn.

Hiên và những đứa trẻ ở dãy nhà lá

- Nghèo khổ: ở dãy nhà lá tồi tàn, không có áo ấm mắc, không dám tiến lại gần.

- Biết thân phận của mình: khi thấy Sơn đến đều lộ vẻ vui mừng nhưng vẫn đứng xa, không dám vồ vập.

- Ngưỡng mộ tấm áo mới của Sơn: sán gần giương đôi mắt ngắm bộ quần áo mới của Sơn.

Mẹ Hiên

Hiểu chuyện, có lòng tự trọng: Đem trả áo ngay.

3. Biểu tượng gió lạnh đầu mùa

Sự lạnh lẽo của cơn gió đầu mùa

+ Thời gian: buổi sáng, mùa đông.

+ Không gian:

  • Chung: gió bấc, cái lạnh ở đâu đến làm cho người ta tưởng đang ở giữa mùa đông rét mướt.
  • Của những con người nghèo khổ: dãy nhà lá, chợ vắng, rác bẩn rải rác lẫn lá rụng; mặt đất rắn lại và nứt nẻ những đường nho nhỏ.

→ Lạnh lẽo, trống vắng, khắc nghiệt.

Sự ấm áp của tình người

+ Sự ấm áp của tình cảm gia đình.

+ Sự ấm áp của tình cảm cộng đồng.

→ Sự lãnh lẽo của tiết trời không thể ảnh hưởng đến sự ấm áp trong lòng mỗi con người.

➩ Giá trị nhân đạo.

III. Tổng kết

1. Nội dung

Gió lạnh đầu mùa thể hiện tình thương giữa con người với nhau trong hoàn cảnh khổ cực, khắc nghiệt. 

2. Nghệ thuật

Nghệ thuật tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm tinh tế cùng các thủ pháp đối lập, miêu tả tâm lí xuất sắc.

IV. Hướng dẫn trả lời câu hỏi cuối bài

1. Câu chuyện được kể bằng lời kể của người kể chuyện ngôi thứ mấy?

Câu chuyện được kể bằng lời kể của người kể chuyện ngôi thứ ba.

2. Liệt kê một số chi tiết, hình ảnh miêu tả thái độ của chị em Sơn với các bạn nhỏ.

Một số chi tiết, hình ảnh miêu tả thái độ của chị em Sơn với các bạn nhỏ:

- Sơn và chị vẫn thân mật chơi đùa, chứ không kiêu kỳ và khinh khỉnh như các em họ của Sơn.

- Chị Lan dơ tay vẫy một con bé từ nãy vẫn đứng dựa vào cột: Sao không lại đây Hiên, lại đây chơi với tôi.

- Chị Lan hỏi sao áo Hiên rách thế, áo lành đâu sao không mặc.

3. Chỉ ra các câu văn miêu tả ý nghĩ của Sơn khi nghe mẹ và vú trò chuyện về chiếc áo của Duyên; khi Sơn nhớ ra cuộc sống nghèo khổ của mẹ con Hiên. Những suy nghĩ, cảm xúc ấy giúp em cảm nhận điều gì ở nhân vật Sơn?

- Những câu văn miêu tả ý nghĩ của Sơn khi nghe mẹ và vú trò chuyện về chiếc áo của Duyên; khi Sơn nhớ ra cuộc sống nghèo khổ của mẹ con Hiên:

+ Mẹ Sơn nhắc đến làm Sơn nhớ em, cảm động và thương em quá. Sơn thấy mẹ rơm rớm nước mắt. 

+ Một ý nghĩ thoáng qua, Sơn lại gần chị thì thầm: Hãy là chúng ta mang cho nó cái áo bông cũ chị ạ. 

+ Sơn đứng lặng yên, tự dưng trong lòng thấy ám áp, vui vui.

- Sơn còn bé nhỏ, ngây thơ, em rất được mẹ yêu. Không một tiếng khóc, một lời vòi vĩnh. Sơn là một em bé rất giàu tình cảm khi nhớ và thương về em Duyên. Sơn còn là một em bé sống với bạn bè rất có tình người. Trong lúc mấy đứa em họ của Sơn thì "kiêu kì và khinh khỉnh" với các bạn, trái lại Sơn và chị Lan rất chan hòa với chúng. Tình thương và sự quan tâm của Sơn đối với bạn còn được thể hiện bằng những cử chỉ, hành động cụ thể. Thấy cái Hiên, đứa con gái bên hàng xóm, bạn chơi với Lan và Duyên "co ro đứng bên cột quán", chỉ mặc có "manh áo rách tả tơi hở cả lưng và tay", chị Lan gọi, "nó cũng không đến"… Nghe cái Hiên "bịu xịu" nói với chị Lan là "hết áo rồi, chỉ còn cái áo này", bấy giờ Sơn mới chợt nhớ ra "mẹ cái Hiên rất nghèo, chỉ có nghề mò cua bắt ốc thì lấy đâu ra tiền mà sắm áo cho con nữa". Sơn đã "động lòng thương" bạn và một "ý nghĩ tốt thoảng qua"… Sơn đã nói thầm với chị Lan về lấy chiếc áo bông cũ của em Duyên đem cho cái Hiên mặc khi gió lạnh đầu mùa đã thổi về. Sơn thấy lòng mình "ấm áp vui vui" khi đứng lặng yên chờ chị Lan chạy về lấy áo. Đó không phải là một sự bố thí ban ơn! Đó là một nghĩa cử san sẻ tình thương đồng loại "lá lành đùm lá rách". Tấm lòng của Sơn đối với bạn nhỏ rất chân thành. Tình cảm nhường cơm sẻ áo cho bạn rất mãnh liệt! Mặc dù đó là chiếc áo bông của em Duyên, kỉ vật thiêng liêng của mẹ, mặc dù sau đó mẹ cái Hiên đã đem áo đến trả cho mẹ Sơn, nhưng nhờ thế mà mẹ em đã biết cảnh ngộ mẹ cái Hiên, cho mẹ cái Hiên vay năm hào đem về mua áo cho con.

4. Khi cùng chị Lan mang chiếc áo bông cũ cho Hiên, Sơn cảm thấy như thế nào? Cảm xúc ấy giúp em hiểu được điều gì của sự chia sẻ?

Tình thương chân thành ngây thơ trong sáng ấy đã khiến Sơn nảy ra ý nghĩ và bàn với chị Lan về nhà lấy áo bông cũ của Duyên đem cho Hiên. Trong niềm vui khi mình vừa làm được việc thiện, “Sơn đứng lặng yên đợi, trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui”. Đó là ngọn lửa của lòng nhân ái trong sáng, là tình cảm “thương người như thể thương thân”. Thật khéo léo, nhà văn khắc họa tâm trạng phơi phới niềm vui cứ lan toả thấm sâu dần, nó xua đi nỗi lạnh lẽo của gió lạnh đầu mùa không biết tự lúc nào không hay.

5. Hành động vội vã đi tìm Hiên để đòi lại chiếc áo bông cũ có làm em giảm bớt thiện cảm với nhân vật Sơn không? Vì sao?

Hành động vội vã đi tìm Hiên để đòi lại chiếc áo bông cũ không làm em giảm bớt thiện cảm với nhân vật Sơn không. Bởi vì đó là tâm lý và hành động bình thường của một đứa trẻ khi tự ý mang đồ dùng ở nhà đi cho người khác và sợ bị mẹ mắng. 

6. Hãy nhận xét về cách ứng xử của mẹ Sơn và mẹ Hiên trong đoạn cuối câu chuyện.

- Cách ứng xử của mẹ Hiên: không cho con lấy đồ của người khác, đó là đức tính "đói cho sạch, rách cho thơm".

- Cách ứng xử của mẹ Sơn: câu nói của mẹ Sơn "Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta không sợ mẹ mắng à?", với cử chỉ "âu yếm ôm con vào lòng" chứa đựng biết bao tình thơm thảo. Từ chuyện con đem áo rét cho bạn dẫn đến việc người mẹ cho người đàn bà mò cua bắt ốc vay tiền để mua áo ấm cho con là những nét tươi sáng, ấm áp chứa đựng tình nghĩa, sự chia sẻ, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau. Đó là một việc làm đầy tình nghĩa. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Tương trợ ‘lá lành đùm lá rách’, giúp đỡ bạn bè trong lúc khó khăn đói rét là một đức tính quý báu của con người. Tình yêu thương đồng loại làm cho con người trở nên cao quý.

7. Đọc lại một số đoạn văn miêu tả lại cảm xúc thay đổi của đất trời khi mùa đông đến. Em có thích những đoạn văn này không. Vì sao?

Câu chuyện bắt đầu với những chi tiết miêu tả đất trời từ sự chuyển đổi thời tiết. Trời đang ấm, chỉ qua một đêm mưa rào, bông gió rét thổi về. Ai cũng tưởng như đang ở giữa mùa đông rét mướt. Sơn "tung chăn tỉnh dậy". Em nhìn ra ngoài sân, nghe "gió vi vu…", âm thanh xào xạc của những chiếc lá khô. Những khóm lan "lá rung động và hình như sắt lại vì rét"... Đây là những đoạn văn thể hiện ngòi bút quan sát tinh tế của tác giả về thiên nhiên. Miêu tả thiên nhiên vào đông, gió lạnh nhưng người đọc cũng cảm thấy tình người ấm áp qua sự quan tâm chăm sóc từ chiếc áo ấm mà mẹ dành cho Sơn.

8. Hãy chỉ ra một vài điểm giống nhau và khác nhau giữa hai nhân vật cô bé bán diêm (Cô bé bán diêm) và Hiên (Gió lạnh đầu mùa). 

- Giống nhau: Đều là những cô bé có hoàn cảnh nghèo khó, thiếu thốn, không được hưởng một cuộc sống có "cơm ngon áo đẹp".

- Khác nhau:

+ Cô bé bán diêm: Có cuộc sống bất hạnh, không có sự yêu thương, bảo vệ của gia đình. Em phải tự mình kiếm tiền mang về cho bố, nếu không có tiền sẽ không được về nhà. Số phận của em là một số phận đầy bi kịch khi em đã không thể chông chọi được sự khắc nghiệt của cuộc sống, đã chết đi, về với vòng tay yêu thương của bà.

+ Hiên: Em vẫn có mẹ bên cạnh chăm sóc, vẫn có bạn bè, có hai chị em Sơn quan tâm, yêu thương và đùm bọc. 

9. Có nhiều nhân vật trẻ em xuất hiện trong truyện Gió lạnh đầu mùa. Hãy viết một đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) trình bày cảm nhận về một nhân vật mà em thấy thú vị. 

Sơn là một em bé sống với bạn bè rất có tình người. Trong lúc mấy đứa em họ của Sơn thì "kiêu kì và khinh khỉnh" với các bạn, trái lại Sơn và chị Lan rất chan hòa với chúng. Vì thế mới thấy chị em Sơn đến, chúng nó "lộ vẻ vui mừng". Gặp bạn, buổi sớm trong gió lạnh đầu mùa, cái nhìn của Sơn đối với bạn nhỏ, những thằng Cúc, thằng Xuân, con Tí, con Túc,… là cái nhìn yêu thương, cảm thông với cảnh nghèo của bạn. Trời lạnh mà chúng nó vẫn "ăn mặc không khác ngày thường, vần những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ", và "môi chúng nó tím lại…", chỗ áo quần rách "da thịt thâm đi". Mỗi lần làn gió lạnh thổi qua, các bạn nhỏ của Sơn "lại run lên" và "hai hàm răng đập vào nhau". Biết quan tâm tới đồng loại, biết san sẻ, cảm thông với bạn bè chỉ có ở những trái tim nhân ái, những tấm lòng nhân hậu. Sơn đã chơi, đã sống với bạn bằng trái tim nhân ái, bằng tấm lòng nhân hậu như thế!

Bài đăng

Ngữ văn 6 - Bài 8: Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng mà em quan tâm - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 - Bài 9: Lẵng quả thông - Chân trời sáng tạo

Thuyết Minh Về Bài Thơ Đoàn Thuyền Đánh Cá

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 - Bài 8: Hai loại khác biệt - Kết nối tri thức

Thuyết Trình Về Gia Đình

Em hãy đóng vai là mầm non kể lại cuộc đời mình khi bị một số bạn học sinh cố tình giẫm đạp lên

Ngữ văn 6 - Bài 8: Thực hành đọc: Tiếng cười không muốn nghe - Kết nối tri thức

Ngữ văn 6 – Bài 9: Con muốn làm một cái cây - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 - Bài 8: Bài tập làm văn - Kết nối tri thức

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) - Chân trời sáng tạo

Ngữ văn 6 Bài 7: Cây khế - Kết nối tri thức

Cách trả lời thông minh khi bị chửi bị cà khịa

Ngữ văn 6 Bài 7: Vua chích chòe - Kết nối tri thức

Ngữ Văn 6 Bài 6 Đọc: Tuổi thơ tôi (Nguyễn Nhật Ánh) - Chân trời sáng tạo